Thận trọng trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao
Cuối 2020, Apec Group phát hành trái phiếu 3.000 tỷ đồng, lãi suất cao lên tới mức 18%/năm. Tuy nhiên, Apec Group chỉ huy động thành công 8,1 tỷ đồng trong tổng lượng đăng ký phát hành.
Apec Group là tập đoàn phát triển đô thị lớn với nhiều dự án bất động du lịch - nghỉ dưỡng, tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Đợt phát hành không thành công trọn vẹn dù lãi suất cao của Apec, cho thấy phần nào sự thận trọng của nhà đầu tư đối với trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản vốn đang bị tác động bởi COVID-19.
Bên cạnh đó, cũng phải nói rằng dù tham gia thị trường phát hành từ 2018 và có nhiều gói gọi vốn hiệu quả, Apec gặp nhiều bất lợi trong đợt phát hành nói trên khi nhiều nhà đầu tư F0 trên thị trường chứng khoán có ngày kiếm được lợi nhuận ngang bằng với cả năm lãi tiết kiệm. Cùng là đầu tư tài sản, một bên dòng tiền chảy mạnh và thanh khoản cực cao, nếu thêm đòn bẩy cũng có thể ghi lợi nhuận khủng dù rủi ro cao, với một bên là tài sản trên danh nghĩa ít rủi ro, song vẫn hàm chứa nhiều bất lợi và lợi suất tuy cao, không thể so bằng kênh khác cả về tỷ suất lẫn thanh khoản ngắn hạn. So sánh tuy có tính khập khiễng, nhưng hẳn là tương ứng phần nào với trường hợp phát hành trái phiếu bất thành của Apec.
Đầu năm nay, Apec tiếp tục đợt phát hành trái phiếu với lãi suất 13%/năm, nhưng lần này có tài sản đảm bảo. So với các doanh nghiệp địa ốc chung quanh cũng thường phát hành trái phiếu, việc có tài sản đảm bảo giúp nhà đầu tư giảm bớt lo ngại rủi ro. Hơn thế, 13% so ra vẫn sẽ là lãi suất hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi cùng kỳ hạn.
Chưa có kết quả cuối cùng từ đợt phát hành kế tiếp của Apec, song rõ ràng, trái chủ tương lai giờ đây đang thận trọng hơn với trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản ở năm nay.
Có thể bạn quan tâm