Kho bạc Nhà nước (KBNN) vừa thông báo kế hoạch đấu thầu trái phiếu Chính phủ qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, nhằm huy động vốn cho ngân sách trung ương năm 2021.
Cụ thể, tổng mức phát hành là 350 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả khối lượng phát hành cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), tương đương tăng 8% so với mức thực hiện năm 2020.
Khối lượng dự kiến bao gồm kỳ hạn 5 năm là 20 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm là 15 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm là 120 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm là 135 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm là 30 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm là 30 nghìn tỷ đồng.
Trong quá trình thực hiện, KBNN có thể điều chỉnh khối lượng phát hành các kỳ hạn trái phiếu cho phù hợp với tình hình thị trường và nhu cầu sử dụng vốn của ngân sách nhà nước.
Trong năm 2020, KBNN đã huy động thành công 323.952 tỷ đồng, hoàn thành 108% kế hoạch điều chỉnh năm 2020. Quy mô và thanh khoản trên thị trường trái phiếu Chính phủ tiếp tục tăng trưởng, theo đó giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 10.270 tỷ đồng/phiên, tăng 13,73% so với năm 2019. Quy mô niêm yết trái phiếu Chính phủ tính đến 31/12/2020 đạt hơn 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 17,39% so với năm 2019.
Tuy nhiên, thị trường trái phiếu Chính phủ những tháng đầu năm Tân Sửu, sau tháng 1 đắt hàng đã dường như có vẻ “ế ẩm” hơn. Cụ thể, trong tuần từ 25/1 đến 29/1, sức hấp thụ của thị trường cũng đã có dấu hiệu không tốt khi KBNN chào thầu 1.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ nhưng cũng chỉ huy động thành công 7.496 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ trúng thầu 75%.
Một tuần trước kỳ nghỉ Tết Tân Sửu (từ 1/2 đến 5/2), KBNN chỉ huy động được vỏn vẹn 80 tỷ đồng trên tổng số 6.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ gọi thầu, tức tỷ lệ trúng thầu chỉ 1,3%.
Và mới đây nhất, ngày 24/2, KBNN chỉ huy động thành công 635/6.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ gọi thầu. Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được toàn bộ 500 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động được 135/500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm và 15 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm tại 1,03%/năm (giảm 0,04 điểm phần trăm); kỳ hạn 30 năm giữ nguyên tại 3,01%/năm.
Cũng trong phiên giao dịch trên, lợi suất trái phiếu Chính phủ thị trường thứ cấp giảm ở các kỳ hạn 5 năm và 10 năm. Giao dịch tại 3 năm 0,59%; 5 năm 1,05%; 7 năm 1,39%; 10 năm 2,27%; 15 năm 2,47%.
Theo SSI, trên thị trường trái phiếu ế ẩm ở đầu tháng 2 có sự ảnh hưởng bởi diễn biến tăng của lãi suất trên liên ngân hàng. Tuy nhiên, SSI dự báo cầu đầu tư trái phiếu Chính phủ cũng sẽ khá lớn nhờ lượng lớn trái phiếu đáo hạn và thanh khoản trên liên ngân hàng sau Tết sẽ dồi dào trở lại. Bởi vậy, lãi suất trái phiếu Chính phủ dự kiến vẫn giữ xu hướng đi ngang trong ngắn hạn.
Có thể bạn quan tâm
Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng vọt, giá vàng tuần tới sẽ ra sao?
05:30, 28/02/2021
Trái phiếu doanh nghiệp hút dòng tiền trong 2021?
06:39, 21/02/2021
Trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng lượng chào bán ra công chúng
06:30, 10/02/2021
Trái phiếu Chính phủ đắt hàng đầu năm
06:30, 05/02/2021
Hạn chế ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp, quy định có thiết thực?
06:10, 28/01/2021