HSG bước vào giai đoạn phục hồi ngắn hạn?

DIỄM NGỌC 11/08/2020 05:00

Phục hồi xuất khẩu trở lại sau khó khăn hồi tháng 4/2020, CTCP Tập Đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) đã có những bước tăng trưởng tích cực, đặc biệt được hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/8 cổ phiếu HSG đóng cửa ở mức 11.200đ/cổ phiếu

Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/8, cổ phiếu HSG đóng cửa ở mức 11.400đ/cổ phiếu, tăng 1,79% so với phiên giao dịch trước đó.

Vừa qua, HSG vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2020 (năm tài chính 2019- 2020 của HSG kết thúc vào ngày 30/9/2020). Mặc dù doanh thu thuần của công ty đạt 6.834 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 318 tỷ đồng, tăng 97% so với cùng kỳ năm 2019. 

Lũy kế 9 tháng đầu năm tài chính 2019- 2020, doanh thu thuần đạt 19.189 tỷ đồng, giảm 11,5 % và lợi nhuận sau thuế đạt 701 tỷ đồng, tăng 152,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ của HSG đã tăng trưởng trở lại, cụ thể tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng xuất khẩu mặc dù giảm 3% trong quý 3, nhưng sản lượng tháng 5 và tháng 6 đã tăng lần lượt 19% và 52% so với cùng kỳ sau khi giảm 41% vào tháng 4. 

Theo nhận định của các chuyên gia, hoạt động tái cấu trúc của HSG trong niên độ 2018/2019 đang cho thấy hiệu quả, như tái cấu trúc kênh phân phối giúp duy trì sản lượng bán hàng tại thị trường nội địa; hiệu quả quản lý vốn lưu động tăng dẫn đến giảm áp lực vay nợ ngắn hạn và giảm chi phí tài chính. HSG đang có lợi thế về kênh phân phối rộng khắp với 55 chi nhánh ở các tỉnh, 10 tổng kho và 471 cửa hàng (tính đến cuối năm 2019). Ngoài ra, HSG cũng xem xét bán thêm các vật liệu xây dựng trên mạng lưới 536 chi nhánh, kỳ vọng việc này sẽ tạo thêm doanh thu cho công ty. 

Đặc biệt, giá bán thép cuộn cán nóng (HRC) đang ở mặt bằng thấp, có tác động lớn đến hoạt động sản xuất của HSG, giúp tiết kiệm chi phí và cải thiện biên lợi nhuận. Đồng thời, việc chuyển nhượng dự án Cà Ná có thể sẽ giúp thu về khoản đột biến cho HSG. 

Về hoạt động xuất khẩu, mới đây, HSG đã hoàn tất xuất khẩu lô hàng 50.000 tấn tôn mạ, bao gồm: 35.000 tấn xuất khẩu đi Châu Âu và 15.000 tấn xuất khẩu đi Châu Mỹ từ Cảng Quốc tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa và Cảng Quốc tế Thị Vải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là lô hàng tôn lớn nhất của HSG nói riêng và của Việt Nam nói chung xuất khẩu vào thị trường Châu Âu, đánh dấu một bước ngoặt trong hoạt động xuất khẩu tôn mạ, cũng như trong việc chủ động khai thác các điều kiện thuận lợi của Hiệp định EVFTA và Hiệp định CPTPP để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Châu Âu và Châu Mỹ trong thời gian tới.

Mới đây, HSG đã hoàn tất xuất khẩu lô hàng 50.000 tấn tôn mạ sang thị trường Châu Âu và Châu Mỹ

Mới đây, HSG đã hoàn tất xuất khẩu lô hàng 50.000 tấn tôn mạ sang thị trường Châu Âu và Châu Mỹ

Ngày 8/8 vừa qua, HSG công bố Nghị quyết tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường về việc thông qua chủ trương phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược. HSG cho biết, việc lựa chọn đối tác để phát hành sẽ được thực hiện thận trọng theo một quy trình, tiêu chí hợp lý nhằm tìm ra những đối tác có thể mang lại lợi ích tốt nhất cho HSG, trên cơ sở hợp tác cùng có lợi.

HSG sẽ không phát hành cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, các nhà đầu tư tài chính. Đối tác mà HSG phát hành là các công ty có cùng tầm nhìn chiến lược, có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản trị, tiềm năng công nghệ và các lợi thế khác để cùng với HSG nâng tầm và khai thác tối đa các lợi thế sẵn có của hệ thống 536 cửa hàng trên toàn quốc, góp phần nâng cao vị thế và đẳng cấp thương hiệu Hoa Sen trên thị trường trong và ngoài nước.

Chắc chắn HSG không phát hành với thị giá 12.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay, mà sẽ căn cứ vào giá thị trường và giá trị sổ sách tại thời điểm chào bán để quyết định giá phát hành phù hợp, bảo đảm lợi ích của cổ đông và công ty”, đại diện HSG chia sẻ.

Mặc dù vậy, HSG cũng phải chuẩn bị tinh thần trước một số thách thức. Thứ nhất, biến động giá nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt giá HRC ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động bán hàng hóa cũng như biên lợi nhuận mảng sản xuất tôn thép của HSG. 

Thứ hai, sản lượng xuất khẩu tôn mạ đóng góp khoảng 50% tổng sản lượng tiêu thụ của HSG, nên việc các quốc gia có thể áp dụng các biện pháp phòng vệ sẽ tác động tiêu cực đến doanh nghiệp này.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc nghiên cứu phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho biêt mức Stock Rating của HSG đạt 97 điểm, trong đó, điểm cơ bản và sức mạnh giá đều trên 90 điểm và được duy trì đánh giá mức xếp hạng tăng trưởng tích cực. 

Hiện rủi ro ngắn hạn đối với HSG đã giảm mạnh, và xu hướng ngắn hạn của HSG được nâng lên mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư có thể xem xét mua HSG ở mức giá hiện tại hoặc xem xét tích lũy ở các nhịp điều chỉnh”, ông Minh khuyến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • Cú chuyển hướng của HSG

    Cú chuyển hướng của HSG

    11:05, 13/05/2020

  • HSG thận trọng vì lo trật tự thương mại biến động

    HSG thận trọng vì lo trật tự thương mại biến động

    11:00, 03/01/2020

  • HSG đang lấy lại thăng bằng?

    HSG đang lấy lại thăng bằng?

    10:21, 12/05/2019

  • HSG có còn là

    HSG có còn là "gã khổng lồ"?

    11:30, 02/05/2019

DIỄM NGỌC