Trong phiên giao dịch ngày 12/5, hàng loạt cổ phiếu dệt may đã tăng điểm tích cực, với khối lượng khớp lệnh lớn...
Điển hình cổ phiếu TCM của Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đã tăng 6,4% lên gần 17.000 đồng/cp; cổ phiếu MSH của Công ty CP May Sông Hồng cũng tăng mạnh gần 6% lên 37.700 đồng/cp. Đặc biệt, cổ phiếu TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG với lượng giao dịch đột biến gần 4 triệu cổ phiếu, dư mua giá trần lên tới hơn 300 ngàn đơn vị. Các mã cổ phiếu còn lại của ngành dệt may cũng đều tăng mạnh.
Ông Nguyễn Đức Hạnh- Nhà đầu tư sàn MBS cho biết, sở dĩ các cổ phiếu dệt may tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 12/5 do Bộ Công Thương đã chuẩn bị các nội dung chính thức trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Trước đó, Hội đồng châu Âu cũng đã phê duyệt Hiệp định EVFTA, hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của EU. Theo đó, nếu EVFTA được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, thì Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam.
Theo SSI, hầu hết các sản phẩm may mặc của Việt Nam hiện đang có mức thuế suất ưu đãi là 9% theo Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Do mức thuế suất cơ bản được EVFTA sử dụng là mức thuế suất theo Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) là 12%, hầu hết các sản phẩm may mặc của Việt Nam sẽ không được giảm thuế ngay lập tức. Cụ thể, hầu hết các sản phẩm sẽ được hưởng mức thuế suất thấp hơn từ năm thứ 2 kể từ khi EVFTA có hiệu lực (8% đối với các sản phẩm loại B5 và 9% đối với các sản phẩm loại B7 trong năm thứ 2). Hơn nữa, EVFTA yêu cầu các loại vải được sử dụng để sản xuất sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam hoặc Châu Âu hoặc Hàn Quốc (Quốc gia có FTA với Châu Âu) và các công đoạn cắt may phải được thực hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, hơn 60% vải nhập khẩu vào Việt Nam là từ Trung Quốc và Đài Loan, và việc các nhà sản xuất hàng may mặc trong nước chuyển sang nguồn vải của Hàn Quốc là không kinh tế ngay cả khi được hưởng lợi từ mức thuế suất 0% từ EVFTA. Do đó, EVFTA không mang lại hiệu quả ngay lập tức cho ngành dệt may. Việc các công ty dệt may của Việt Nam có thể tận dụng Hiệp định này hay không phụ thuộc phần lớn vào khả năng mở rộng công suất sản xuất vải trong hai năm tới của Việt Nam.
Trong số các công ty may mặc niêm yết trong nước, hiện tại TNG có thị phần xuất khẩu sang Châu Âu lớn nhất về doanh thu (53%), tiếp theo là GMC (40%). Tuy nhiên, GMC cho biết công ty phụ thuộc vào vải nhập khẩu từ Trung Quốc, điều này có nghĩa là công ty không đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ khâu vải trở đi của EVFTA. Trong khi TNG có thể có nhiều cơ hội vì công ty sử dụng một lượng vải nội địa nhất định.
Theo Ban lãnh đạo Vinatex, tập đoàn này sẽ tập trung làm việc với các nhà cung cấp, như Uniqlo, H&M, Zara... để chuyển nguồn nguyên liệu vào Việt Nam đáp ứng EVFTA. Song song với đó, tập đoàn này sẽ làm các đơn hàng thử nghiệm, nhỏ, yêu cầu cao cũng như tiếp tục làm mặt hàng khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế dự báo có thể có nhu cầu cao hết quý 2/2020.
Tính từ đầu năm tới ngày 15/4/2020, giá trị xuất khẩu hàng may mặc và hàng xơ sợi giảm lần lượt 6,0% và 6,6% so cùng kỳ 2019. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), từ nửa cuối tháng 3, nhiều khách hàng lớn từ Mỹ và EU đã đề nghị các doanh nghiệp dệt may Việt Nam giãn, hoãn giao hàng hay thậm chí là hủy hợp đồng.
Giới chuyên gia dự báo, do tác động của dịch COVID-19, lượng đơn hàng trong tháng 5 của ngành dệt may có thể giảm khoảng 70% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên bù lại, sản xuất khẩu trang làm dịu bớt khó khăn của ngành dệt may Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp may mặc đã đầu tư vào sản xuất khẩu trang vải và khẩu trang y tế như TNG, MSH, Vinatex... Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã ký kết những hợp đồng xuất khẩu trị giá hàng triệu USD.
Có thể bạn quan tâm