Cổ phiếu DBC liên tục giảm vì đâu?

NGUYỄN LONG 19/10/2020 04:16

Trong tuần qua, trái ngược với những thông tin tích cực về kinh doanh, cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam đã có 8 phiên sụt giảm, gây hoang mang cho nhà đầu tư.

Dabaco ghi nhận doanh thu quý 3/2020 tăng trưởng mạnh.

Dabaco ghi nhận doanh thu quý 3/2020 tăng trưởng mạnh.

Vừa qua Dabaco đã công bố ước tính kết quả kinh doanh quý 3/2020. Theo đó, Dabaco ước tính doanh thu quý 3 đạt 3.565 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 386 tỷ đồng, tăng gần 20 lần so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Dabaco đạt doanh thu 11.757 tỷ đồng, gấp 2,3 lần và lợi nhuận sau thuế 1.136 tỷ đồng, gấp 24 lần cùng kỳ năm trước.

Kết quả tăng trưởng thần kỳ của Dabaco giữa đại dịch COVID-19 quả thực không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Được biết, để duy trì đà tăng trưởng trên, Dabaco đã phải thực hiện nhiều biện pháp, quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt như tiêm vắc xin, vệ sinh phòng dịch, đảm bảo an toàn cho đàn gia súc, gia cầm.

Bên cạnh đó, các dự án mới cũng đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của Dabaco như Khu chăn nuôi gà giống và thức ăn công nghiệp Bình Phước, Khu chăn nuôi lợn công nghệ cao tại Phú Thọ (giai đoạn 2)… Đặc biệt, Nhà máy dầu thực vật Dabaco đã có sự tăng trưởng khá chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào hoạt động và đang từng bước mở rộng thị trường trên phạm vị cả nước.

Bất chấp kết quả kinh doanh tích cực, nhưng thị giá cổ phiếu DBC lại đang phản ánh ngược lại. Theo đó, cổ phiếu DBC đã có 8 phiên liên tiếp xuống giá và 1 phiên đứng giá. Tính đến phiên giao dịch ngày 16/10, cổ phiếu DBC giao dịch ở mức 40.600 đồng/cp, mất 15,5% chỉ trong thời gian ngắn.

Thị giá cổ phiếu DBC trong 5 ngày giao dịch gần nhất.

Thị giá cổ phiếu DBC trong 5 ngày giao dịch gần nhất.

Dabaco hiện có tiềm lực tài chính khá mạnh, với tổng tài sản lên tới hơn 10.000 tỷ đồng tính đến giữa năm 2020. Trong đó, Công ty có vốn điều lệ 1.047,6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 3.713,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ phải trả lên tới 6.375 tỷ đồng, lớn gấp hơn 1,7 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ ngắn hạn lên tới 4.583,9 tỷ đồng, chiếm 72% tổng giá trị nợ, riêng giá trị vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 3.054,2 tỷ đồng.

Việc xử lý các khoản nợ ngắn hạn của Dabaco phải phụ thuộc phần lớn vào tài sản chính là hàng tồn kho (tại thời điểm giữa năm là 3.629,6 tỷ đồng). Ngoài hàng tồn kho, các tài sản ngắn hạn khác có giá trị không lớn khi tiền và tương đương tiền chỉ 183,4 tỷ đồng, đầu tư tài chính ngắn hạn là 503 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn là 388,3 tỷ đồng… Với tính chất này, Dabaco đang phải đối mặt với rủi ro về thanh khoản, bởi trong số các loại tài sản ngắn hạn nêu trên, thì hàng tồn kho là loại tài sản có tính thanh khoản thấp nhất.

Ngay cả trong cơ cấu hàng tồn kho, phần lớn là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, với giá trị lên đến 1.556,3 tỷ đồng. Tài sản này chưa trở thành thành phẩm, nên Dabaco chưa thể đưa bán ra thị trường để thu tiền ngay được. Hàng tồn kho là thành phẩm chỉ có giá trị 256 tỷ đồng, hàng tồn kho là hàng hóa chỉ là 79 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hàng tồn kho của Dabaco còn bị hạn chế thanh khoản hơn nữa khi một số đã được sử dụng để đảm bảo cho các khoản vay tại ngân hàng. Cụ thể, hàng tồn kho tại Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi cao cấp Topfeeds tại Khu công nghiệp Khắc Niệm, Bắc Ninh được dùng làm tài sản thế chấp cho khoản vay tại Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ Việt Nam với giá trị tối thiểu tương đương 8 triệu USD.

Đó có thể là lý do chính khiến các nhà đầu tư chưa thực sự tin tưởng vào đà tăng trưởng vững chắc của Dabaco, nên vẫn tiếp tục bán ra cổ phiếu DBC.

Có thể bạn quan tâm

  • Dabaco

    Dabaco "vỡ mộng" hậu M&A?

    03:41, 17/04/2020

  • Dabaco còn gì sau cú sốc

    Dabaco còn gì sau cú sốc "dịch tả"?

    16:00, 23/07/2019

  • Dabaco “phát ốm” dịch tả lợn châu Phi

    Dabaco “phát ốm” dịch tả lợn châu Phi

    02:29, 10/11/2019

NGUYỄN LONG