Đón sóng cổ phiếu dệt may từ EVFTA

Nguyễn Long 17/05/2020 11:30

Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 20/5 - ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Vậy cổ phiếu dệt may có được hưởng lợi từ Hiệp định này?

Bước sang đầu tháng 5, đặc biệt trong phiên giao dịch ngày 12/5 vừa qua, nhóm cổ phiếu dệt may đã bật tăng mạnh. Cụ thể, cổ phiếu TCM đã tăng 6,4% lên gần 17.000 đồng/cp; cổ phiếu MSH tăng gần 6% lên 37.700 đồng/cp. Đặc biệt, cổ phiếu TNG có lượng giao dịch đột biến gần 4 triệu cổ phiếu, dư mua giá trần lên tới hơn 300.000 đơn vị. Các mã cổ phiếu còn lại của ngành dệt may cũng đều tăng mạnh.

Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp dệt may đã niêm yết năm 2019.

Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp dệt may đã niêm yết năm 2019.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam, cho biết, sở dĩ cổ phiếu dệt may đồng loạt tăng mạnh do Hiệp định EVFTA sắp có hiệu lực, sẽ hỗ trợ tích cực cho nhóm cổ phiếu này, nhất là những doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn vào EU.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở Châu Âu nên nhiều khả năng đối tác nhập khẩu ở thị trường này tiếp tục kéo dài thời gian tạm hoãn nhận hàng hóa. Do đó, dù EVFTA có hiệu lực, thì các doanh nghiệp dệt may chưa được hưởng lợi ngay.

Ngoài ra, phần lớn các sản phẩm may mặc của Việt nam đang có mức thuế suất ưu đãi là 9% theo GSP. Trong khi mức thuế suất cơ bản được EVFTA sử dụng là mức thuế suất theo MFN là 12%. Do đó, hầu hết các sản phẩm may mặc của Việt Nam sẽ không được giảm thuế ngay lập tức.

Trong số các công ty may mặc niêm yết trong nước, hiện tại TNG có thị phần xuất khẩu sang Châu Âu lớn nhất về doanh thu (53%), tiếp theo là GMC (40%). Tuy nhiên, GMC phụ thuộc vào vải nhập khẩu từ Trung Quốc, có nghĩa là công ty không đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ khâu vải trở đi của EVFTA. TNG có thể có nhiều cơ hội vì công ty này sử dụng một lượng vải nội địa nhất định. Tuy nhiên, để cụ thể hóa lợi ích của EVFTA, các doanh nghiệp dệt may nói chung và TNG nói riêng phải phụ thuộc vào công suất sản xuất vải của Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, mặc dù các doanh nghiệp dệt may chưa hưởng lợi ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, nhưng sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi xuất khẩu vào thị trường EU trong trung và dài hạn. “Nhà đầu tư nên xem xét đưa cổ phiếu này vào danh mục dài hạn. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên lưu ý đến sự phân hóa, hướng chủ yếu vào những doanh nghiệp có thị phần xuất khẩu lớn vào EU, như TNG, MSH…”, ông Nguyễn Thế Minh khuyến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • Cổ phiếu dệt may đồng loạt tăng mạnh vì đâu?

    Cổ phiếu dệt may đồng loạt tăng mạnh vì đâu?

    04:00, 13/05/2020

  • Vì sao dòng tiền

    Vì sao dòng tiền "thờ ơ" với cổ phiếu dệt may?

    04:15, 09/04/2020

  • Cổ phiếu dệt may: Từ kỳ vọng đến... thất vọng

    Cổ phiếu dệt may: Từ kỳ vọng đến... thất vọng

    10:00, 10/10/2019

  • Cổ phiếu dệt may sẽ tiếp tục

    Cổ phiếu dệt may sẽ tiếp tục "nổi sóng" nhờ CPTPP?

    15:45, 16/01/2019

Nguyễn Long