COVID-19 và nguy cơ "đứt gãy" chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu.

Thời điểm hiện tại, mặc dù các siêu thị vẫn còn tồn kho nhưng nếu đại dịch kéo dài nguồn cung có thể cạn, kèm theo đó là một loạt các vấn đề khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến mạng lưới tương tác phức tạp giữa nông dân, đầu vào nông nghiệp, nhà máy chế biến, vận chuyển, nhà bán lẻ và nhiều hơn nữa.

Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Julia Kloeckner và Bộ trưởng Giao thông Đức Andreas Scheuer tổ chức một cuộc họp báo chung về tác động của sự bùng phát COVID-19 đối với việc cung cấp thực phẩm, di động và hậu cần, tại Berlin, vào ngày 26 tháng 3 năm 2020. Ảnh Michael Sohn /AFP.

Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Julia Kloeckner và Bộ trưởng Giao thông Đức Andreas Scheuer tổ chức một cuộc họp báo chung về tác động của sự bùng phát COVID-19 đối với việc cung cấp thực phẩm, di động và hậu cần, tại Berlin, vào ngày 26 tháng 3 năm 2020.

Đóng cửa biên giới, hạn chế di chuyển, gián đoạn trong ngành vận tải và hàng không đã khiến việc sản xuất lương thực phẩm và vận chuyển hàng hóa quốc tế trở nên khó khăn hơn. Điều này đang đặt các quốc gia có ít nguồn cung thực phẩm thay thế rơi vào tình trạng nguy cơ thiếu hụt rất cao. Bên cạnh đó, sự không chắc chắn trong nguồn cung lương thực sẵn có đã tạo ra làn sóng hạn chế xuất khẩu, từ đó gây ra tình trạng khan hiếm trên thị trường toàn cầu.

Trên toàn thế giới, hàng triệu lao động nông nghiệp không thể ra đồng để thu hoạch và trồng trọt. Ấn Độ, nước đông dân thứ hai thế giới với phần lớn dân số làm nông nghiệp, nằm trong số quốc gia dễ tổn thương nhất khi chuỗi cung ứng thực phẩm bị đảo lộn. Khi bùng phát COVID-19 tại nước này, lệnh phong tỏa và hạn chế di chuyển khiến cho một lượng lớn lao động rời khỏi các nông trại sản xuất của Ấn Độ, chuỗi sản xuất bị đình trệ, thị trường ảm đạm nhưng người dân thì lại khan hiếm hàng hóa.

Công nhân nông nghiệp thu hoạch cần tây ở Mỹ và tiêu thụ xuất khẩu tại Oxnard, California. Những công nhân nông nghiệp này chủ yếu là người nói tiếng Tây Ban Nha di cư. Họ chỉ kiếm được mức lương 1000 đô la trong 6 ngày làm việc với 10 giờ mỗi ngày. Đồng thời, họ không có khẩu trang, không đeo găng tay và không có ý thức xa cách xã hội hoặc xét nghiệm để ngăn chặn sự lây lan vi-rút lẫn nhau. Ảnh của Brent Stirton / Getty Images.

Công nhân nông nghiệp thu hoạch cần tây ở Mỹ và tiêu thụ xuất khẩu tại Oxnard, California

Một người phụ nữ bán rau ở Campbon, miền tây nước Pháp, ngày 2 tháng 4 năm 2020, ngày thứ 17 kể từ khi nước Pháp phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Ảnh LOIC VENANCE /Getty Images.

Một người phụ nữ bán rau ở Campbon, miền tây nước Pháp

Tây Ban Nha, Anh, Ý hay Pháp cũng rơi vào tình trạng thiếu nguồn lao động nông nghiệp di cư từ các nước khác do họ bị hạn chế đi lại.

Brazil - nhà xuất khẩu đậu nành, cà phê và đường hàng đầu thế giới đang gặp hàng loạt vấn đề, từ việc thuê tài xế xe tải để vận chuyển hàng nông sản đến thiếu phụ tùng thiết bị cho những nông cụ sản xuất.

Việc cắt giảm các tuyến bay của ngành hàng không cũng đang làm sụt giảm đáng kể năng suất vận chuyển hàng nông sản tươi sống đến nhiều nơi trên toàn cầu. Các nhà nhập khẩu trái ở Mỹ, phụ thuộc rất nhiều vào các chuyến bay thương mại để vận chuyển các sản phẩm nông sản từ Brazil.

Nay tuyến hàng không kết nối với Brazil đã giảm 80% nên đành phải tăng cường mua từ Mexico và Guatemala là những nơi vẫn có thể vận chuyển hàng bằng xe tải. Và tất nhiên, việc “giật gấu vá vai” này đang làm chuỗi cung ứng tại Mỹ trở nên thiếu hụt một cách trầm trọng.

 
Nông dân vận hành máy nông nghiệp thu hoạch đậu nành ở Santa Cruz do Rio Pardo, bang Sao Paulo, Brazil. Đậu tương và ngô tương lai sụt giảm khi coronavirus gây thiệt hại nặng nề trên thị trường hàng hóa. Nhiếp ảnh gia: Patricia Monteiro /Getty Images

Nông dân vận hành máy nông nghiệp thu hoạch đậu nành ở Santa Cruz do Rio Pardo, bang Sao Paulo, Brazil. 

Ngoài ra, việc ách tắc ở các cảng biển hay cảng nội địa cũng làm chậm trễ những chuyến hàng xuất khẩu thịt heo, thịt bò đến các nước khác như Trung Quốc. Điều này càng làm cho tình hình thiếu nguồn cung thực phẩm càng thêm trầm trọng ở các nước này vốn dĩ đã thiếu hụt từ thời điểm dịch tả lợn châu Phi hoành hành.

Theo cảnh báo từ Ủy ban An ninh lương thực thế giới (CFS) của Liên Hợp Quốc thì sự bất ổn đang tăng cao trong việc cung cấp thực phẩm toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết các công dân nghèo nhất.

Vấn đề “đứt gãy” trong chuỗi cung ứng thực phẩm ở nơi này sẽ được cảm nhận ngay lập tức tại một nơi khác trên thế giới. Tại Canada, lượng hàng nhập các loại rau củ quả của Ấn Độ như hành tây, đậu bắp, cà tím đã giảm 80% trong vài tuần qua do hạn chế từ vận chuyển hàng không. Trong khi đó, nông dân Ấn Độ phải kêu gọi hàng xóm lấy rau ăn miễn phí hoặc đổ rau cho bò ăn và làm phân xanh!

Nông dân Ấn Độ cho bò ăn nông sản vì không thể bán cho các thương lái khi Ấn Độ rơi vào trạng thái phong tỏa đất nước. Ảnh Reuter.

Nông dân Ấn Độ cho bò ăn nông sản vì không thể bán cho các thương lái khi Ấn Độ rơi vào trạng thái phong tỏa đất nước. Ảnh Reuter.

Tuy nhiên, có thể thấy, việc gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm do đại dịch COVID-19 hiện nay hoàn toàn khác với những cuộc khủng hoảng thực phẩm hồi 2007 - 2008 và 2010 - 2012, khi hạn hán ở các nước sản xuất lúa gạo dẫn đến thiếu hụt nguồn cung, đẩy giá lên cao và gây ra bất ổn ở vài nước.

Hiện nay, nguồn cung lương thực khá dồi dào và giá cả toàn cầu đang ở mức thấp. Vấn đề chỉ là trong bối cảnh khắp thế giới phong tỏa, làm thế nào để tạo ra chuỗi cung ứng thông suốt đến những nơi đang có nhu cầu và những người mất thu nhập do đại dịch gây ra mới chính là vấn đề lớn.

FAO, tổ chức nông lương thế giới nhận định, sự đứt gãy chuỗi cung ứng rất có thể xảy ra vào tháng 4 và tháng 5 tới! Mỗi quốc gia hiện nay đều đang phải đối mặt với các vấn đề của riêng mình trong việc khủng hoảng chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu.

Các công ty tập đoàn lớn và các tổ chức tư nhân đã lên tiếng kêu gọi hành động ngay lập tức để giải quyết “thảm họa thực phẩm” đang có nguy cơ hiển hiện trước mắt. Một bức thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo thế giới từ các công ty như Nestle và Unilever cho  biết: "Các chính phủ, doanh nghiệp, xã hội dân sự và các cơ quan quốc tế cần phải có hành động khẩn cấp, phối hợp để ngăn chặn đại dịch COVID biến thành một cuộc khủng hoảng lương thực và nhân đạo toàn cầu".

Trung Quốc, nông nghiệp công nghệ cao được đầu tư.

Trung Quốc là nước bị COVID-19 tấn công nặng đầu tiên và nặng nhất vào tháng 1 và tháng 2 khi hàng ngàn trường hợp nhiễm bệnh được báo cáo mỗi ngày. Nước này áp dụng chính sách phong tỏa, đình chỉ đi lại liên tỉnh và yêu cầu cư dân ở nhà. Điều này đã làm gián đoạn kinh doanh trong hầu hết các lĩnh vực.

Trung Quốc chi hàng chục tỷ đô la trong thập kỷ qua để đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao nhằm ổn định an ninh lương thực. Ảnh THX.

Trung Quốc chi hàng chục tỷ đô la trong thập kỷ qua để đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao nhằm ổn định an ninh lương thực. Ảnh THX.

Tuy nhiên, với công nghệ mới và cùng với việc họ đã tập trung phát triển để cải thiện an ninh lương thực, chi hàng chục tỷ đô la trong thập kỷ qua để đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao khiến cho “cú đánh” vào nguồn cung thực phẩm nước này phải chịu thời gian qua là không đáng kể.

Ngay cả thị trường thương mại điện tử của nước này cũng tham gia vào việc hỗ trợ nông dân xuất khẩu và vận chuyển hàng hóa. Đại gia thương mại điện tử Alibaba đã thành lập một quỹ để giúp nông dân tìm thị trường cho các sản phẩm chưa bán của họ.

Úc quá tải thị trường nông sản nội địa.

Với nước Úc, họ đang phải đối mặt với áp lực xuất khẩu thực phẩm. Kim ngạch xuất khẩu của họ rơi vào khoảng hai phần ba sản phẩm nông nghiệp và là nhà cung cấp chính cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhưng thời điểm này, lĩnh vực thương mại quan trọng này hiện đang bị đe dọa.

Hàng không Úc cắt giảm các chuyến bay quốc tế dẫn đến việc chi phí để xuất khẩu thực phẩm thông qua con đường này trở nên đắt đỏ. Ngành nông nghiệp nước này đang phải nhanh chóng tìm các tuyến đường khác thay thế. Một số nông dân Úc cung đang cố gắng tìm người mua mới trong nước thay vì tìm kiếm quốc tế.

Các sản phẩm nông nghiệp của Úc thường được bán ra thế giới đột nhiên xâm nhập thị trường nội địa khiến cho dòng tiền này có thể gây áp lực lớn lên thị trường và ảnh hưởng đến giá bán những hàng hóa.

Các sản phẩm nông nghiệp của Úc thường được bán ra thế giới đột nhiên xâm nhập thị trường nội địa 

Điều này đang đe dọa nền kinh tế của nước này một cách trực tiếp. Ít nhất khoảng 14,5% hàng xuất khẩu của Úc là các sản phẩm lương thực phẩm, nếu nông dân không thể xuất khẩu hàng hóa, có thể khiến nước này mất hàng chục tỷ đô la.

Để giải quyết vấn đề này, chính phủ Úc đưa ra gói viện trợ khẩn cấp, tuyên bố sẽ chi 110 triệu đô la Úc (67,4 triệu đô la Mỹ) để tăng số lượng chuyến bay và giúp các nhà xuất khẩu vận chuyển hàng hóa của họ đến những thị trường quốc tế quan trọng.

Tuy vậy, đại dịch COVID-19 cũng đặt ra những vấn đề đau đầu khác với nước Úc. Mùa đông đang đến ở đây, có nghĩa là công nhân thời vụ trên toàn quốc đang đổ về Queensland, nơi trồng hơn 90% rau mùa đông của cả nước. 

Đột nhiên, các thị trấn nhỏ ở nông thôn đang bùng nổ với những người đến từ ngoài tiểu bang, tìm kiếm việc làm trong các trang trại. Với số lượng lớn người sống và làm việc trong các khu vực gần như vậy, chỉ một số ca lây nhiễm có thể sẽ gây ra thảm họa cho các hoạt động của trang trại. 

Hồng Kông và Singapore lại ở vào tình trạng hoàn toàn khác biệt. Họ là hai trung tâm tài chính lớn của châu Á. Tuy nhiên, với diện tích đất nông nghiệp hạn chế, cả hai đều có ngành nông nghiệp nhỏ và nhu cầu nhập khẩu hơn 90% thực phẩm. 

Mặc dù vậy, họ ít gặp phải nguy cơ thiếu lương thực. Cả hai đều có riêng cho mình một nhà cung cấp chính, Hồng Kông nhập khẩu phần lớn thực phẩm từ Trung Quốc đại lục và Singapore nhập khẩu từ Malaysia. Chừng nào các nguồn cung cấp chính này vẫn ổn định, các mặt hàng thực phẩm sẽ được đảm bảo và việc nhập khẩu tạm dừng từ các quốc gia khác sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn.

Và mặc dù Malaysia hiện đang bị phong tỏa toàn quốc nhưng ngành công nghiệp thực phẩm lại là một trong những dịch vụ thiết yếu được miễn trừ. Bên cạnh đó, ngay cả khi có bất kỳ sự gián đoạn nào, Singapore vẫn dự trữ sản phẩm trong hai tháng và đã đa dạng hóa các nguồn của mình để không phụ thuộc hoàn toàn vào Malaysia.

Thế giới cần làm gì?

Thời điểm này, thế giới cần làm gì? Liên Hợp Quốc hiện đang kêu gọi các nước bị ảnh hưởng thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong nước, cũng như hợp tác ở cấp độ toàn cầu để bảo vệ nguồn cung thực phẩm. 

Tổ chức lương thực toàn cầu, FAO cho biết, chính phủ các nước có thể bảo vệ công dân của họ bằng cách huy động các ngân hàng thực phẩm, chuyển tiền mặt cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương, thiết lập dự trữ lương thực khẩn cấp và thực hiện các bước để bảo vệ nông dân.

Hợp tác quốc tế và thương mại toàn cầu mở cũng là chìa khóa giải quyết vấn đề này. Chính phủ các nước nên loại bỏ các hạn chế xuất khẩu và thuế nhập khẩu trong thời gian này. Các nước nghèo hơn không đủ khả năng chi trả các gói kích thích và giải cứu nông nghiệp nên tìm kiếm nguồn tài trợ quốc tế.

Thế giới đang tìm mọi cách để hạn chế sự ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu bằng cách giữ cho chuỗi cung ứng không bị đứt gãy và tích cực tìm kiếm sự hợp tác quốc tế để mở cửa thương mại. Điều này có thể khiến cho các quốc gia ngăn chặn được tình trạng thiếu lương thực và bảo vệ những người dân dễ bị tổn thương nhất.