Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Doanh nghiệp với người tiêu dùng chung tay trong đại dịch COVID-19".
Thế giới đang bước vào một thời điểm chưa từng có tiền lệ khi dịch COVID-19 gây ra đang ngày một ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống - kinh tế - xã hội trên toàn cầu.
Trong hơn ba tháng qua, loài người phải đối mặt với một dịch bệnh khủng khiếp khiến hơn 1,5 triệu người nhiễm bệnh và gần 100 ngàn người tử vong trên toàn thế giới. Con số này được dự báo chưa dùng lại và sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, Chính phủ cũng như các tầng lớp xã hội đã cùng nhau đồng lòng vào cuộc và khống chế thành công dịch bệnh COVID-19, được cả thế giới ca ngợi. Không chỉ thành công về lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe mà Việt Nam còn thành công trong việc đảm bảo và ổn định kinh tế xã hội.
Và một trong những thành công đó phải kể đến đó là việc ổn định thị trường hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, bất ổn cung - cầu, tăng giá bắt chẹt hay cung ứng ra thị trường những sản phẩm không đạt chất lượng khiến người tiêu dùng hoang mang lo lắng.
Để đạt được điều đó ngoài sự tài tình của Chính phủ, các Bộ ban ngành, không thể không kể đến sự đồng lòng, góp công góp sức của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bên cạnh việc vừa phải lo cung cấp kịp thời và đầy đủ hàng hóa, bình ổn thị trường và đảm bảo chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cũng đã có những sáng kiến, đóng góp thiết thực, hy sinh quyền lợi cho cộng đồng, cho người tiêu dùng hỗ trợ Chính phủ và cùng toàn dân chống dịch.
Nhân “Tháng hành động vì Người tiêu dùng” và nhằm đề cao hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp với người tiêu dùng trong bối cảnh dịch COVID-19, chỉ ra những giải pháp kinh doanh hiệu quả, góp phần thích nghi với giai đoạn hiện nay, được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề:
“DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI TIÊU DÙNG CHUNG TAY TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19”
Thời gian: Từ 14h00 - 17h00 thứ Sáu, ngày 24/4/2020
Địa điểm: Hội trường 3, tầng 7, tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội và các điểm cầu.
Tham dự toạ đàm, tại đầu cầu Hà Nội có bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương; Ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương; Ông Hồ Tùng Bách - Phó Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dung - Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng; Ông Trần Mạnh Hiển - Tổng Giám đốc Tập đoàn Karofi Việt Nam; Ông Hoàng Chương - Giám đốc điều hành Miền Bắc - Công ty cổ phần Masan Meatlife.
Tại đầu cầu TP HCM có bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh; Ông Phan Văn Dũng - Phó Tổng Giám đốc công ty CP VN Kỹ nghệ súc sản (VISSAN).
Điều phố buổi toạ đàm - Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.
Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng - Phó Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới mọi mặt của kinh tế-xã hội toàn cầu.
Tại Việt Nam, chúng ta xác định song song với chống dịch nhưng phải đảm bảo phát triển kinh tế, xác định tinh thần “sống chung với dịch”. Với bối cảnh đó, doanh nghiệp cũng phải đưa ra các giải pháp để thích ứng với bối cảnh mới, thực hiện mục tiêu kép chống dịch và đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Doanh nghiệp đánh giá như thế nào về nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chung tay chống dịch thời gian qua? Cơ quan quản lý đã có giải pháp như thế nào?".
TRÁCH NHIỆM CỦA DOANH NGHIỆP ĐỐI VỚI XÃ HỘI VÀ NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG GIAI ĐOẠN DỊCH COVID-19
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương:
Với diễn biến phức tạp của COVID-19, do dịch bệnh nên tâm lý hạn chế tiếp xúc với người xung quanh khiến người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều hơn, đây cũng là xu hướng phát triển của tương lai.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành chương trình hành động, trong đó sớm có những chỉ đạo điều hành, quản lý và phát triển thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam.
Chúng tôi đã sớm chỉ đạo các sàn đảm bảo rà soát các sản phẩm, chống hàng giả hàng nhái, ưu tiên hiển thị các sản phẩm chống dịch, các nhu yếu phẩm cung cấp trong dịch. Đồng thời xử lý nghiêm hiện tượng các gian hàng bán thiết bị phòng dịch tăng giá... Đến ngày 24/4, đã xử lý khoảng 17 nghìn gian hàng và khoảng 38.400 sản phẩm vi phạm.
Chúng tôi cũng phối hợp với các doanh nghiệp tiến hành đưa hàng hoá doanh nghiệp Việt lên các sàn giao dịch lớn. Đẩy mạnh triển khai hệ thống giải quyết khiếu nại bảo vệ người tiêu dùng.
Với quan điểm tích cực tăng cường đẩy mạnh, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam, chúng tôi đang chung tay cùng doanh nghiệp đẩy lùi đại dịch COVID-19.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh:
Ngay từ khi dịch bệnh xảy ra, các doanh nghiệp chắc chắn rơi vào tình trạng bị động và chưa sẵn sàng, nhưng cho đến giờ phút này thì tôi cho rằng các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp sản xuất tiêu dùng và lương thực thực phẩm đã chủ động thích nghi.
Bằng chứng thể hiện là trong khi nhiều nước trên thế giới xảy ra tình trạng thiếu thốn hàng hoá tiêu dùng, lương thực thực phẩm thì tại TP HCM nói riêng và trên cả nước nói chung không hề có tình trạng này xảy ra.
Đặc biệt, giá cả hàng hoá các mặt hàng thiết yếu không có sự tăng giá nhiều gây ảnh hưởng tới thị trường, nếu có chỉ là một nhóm và ngay lập tức Chính phủ đã kiên quyết chỉ đạo để ổn định trở lại.
Tôi muốn nói rằng, không phải tự nhiên doanh nghiệp có tâm thế để vào cuộc, mà có sự chỉ đạo quyết liệt từ chính quyền đến sở ngành. Cứ 2-3 ngày doanh nghiệp chúng tôi tổ chức họp một lần để xây dựng kịch bản ứng phó dịch, và lên phương án sản xuất, giữ giá cả sản phẩm, ổn định thị trường.
Trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nhưng doanh nghiệp đều đảm bảo chất lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp luôn được đặt lên hàng đầu.
Đó là những kết quả tốt mà chúng ta nhìn thấy được. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn một nhóm nữa gặp nhiều khó khăn như xuất khẩu rau quả tươi, chế biến thuỷ sản… đều bị sụt giảm. Thị trường nhiều lúc bị tê liệt và doanh nghiệp ngay tức khắc hướng vào thị trường nội địa, đó là sự năng nổ của các doanh nghiệp.
Ông Hồ Tùng Bách - Phó Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng – Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng:
Thời gian qua chúng ta chứng kiến thảm họa quy mô toàn cầu chưa từng có trong lịch sử nhân loại khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào thế bị động. Giai đoạn đầu, doanh nghiệp có chút bối rối, nhưng ngay sau đó doanh nghiệp đã nhanh chóng thích nghi.
Trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục cạnh tranh đã có những quy định việc doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng, cung cấp thông tin, đảm bảo giá,… nhằm ổn định thị trường
Trong thời khắc khó khăn, Cục cạnh tranh ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực và kết quả doanh nghiệp đạt được trong nhiều lĩnh vực ngành hàng. Kết quả thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Vì dụ như ngành hàng không, dù tổn thất nặng nặng nề như vậy nhưng các hãng hàng không vẫn tổ chức các chuyến bay vào tâm dịch để đưa người Việt về nước. Hay các công ty may mặc đã nhanh chóng chuyển hướng sản xuất khẩu trang chất lượng tốt, giá cả phải chăng cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn một số tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh để trục lợi như nâng giá bán khẩu trang giai đoạn đầu chống dịch, bán thiết bị y tế kém chất lượng, hàng giả...
Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã thành lập tổng đài tiếp nhận thông tin của người tiêu dùng và đã nhận được nhiều khiếu nại liên quan đến việc mua hàng, đặc biệt mua online nhận hàng không đúng, không đảm bảo chất lượng.
Thời gian qua, các cơ quan Nhà nước đã vào cuộc quyết liệt xử lý tình trạng này. Việc nâng giá bán không chỉ có lực lượng quản lý thị trường mà cả Công an kinh tế vào cuộc, hình thức xử lý cả xử lý kinh tế và hình sự. Nhờ sự quyết liệt đó mà tình trạng trục lợi, vi phạm giảm đi rất nhiều.
- Trước trong và sau COVID doanh nghiệp ông có những hành động như thế nào để có thể đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa phục vụ người tiêu dùng với mức giá hợp lý?
Ông Phan Văn Dũng - Phó Tổng Giám đốc công ty CP VN Kỹ nghệ súc sản (VISSAN)
Giai đoạn trước tết do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch tả heo nên nguồn cung nguyên liệu thịt bị ảnh hưởng lớn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Tuy nhiên, chúng tôi là một trong những đơn vị tham gia làm bình ổn, có cam kết với UBND TP Hồ Chí Minh để giữ giá trong chu kỳ bình ổn.
Thời điểm từ 15/1 đến nay, dịch COVID-19 khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, doanh nghiệp phải mua nguyên liệu đầu vào với mức giá dao động từ 90.000 đồng đến 95.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đảm bảo nhập hàng để cung cấp đủ nguồn cung. Chúng tôi đảm bảo cung cấp đủ cho người tiêu dùng và đảm bảo giá cả ở mức bình ổn.
Với mảng thịt chế biến thì trong nguy có cơ, khi dịch bệnh xảy ra, người dân có tâm lý tích trữ hàng hóa, mua đồ hộp có thời gian sử dụng dài để tích trữ. Để đảm bảo có đủ hàng hóa cung cấp cho người dân, chúng tôi đã tăng cường máy móc sản xuất nhằm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mua nhiều, tăng 50%.
Ông Hoàng Chương - Giám đốc điều hành Miền Bắc Cty CP Masan Meatlife:
Ngay từ khi chưa bùng phát dịch COVID-19, khi đó mới có dịch tả lợn châu Phi, doanh nghiệp đã áp dụng 3 tuyến phòng dịch để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Khi dịch COVID-19 bùng phát, các biện pháp được tăng cường hơn, doanh nghiệp đảm bảo giãn cách, đo thân nhiệt, các biện pháp khử khuẩn để đảm bảo cung cấp sản phẩm an toàn. Mặc dù phát sinh chi phí cao, nhưng doanh nghiệp vẫn thực hiện hàng ngày để đảm bảo chất lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường.
Doanh nghiệp cũng ứng dụng đóng gói sản phẩm meatdeli với công nghệ châu Âu đảm bảo an toàn cho sản phẩm. Cùng với đó, hỗ trợ, chung tay với việc duy trì bữa ăn dinh dưỡng cho người tiêu dùng, theo đó hỗ trợ giá với 3 sản phẩm mức trợ giá cao nhất từ trước tới nay.
- Nhiều doanh nghiệp có thể chưa mặn mà, hoặc chưa biết nhiều về việc tiếp cận với các sàn thương mại điện tử?
Ông Bùi Huy Hoàng – Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương:
Về cơ bản thì trên các sàn TMĐT hiện chia thành 2 nhóm: Nhóm của những doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm nhập khẩu và kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp bán các sản phẩm từ nguồn gốc từ Việt Nam chưa nhiều. Nhiều doanh nghiệp cho rằng đây chưa phải là kênh kinh doanh hiệu quả, đội ngũ nhân viên chưa đáp ứng được yêu cầu của điện tử.
Tuy nhiên, dịch COVID-19 cho thấy sự thay đổi lớn trong cách triển khai của các doanh nghiệp kinh doanh các dòng sản phẩm có nguồn gốc đến từ Việt Nam. Như hiện nay, nhiều doanh nghiệp quan tâm đến TMĐT và cho rằng đây hướng đi mới cho mình, giúp họ kinh doanh hiệu quả hơn.
Để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam, chúng tôi đã tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trên hai kênh chính là trên chợ, siêu thị truyền thống và trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Với các kênh siêu thị truyền thống, chúng tôi hỗ trợ doanh nghiệp phân phối hàng hóa trên siêu thị truyền thống và có giám sát của Bộ Công Thương.
Với các sàn giao dịch điện tử, chúng tôi tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu phân phối hàng và cũng sẽ có sự giám sát của Bộ Công Thương. Thông qua các kênh truyền thông, người tiêu dùng đã dần nhận thấy đây là kênh bán hàng hiệu quả để giải tỏa được câu hỏi khi mua hàng hóa trên môi trường trực tuyến không đảm bảo được chất lượng.
Ngoài ra, chúng tôi hỗ trợ doanh nghiệp phân phối hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng mà không qua khâu phân phối.
- Ngày 22/4 Thủ tướng Chính phủ đã chính thức bỏ cách ly xã hội, xác định tâm thế sống chung với dịch, sẵn sàng phòng chống dịch. Các doanh nghiệp cũng thích nghi việc sản xuất trong bối cảnh giãn cách và và phòng trường hợp xấu nhất là đại dịch có thể quay trở lại. Thực hiện chỉ thị của Chính phủ, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp như kinh doanh qua mạng, TMĐT. Đánh giá bà Nguyễn Thị Minh Huyền Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương về những thay đổi trong hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam trong thời gian qua?
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương:
Việc phát triển TMĐT ở Việt Nam ghi nhận nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp TMĐT Việt Nam nói riêng đã cùng cơ quan nhà nước nhanh chóng ứng phó dịch bệnh thời gian qua.
Khảo sát nhanh với 4 sàn thương mại lớn cho thấy, việc tăng số lượng giao dịch với mặt hàng khẩu trang thiết bị y tế tăng 80-100%. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung đại dịch nhiều lĩnh vực của nền kinh tế bị ảnh hưởng, lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp TMĐT bị hủy lên tới 140%.
Nguyên nhân thứ nhất xuất phát từ nguồn cung khi TMĐT xuất phát từ phương thức kinh doanh trên nền tảng số nhưng bản chất dựa trên nguồn cung thực tế.
Thứ hai là liên quan đến việc hạn chế nhập khẩu bởi thương mại Việt Nam phụ thuộc các thị trường nhập khẩu lớn đặc biệt là Trung Quốc.
Thứ ba là năng lực ứng phó dịch bệnh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp lớn ít nhiều có sự chủ động, có thể thích ứng nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn lại bị động trong ứng phó với dịch bệnh, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số để ứng dụng TMĐT, ứng phó với phương thức kinh doanh mới.
Từ thực tiễn đó, chúng tôi đã đưa ra nhóm giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thời gian trước mắt và lâu dài như: Phát động chương trình người tiêu dùng dùng hàng nông sản Việt trên Gian hàng việt; Xây dựng nền tảng ứng dụng TMĐT ứng phó tình huống khẩn cấp; Huy động sự tham gia các công ty chuyển phát và hệ thống thanh toán trung gian để cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp tham gia quy trình TMĐT trọn gói có thể ứng phó với tình huống khẩn cấp không chỉ dịch COVID như hiện nay mà trong các tình huống có thể xảy ra trong tương lai; Đẩy mạnh triển khai hệ thống quản lý, giám sát và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng trên môi trường TMĐT thông qua cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT tại Việt Nam (online.gov.vn) để kịp thời giải quyết tranh chấp, khiếu nại trên môi trường trực tuyến.
GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP TRONG ĐẠI DỊCH
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh:
Cùn với kiểm soát dịch bệnh COVID-19, chúng ta phải phát triển kinh tế. Với ngành chế biến lương thực, thực phẩm có 2 loại hình phân tách, một loại hưởng lợi, một loại chịu nhiều thiệt hại từ dịch COVID-19. Tâm lý chung của các doanh nghiệp là cần các hỗ trợ từ cơ quan nhà nước.
Hiện, các gói hỗ trợ của nhà nước đã có một phần được thực hiện đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng trong ngành chế biến lương thực thực phẩm, nhiều doanh nghiệp cho biết, chưa thể tiếp cận ngay với gói hỗ trợ của ngân hàng nhà nước. Chúng tôi đề xuất đẩy nhanh các gói hỗ trợ tới tay doanh nghiệp.
Cùng với đó, Chính phủ đã đưa ra các chính sách ban hành về hỗ trợ BHYT, BHXH, tuy nhiên kèm theo yêu cầu hỗ trợ là doanh nghiệp phải giảm sút 50%, điều này là rất khó, do đó, doanh nghiệp đang tự mình thay đổi, chuyển hướng mình tập trung vào thị trường nội địa.
Hơn 60% sản lượng lương thực thực phẩm được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc. Do đó, tương ướng 60% sản lượng này gặp khó khi các thị trường này đóng cửa vì COVID-19. Điều này đặt ra yêu cầu doanh nghiệp phải “tự thân vận động”, cùng với chính sách hỗ trợ từ nhà nước, doanh nghiệp phải linh động đổi mới thị trường.
Tuy nhiên việc cơ cấu lại thị trường xuất khẩu chưa làm được ngay. Do đó, doanh nghiệp phải hướng phát triển thị trường nội địa, mở kênh online để người tiêu dùng có thể gọi đặt hàng trực tuyến. Như vậy, dịch vừa rồi cũng là thời cơ với các doanh nghiệp trước đây ít chú trọng tới bán hàng trực tuyến, nay phải thay đổi.
Ông Phan Văn Dũng - Phó Tổng Giám đốc công ty CP VN Kỹ nghệ súc sản (VISSAN)
Đối với VISSAN kế hoạch 2020 chúng tôi sẽ xây dựng trang website TMĐT. Ngay từ tháng 2/2020, chúng tôi đã đã nhanh bán hàng qua số hotline của công ty. Sau Chỉ thị 16 của Chính phủ về cách ly xã hội và giãn cách xã hội thì người tiêu dùng đã hạn chế tới siêu thị nên buộc chúng tôi tiến hành bán hàng qua hình thức này để phục vụ người tiêu dùng.
Với 55 cửa hàng giới thiệu sản phẩm chúng tôi tạo thành 55 kho hàng ở khắp nội, ngoại thành và người tiêu dùng chỉ cần gọi hotline là mua được hàng.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đẩy nhanh website của công ty và đồng thời đưa hàng lên sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki… trong lúc giãn cách xã hội.
Ông Trần Mạnh Hiển - Tổng Giám đốc Tập đoàn Karofi Việt Nam:
Karofi vừa là đơn vị thương mại vừa là đơn vị sản xuất nên giải pháp của chúng tôi rất đa dạng. Trong biến cố như vậy chúng tôi có nhiều giải pháp về con người, tổ chức, phương tiện, sản xuất.
Về mặt sản xuất, ngay lập tức doanh nghiệp xoay hướng nhanh vì đã có nền tảng nhất định. Thông thường một dự án kéo dài 3 tháng, nhưng trong vòng 15 ngày đội ngũ nhân sự của Karofi đã nhanh chóng sản xuất khẩu trang Nano silver để diệt khuẩn. Trong tình hình đại dịch, doanh nghiệp đã nhanh chóng tạo các sản phẩm giá trị gia tăng nhằm giảm bớt khó khăn.
Khía cạnh người tiêu dùng, trong trạng thái giãn cách xã hội và cách ly làm sao để tiếp cận được với sản phẩm. Lúc này, TMĐT được sử dụng vừa để hỗ trợ hệ thống phân phối vừa để người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng với sản phẩm.
Karofi có lịch sử đầu tư về hệ thống lâu và bền vững, quản lý đến tận người dùng, xác thực hàng hóa chính hãng… Tuy nhiên có nhiều rào cản như năng lực hệ thống, năng lực không gian, về công nghệ,… nên các sản phẩm của Karofi như khẩu trang ra đời cũng có những khó khăn nhất định khi tiếp cận với người tiêu dùng. Các cơ quan quản lý có thể có phương thức nào đó hỗ trợ doanh nghiệp và cùng với đó là sự hỗ trợ từ các cơ quan báo chí.
Ông Hoàng Chương – Giám đốc điều hành Miền Bắc – Công ty cổ phần Masan Meatlife:
Chúng tôi luôn xác định bán hàng trực tuyến là xu thế tất yếu trong tương lai và COVID-19 là lý do đẩy nhanh hơn nữa xu hướng tiêu dùng của người Việt, đưa hệ thống bán hàng online tiếp cận tời người tiêu dùng nhanh.
Để đón đầu xu hướng này, chúng tôi đã triển việc bán hàng cho khách hàng thông qua nhiều kênh bán khác có thể mua hàng từ các cơ sở như: Web, Fage…
- Doanh nghiệp có lợi như thế nào khi bán hàng trên các sàn thương mại điện tử và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công Thương?
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương:
Doanh nghiệp ngày càng kinh doanh nhiều hơn trên các ứng dụng thương mại điện tử và đây là xu thế tất yếu.
Doanh nghiệp kinh doanh TMĐT phải đăng ký với Bộ Công Thương theo quy định tại Nghị định 52/NĐ-CP. Nếu không đăng ký là trái quy định pháp luật.
Việc doanh nghiệp bán hàng và đăng ký với Bộ Công Thương sẽ giúp doanh nghiệp mang được uy tín với cộng đồng và tránh được các tình huống về công tác hậu kiểm. Việc đăng ký cũng giúp người tiêu dùng tiện kiểm tra thông tin trước khi mua hàng.
Tuy nhiên, tôi cũng mong muốn các khách hàng hãy là người tiêu dùng thông thái bằng việc sẽ mua hàng trên các sàn giao dịch điện tử thông qua các sàn thương mại đã đăng ký với Bộ Công Thương. Tra cứu trước khi mua hàng, tìm hiểu các quy định của các sàn để ghi lại lịch sử giao dịch, nếu có tranh chấp xảy ra, cơ quan liên quan có thể hỗ trợ kịp thời.
Ông Hồ Tùng Bách - Phó Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dung - Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng:
Hoạt động thương mại điện tử đang là xu thế nhưng có hai mặt. Người tiêu dùng doanh nghiệp phải tỉnh táo.
Người tiêu dùng có thể lưu ý, khi truy cập một trang TMĐT, chúng ta kéo xuống cuối trang xem ứng dụng đã đăng ký chưa, có nhiều trường hợp mạo danh đã xảy ra. Theo tôi, với mỗi gian hàng uy tín, khi người tiêu dùng truy cập sẽ có đường dẫn vào trang thông tin, nêu rõ tên công ty, địa chỉ, mã số thuế..., như vậy mới là wesite chính xác.