Cổ phiếu CTD sẽ ra sao dưới thời Kusto?

NGUYỄN LONG 29/10/2020 05:00

Sau khi ông Nguyễn Bá Dương từ nhiệm HĐQT, nhiều nhà đầu tư trăn trở tương lai của Coteccons (HoSE: CTD) sẽ đi về đâu dưới sự điều hành của Kusto?

Thay dàn lãnh đạo mới khiến nhiều người quan tâm về tương lai của Coteccons sẽ đi về đâu.

Nhiều lãnh đạo chủ chốt của Coteccons ra đi, khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về tương lai của Coteccons.

Phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, xung quanh vấn đề này.

- Loạt lãnh đạo cũ của Coteccons đã ra đi, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của doanh nghiệp này trong thời gian tới, thưa ông?

Xung đột giữa các cổ đông trong các doanh nghiệp là chuyện không phải mới đối với các doanh nghiệp niêm yết, tình trạng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà cả trên thế giới. Sở dĩ có tình trạng này do các nhóm cổ đông có xung đột lợi ích với nhau trong việc quản trị, điều hành doanh nghiệp, dẫn tới không thống nhất được định hướng phát triển doanh nghiệp.

Đối với Coteccons, xung đột nội bộ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh của Coteccons trong tương lai, nhất là khi những lãnh đạo chủ chốt của Coteccons đã lần lượt ra đi, đây là thiệt hại lớn của doanh nghiệp này.

Định hướng hoạt động của Coteccons đã được Ban lãnh đạo cũ hoạch định rất rõ trong 10 năm. Sự ra đi của loạt lãnh đạo cũ của Coteccons chắc chắn sẽ buộc Ban lãnh đạo mới của doanh nghiệp này phải thay đổi định hướng hoạt động để phù hợp với bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, định hướng mới của Coteccons được đưa ra trong bối cảnh doanh nghiệp này đối mặt với vô vàn khó khăn khi nhiều tên tuổi trong hệ sinh thái của Coteccons, như Newtecons, BM Windows, Boho Décor, Dcons, SMART… đều mối liên hệ mật thiết với ông Nguyễn Bá Dương. Do đó, các đơn vị này nhiều khả năng sẽ không còn sát cánh cùng Coteccons trong tương lai. Điều này cho thấy, hệ sinh thái nhà thầu phụ của Coteccons có nguy cơ bị phá vỡ, buộc doanh nghiệp này phải xây dựng lại từ đầu.

- Theo ông, tương lai của Coteccons sẽ ra sao? 

Để thành công trong lĩnh vực xây dựng, người đứng đầu doanh nghiệp cần một mối quan hệ rộng, cũng như trình độ chuyên môn sâu. Có thể thấy trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong ngành của Kusto là khá ổn, nhưng mối quan hệ của họ tại Việt Nam so với ông Nguyễn Bá Dương chưa thực sự nổi bật. Tôi cho rằng điều này cộng với hệ sinh thái cũ của Coteccons bị phá vỡ, sẽ khiến doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Còn nhớ cổ phiếu JVC của Công ty CP Thiết bị Y tế Việt Nhật từng là một bluechip, nhưng sau khi nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc JVC Lê Văn Hướng bị bắt, thì JVC gần như không còn người đứng đầu và cổ đông ngoại đứng lên thay thế. Khi về tay cổ đông ngoại, tình hình hoạt động kinh doanh của JVC gặp nhiều khó khăn, khiến cổ phiếu JVC liên tục đi xuống từ một mã bluechip xuống thành một mã penny. Viễn cảnh đó có lặp lại với Coteccons hay không vẫn còn ở phía trước, chúng ta hãy chờ xem!

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam.

- Theo ông, thị trường tài chính Việt Nam nói chung và quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực này nói riêng cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng nào để góp phần bảo đảm quyền lợi của các cổ đông nội trong doanh nghiệp đại chúng?

Luật pháp của Việt Nam rất công bằng với các cổ đông trong trong doanh nghiệp, điều quan trọng là ai là người nắm lượng cổ phiếu cao nhất sẽ là người quyết định vận mệnh của doanh nghiệp. Trong câu chuyện của Coteccons, về yếu tố pháp luật, Kusto gần như là cổ đông có quyền quyết định.

Tôi cho rằng, câu chuyện ở đây không phải yếu tố về pháp luật mà ở góc độ quản trị và chống thâu tóm của các doanh nghiệp. Về vấn đề này, doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng khi đã lên sàn chứng khoán, bởi câu chuyện thâu tóm hoàn toàn có thể xảy ra ra. Do đó, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn kịch bản chống thâu tóm.

Theo đó, các doanh nghiệp cần lưu ý đến bộ phận kiểm soát nội bộ, là bộ phận quyết định quan trọng trong việc quản trị giúp cơ cấu hoạt động của doanh nghiệp được rõ ràng hơn, đồng thời hạn chế mâu thuẫn nội bộ giữa các cổ đông trong tương lai.

f

Giá cổ phiếu CTD đang ở mức 56.000đ/cp, giảm khoảng 22% trong vòng 1 tháng qua

- Theo ông, giá cổ phiếu CTD sẽ biến động ra sao trong thời gian tới?

Tình hình hoạt động kinh doanh của Coteccons nói chung trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, trước mắt một số dự án của Coteccons đã có sự chậm lại. Tuy nhiên khó có thể kết luận giá cổ phiếu CTD sẽ có diễn biến ra sao, nhưng quản trị doanh nghiệp là yếu tố quan trọng liên quan đến việc định giá CTD ngoài các yếu tố cơ bản liên quan đến tình hình tài chính của công ty. Vấn đề đặt ra trong tương lai là liệu Coteccons có vực dậy được hoạt động dưới sự điều hành của Kusto hay không. Theo quan điểm cá nhân của tôi, khả năng giảm giá cổ phiếu CTD trong tương lai là hoàn toàn có thể xảy ra.

Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Coteccons sẽ tìm lại quỹ đạo mới như thế nào?

    Coteccons sẽ tìm lại quỹ đạo mới như thế nào?

    11:09, 22/10/2020

  • Tương lai mịt mù ở Coteccons

    Tương lai mịt mù ở Coteccons

    04:30, 17/10/2020

  • Coteccons sẽ đi về đâu khi ông Nguyễn Bá Dương từ nhiệm?

    Coteccons sẽ đi về đâu khi ông Nguyễn Bá Dương từ nhiệm?

    11:06, 08/10/2020

NGUYỄN LONG