Nhiều cổ phiếu dầu thực vật "làm mưa làm gió" trên thị trường
Trên thị trường chứng khoán, trong những phiên giao dịch gần đây, nhiều cổ phiếu ngành dầu thực vật liên tục hút dòng tiền mạnh. Vậy điều gì khiến cổ phiếu ngành này hấp dẫn đến vậy?
Trước hết phải nói đến cổ phiếu TAC (Dầu Thực vật Tường An) đã tăng 5 phiên trần liên tiếp, trắng bên bán từ vùng giá 39.000 đồng/cp lên 55.000 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 27/8. Trước đây, chỉ vài chục ngàn cổ phiếu TAC giao dịch trên sàn, nhưng khối lượng giao dịch cổ phiếu này trong mấy phiên gần đây đã tăng vọt từ 300 đến 500 ngàn cổ phiếu mỗi phiên. Trong vòng 1 tháng qua, cổ phiếu TAC đã tăng tới 66%.
Dù nhiều doanh nghiệp tăng trưởng âm, nhưng TAC đã đẩy nhanh hoạt động sản xuất, đưa hàng ra các kênh phân phối để có đủ hàng hóa phục vụ cho người tiêu dùng. Công ty cũng rà soát lại danh mục sản phẩm theo từng vùng miền, phát triển các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng.
Luỹ kế 7 tháng đầu năm, doanh thu thuần của TAC đạt 2.615 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2019. Tương ứng với mức tăng doanh thu, lợi nhuận gộp đạt 372,8 tỷ đồng, tăng 23,3% so với cùng kỳ 2019. Ban lãnh đạo TAC tiếp tục tái cấu trúc nhằm tối đa hóa hiệu quả và kiểm soát chi phí trong quản lý, giúp lợi nhuận trước thuế đạt 111,9 tỷ đồng, tăng 63,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Mới đây, TAC vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc chia cổ tức. Theo đó, mức chi trả cổ tức của VOC lên đến 75% bằng tiền mặt, ngày đăng ký cuối cùng là 15/9/2020 và sẽ chi trả vào ngày 30/9/2020.
Trong khi đó, một cổ phiếu nữa của ngành dầu thực vật cũng đang hút mạnh dòng tiền, đó là VOC (Tổng Công ty Dầu Việt Nam- Vocarimex). Cổ phiếu VOC đã tăng 2% đóng cửa ở mức 24.500 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 27/8, với thanh khoản tăng vọt nhờ tình hình kinh doanh được cải thiện tích cực. Trong vòng 1 tháng qua, cổ phiếu VOC đã tăng gần 48%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, VOC đạt 1.339 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 110,7 tỷ đồng, tăng 12% so với nửa đầu năm 2019. Theo đó kết thúc nửa đầu năm 2020, VOC đã hoàn thành được 46% mục tiêu về doanh thu và 45,5% mục tiêu về lợi nhuận.
Năm 2014, công ty chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần với mức vốn điều lệ 1.218 tỷ đồng, đây cũng là số vốn điều lệ hiện có của VOC. Trong đó, cổ đông lớn nắm giữ trên 5% vốn cổ phần của VOC gồm Công ty CP Tập đoàn KIDO (nắm giữ 51%), SCIC (36,3%).
Được biết, ĐHĐCĐ thường niên 2020 của TAC cũng đã thông qua kế hoạch sáp nhập với Kido Group (KDC). Tuy nhiên VOC hiện nắm giữ hơn 26% vốn tại TAC. Do đó, TAC dự kiến sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để thông qua kế hoạch sáp nhập này, sau khi hoàn tất việc thoái vốn Nhà nước tại VOC.
Có thể bạn quan tâm