Theo các chuyên gia, Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và các doanh nghiệp dẫn đầu ngành đã bắt đầu phục hồi, tăng trưởng mạnh. Đây sẽ là những động lực chính tác động tới TTCK trong dài hạn.
Kết thúc phiên sáng 29/1, VN-Index tăng 31,64 điểm (3,09%) lên 1.055,58 điểm, HNX-Index tăng 4,95 điểm (2,44%) đạt 208,00 điểm, UPCoM-Index tăng 2,34 điểm (3,39%) lên 71,46 điểm. Sắc xanh đang dần chiếm ưu thế trên thị trường.
Theo đó, đà tăng cũng lan tỏa ra nhiều nhóm ngành khác như bất động sản, xây dựng, dầu khí, hàng không, khu công nghiệp, thép, công nghệ, viễn thông,… giúp giao dịch trở nên tương đối sôi động.
Lực cầu bắt đáy tăng mạnh đã đẩy thanh khoản thị trường lên cao. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt gần 881,7 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 16.748 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài gom hơn 1.100 tỷ đồng.
Cụ thể, các cổ phiếu Bluechips bứt phá mạnh như BVH, FPT, GAS, HPG, VIC, VNM, MSN, PNJ, MWG, VHM,… trở thành động lực chính giúp thị trường hồi phục.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng như ACB, BID, CTG, MBB, VCB, VPB, HDB, TCB,… cũng tăng khá tốt giúp sắc xanh thị trường được củng cố vững chắc. Nhóm chứng khoán sau giai đoạn giảm sâu gần đây cũng hồi phục tốt với VND, BVS, HCM, MBS, VCI,… tăng điểm.
Tuy nhiên, qua phân tích của chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp, việc nhà đầu tư bán bằng mọi giá hiện tại đã quá trễ và mua bắt đáy thì khá sớm vì thị trường vẫn chưa tìm được điểm cân bằng. Thời điểm này nhà đầu tư cần phải bình tĩnh. Trong tình trạng hoảng loạn, việc call margin xảy ra chỉ là hệ lụy dẫn tới tình hình xấu hơn của thị trường.
“Thị trường sẽ ổn định hơn khi lượng call margin được thoát hết. Trong giai đoạn này, nhà đầu tư nên theo dõi dấu hiệu lượng mua vào cân bằng với lượng bán ra bằng mọi giá để tìm điểm đảo chiều của thị trường. Đồng thời tìm cổ phiếu của doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt và kết quả kinh doanh 2021 có tiềm năng tăng trưởng”, ông Điệp khuyến nghị.
Còn theo Công ty CP Chứng khoán MB (MBS), về dao động, thị trường trong nước đang biến động mạnh hơn so với thị trường quốc tế. Khả năng thị trường cũng sẽ có những phiên hồi kỹ thuật trong các phiên sắp tới. Nếu lực cầu bắt đáy vẫn được duy trì ở mức cao thì cơ hội hồi phục sẽ đến sớm, ngược lại dòng tiền “thờ ơ” thì nhà đầu tư nên chuẩn bị kịch bản thận trọng hơn.
Trao đổi với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phan Lê Thành Long, Chuyên gia tài chính AFA Research & Education cho biết, sau khi chứng kiến sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán ngày hôm qua do mọi nguồn tin xấu cùng xuất hiện trong một ngày; thì hôm nay, sự tươi sáng đã dần quay trở lại khi tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn. Có thể thấy, khi thị trường xuống sâu quá sẽ có sự phục hồi, tuy nhiên động lực tăng trưởng sẽ chưa nhiều vì dòng tiền trên thị trường chưa có động lực mới. Có thể chỉ số VN-Index từ đầu tuần đến giữa tuần tới sẽ dao động ở mức 1.030-1.080 điểm.
Đối với nhà đầu tư, hiện tại cần xác định chiến lược của mình như thế nào, khẩu vị đầu tư ra sao, tâm lý đám đông là yếu tố rất dễ tác động ảnh hưởng đến quyết định của người đầu tư. Có hai yếu tố chính mà nhà đầu tư nên quan tâm đó là, triển vọng nền kinh tế và triển vọng doanh nghiệp.
Trong năm nay, Việt Nam sẽ ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển trở lại, từ đó các doanh nghiệp dẫn đầu ngành đã bắt đầu phục hồi nửa cuối 2020 đến này và đang trên đà tăng trưởng mạnh trong tương lai. Đây sẽ là những động lực chính mang tính tác động trong dài hạn cần lưu ý.
“Việc thị trường sập mạnh là điều hết sức bình thường trong bối cảnh nền kinh tế nhiều biến động và các bất ổn xung quanh, năm nào cũng sẽ có những đợt biến động như vậy. Đây thực sự là một cuộc chơi tâm lý và đương nhiên thị trường chứng khoán cũng có nhiều nghịch lý. Chỉ có nguyên tắc là bất biến, cái gì nóng lên nhanh thì nguội nhanh. Muốn thiết lập mặt bằng giá trị mới thì TTCK Việt cần có thu nhập thực và được tạo ra bởi tài sản thực. Như vậy, VN-Index sẽ tăng tốt trong trung và dài hạn”, ông Long khẳng định.
Còn theo chuyên gia Phan Dũng Khánh, đầu tư chứng khoán vốn là đầu tư tương lai và thể hiện sự kỳ vọng vào nền kinh tế, nhưng hiện nay điều đó chỉ đúng một phần. Đúng là việc nhà đầu tư kỳ vọng dịch bệnh khống chế, kinh tế tăng trưởng tốt, giao thương quốc tế mở rộng trở lại, cơ hội nhiều hơn khi thế giới đang bước vào kinh tế số, tài chính số.
Tuy vậy còn lý do lớn nữa là nhiều nhà đầu tư chủ yếu đầu cơ, còn kinh tế số hay công nghệ hoặc kỳ vọng tương lai là điều quá xa vời với họ.
Ông Khánh cũng khuyến nghị rằng, TTCK không phải là nơi ai đầu tư cũng thắng, buộc phải tự học, tự đào tạo và trải nghiệm. Những nhà đầu tư mới cần cẩn trọng, có kinh nghiệm phân biệt, lựa chọn hàng tốt để mua, vì một số doanh nghiệp nhân cơ hội thị trường đi lên đã "tân trang", nâng giá cổ phiếu lên gấp nhiều lần so với giá trị thực.