Với doanh thu quý I/2020 tăng trưởng 22,5% và lợi nhuận sau thuế tăng cao hơn cùng kỳ năm 2019, Tổng công ty Dầu thực vật Việt Nam - CTCP (UPCoM: VOC) đã hết khó?
Theo tài liệu ĐHĐCĐ năm 2020, doanh thu thuần của Vocarimex trong năm 2019 đạt 2.552 tỷ đồng, giảm 39,77% so với năm 2018 nhưng vẫn hoàn thành và vượt 6,1% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 242 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2018 và vượt 34% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Trong bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, lãnh đạo VOC cho rằng, doanh thu thuần giảm 39,77% so với cùng kỳ, chủ yếu do sản lượng bán giảm so với cùng kỳ, từ đó tác động làm lãi gộp giảm 42% so với cùng kỳ. Mặc dù đã kiểm soát tốt chi phí so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 6,9% so với cùng kỳ do lãi gộp giảm nhiều hơn mức độ giảm chi phí.
Bên cạnh đó, tỷ giá ngoại tệ USD/VND tăng phần nào cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của VOC do nguyên liệu đầu vào chủ yếu là nhập khẩu. Bên cạnh đó, thị trường dầu ăn vẫn đối mặt với sức ép cạnh tranh về giá.
Tại ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 26/6 tới, HĐQT VOC dự kiến trình Đại hội cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2019. Trong đó, công ty dành hơn 146 tỷ đồng chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 12%; Trích 5% cho Quỹ khen thưởng, phúc lợi, tương đương với 4,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế còn lại chưa phân phối là 82,641 tỷ đồng.
Trong quý 1/2020, VOC đạt hơn 767 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 22,5%, và lợi nhuận sau thuế đạt gần 66 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019.
Trong năm 2020, VOC đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.910 tỷ đồng, tăng trưởng 13,86% so với doanh thu thực hiện năm 2019. Lợi nhuận trước thuế đạt 243 tỷ đồng, tương đương với năm 2019. Như vậy kết thúc quý 1, VOC đã hoàn thành được 26,3% kế hoạch doanh thu và 27% kế hoạch lợi nhuận năm 2020.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên, VOC sẽ tập trung phát huy tối đa nguồn lực hiện có, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động để gia tăng năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xây dựng và phát triển thị trường phù hợp với đặc thù kinh doanh của VOC.
Ngoài ra, năm 2020 VOC tập trung đẩy mạnh hệ thống bán hàng kênh công nghiệp, thâm nhập sâu vào thị trường dầu ăn thương mại; Tiếp cận có trọng tâm đến các doanh nghiệp, đơn vị có sử dụng dầu thực vật trong sản xuất kinh doanh để mở rộng thị trường; Nghiên cứu công thức chuyên biệt đáp ứng nhu cầu cho từng đối tượng khách hàng công nghiệp, xây dựng hệ thống phân phối cho kênh công nghiệp trên toàn quốc.
Trên sàn UPCoM, cổ phiếu VOC chốt phiên ngày 15/6 đạt 14.800đ/cổ phiếu, giảm 2,24% so với phiên cuối tuần trước. Tuy nhiên, lịch sử giao dịch trong vòng một tháng qua cho thấy giá cổ phiếu VOC đang có sự tăng trưởng khá tích cực từ mức giá 11.150đ (ngày 12/5) lên mức giá 14.800đ trong phiên hôm qua, tương đương với mức tăng trưởng gần 33%.
Theo nhận định của các chuyên gia chứng khoán, mức tăng trưởng trên phản ánh đúng với đà tăng trưởng trong ngắn hạn của VOC, đặc biệt là trong quý I, doanh thu của VOC tăng trưởng cao chủ yếu là nhờ sức mua của người dân tăng cao do tâm lý sợ khan hàng do giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, về lâu dài, các chuyên gia chứng khoán cho rằng, VOC khó có thể đạt được sự đột biến khi tâm lý người tiêu dùng đã ổn định trở lại và dịch bệnh đã được kiểm soát tốt hơn. Cùng với đó là sức ép cạnh tranh về giá giữa các doanh nghiệp ngành dầu ăn trên thị trường ngày càng khốc liệt hơn. Điều đó ít nhiều sẽ có tác động lên giá cổ phiếu VOC nếu như các giải pháp cho kế hoạch của năm 2020 chưa phát huy được hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm