Lạc quan chứng khoán 2021
Năm 2021 rất có thể sẽ là năm tăng điểm mạnh đối với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khi VN-Index có thể sẽ vượt qua các vùng đỉnh cao mới.
C ơ sở cho nhận định này là kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi tích cực, nhiều ngành hưởng lợi từ các FTAs thế hệ mới, các “nút thắt” nâng hạng thị trường được tháo gỡ, khối ngoại quay trở lại mua ròng…
Kinh tế hồi phục tích cực
Theo Tổng cục Thống kê, GDP Việt Nam đã tăng trưởng 2,91% năm 2020. Tuy mức tăng trưởng này thấp nhất trong thập kỷ gần đây, nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, vẫn được đánh giá là thành công lớn, thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới.
Trong năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5%, đồng thời chuẩn bị các yếu tố nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ 2022 trở đi. Đây là mức tăng trưởng mà Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí cao hơn trong năm 2021 nhờ một số yếu tố quan trọng.
Thứ nhất, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi theo hình chữ V, giúp Việt Nam có cơ hội tăng trưởng cao hơn, do Việt Nam đã trở thành trung tâm có tầm quan trọng hơn trong hệ sinh thái công nghiệp chế biến chế tạo toàn cầu.
Thứ hai, các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP… sẽ tiếp tục tác động tích cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2021 và các năm tiếp theo.
Thứ ba, tiêu dùng nội địa được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ từ năm 2021 tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, sẽ giúp Việt Nam bắt kịp, tiến cùng và thậm chí vượt lên ở một số lĩnh vực so với mặt bằng của khu vực và thế giới, trong đó Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành cường quốc nông nghiệp.
Kinh tế tăng trưởng tích cực trở lại sẽ là cơ sở để chúng ta có thể hy vọng về bức tranh tươi sáng song hành với đà tăng trưởng của TTCK, bởi chỉ số trung bình chứng khoán đại diện thường ánh khá sát tiềm năng, sức khỏe của nền kinh tế.
Định hướng phát triển chuyên nghiệp
Để đo lường được sự phát triển của TTCK, người ta không chỉ căn cứ vào sự tăng trưởng về quy mô thị trường, những cải cách về thể chế…, mà cả các sản phẩm tài chính được chuẩn hóa quốc tế. Bên cạnh các sản phẩm được đưa vào sử dụng và thử nghiệm như hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn…, các sản phẩm phái sinh trên trái phiếu, lãi suất sẽ được phát triển mạnh mẽ hơn. Cùng với Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2021, TTCK sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn về thể chế để có thể chuyển dần sang theo định hướng phát triển chuyên nghiệp.
Sản phẩm trên thị trường đa dạng, hấp dẫn, đã góp phần đưa giá trị giao dịch tổng cộng trên 2 sàn giao dịch HoSE và HNX đã tăng rất mạnh kể từ quý II/2020 cho đến nay. Theo số liệu thống kê, ấn tượng nhất là thanh khoản kể từ quý III/2020 đã vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng. Đây có thể là kỷ lục mới được xác lập trên TTCK Việt Nam. Với thanh khoản duy trì ở mức cao như vậy và được kỳ vọng tiếp tục tăng mạnh hơn nữa, TTCK hoàn toàn có thể xác lập vùng đỉnh mới trong năm 2021.
Khối ngoại quay trở lại mua ròng
Đại dịch COVID-19 đã khiến dòng tiền đầu tư rút ra khỏi các TTCK mới nổi trong năm 2020. Thống kê diễn biến giao dịch của khối ngoại đã cho thấy khối này bán mạnh liên tục cổ phiếu trên cả 3 sàn giao dịch của Việt Nam kể từ tháng 2/2020. Tuy nhiên, với tỷ lệ P/E của TTCK Việt Nam vẫn đang ở mức hấp dẫn (khoảng 16x), môi trường đầu tư ở Việt Nam vẫn được đánh giá cao bởi các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt nhiều “nút thắt” nâng room ngoại được tháo gỡ từ đầu năm 2021, khối ngoại hoàn toàn có thể giải ngân mạnh trở lại trong năm 2021 để đón làn sóng nâng hạng thị trường giai đoạn 2022 – 2023.
Như vậy, dự báo hồi phục kinh tế năm 2021, chính sách tiền tệ nới lỏng ít nhất cho đến giữa năm 2021, khối ngoại quay lại mua ròng… sẽ là động lực thúc đẩy TTCK Việt Nam vượt qua ngưỡng 1.100 điểm lên 1.200 điểm vào quý I/2021 trước khi hướng tới mốc 1.300 – 1.500 điểm trong năm 2021.
Có thể bạn quan tâm
DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH TUẦN TỪ 24/1-31/1: Cú lắc xoáy chóng mặt của thị trường chứng khoán
12:30, 31/01/2021
GameStop đã cho thấy chứng khoán không phải cuộc chơi “cá mập” nuốt “cá bé”
06:40, 31/01/2021
Thị trường chứng khoán Việt sẽ tươi sáng trở lại
16:09, 29/01/2021
Chứng khoán "bốc hơi" 15,8 tỷ USD/ phiên, cổ phiếu tài chính còn cơ hội gượng lại?
06:00, 29/01/2021