Cổ phiếu của các công ty chip Đài Loan sụt giảm vì biện pháp trừng phạt của Mỹ
Mỹ đàn áp lĩnh vực công nghệ cao đang trỗi dậy của Trung Quốc khiến cổ phiếu của nhà thiết kế chip có trụ sở tại Đài Loan sụt giảm phân nửa...
Mới đây, cổ phiếu của nhà thiết kế chip có trụ sở tại Đài Loan - Alchip Technologies đã giảm gần một nửa trong vài ngày kể từ khi một khách hàng lớn, công ty siêu máy tính ở Trung Quốc bị đưa vào “Danh sách thực thể” (Danh sách đen thương mại) của Mỹ vì cáo buộc rằng, công nghệ thế hệ tiếp theo có thể phục vụ mục đích quân sự .
Theo đó, từ ngày 8/4, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa vào danh sách đen 7 thực thể tại Trung Quốc có liên quan đến các chương trình siêu máy tính, với cáo buộc hoạt động của các công ty này trái với lợi ích, chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ.
Động thái này đã cấm các công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ xuất khẩu công nghệ cho bảy nhóm mà không có sự chấp thuận thích hợp. Trong số các công ty mục tiêu, Tianjin Phytium Information Technology là khách hàng lớn nhất của Alchip vào năm ngoái, đóng góp 39% doanh thu của công ty.
Một chuyên gia lưu ý rằng, việc Mỹ đàn áp lĩnh vực công nghệ cao đang trỗi dậy của Trung Quốc bằng cách cắt đứt công nghệ chip, đã làm gián đoạn nghiêm trọng ngành công nghiệp bán dẫn và chuỗi cung ứng, từ đó làm tổn thương các doanh nghiệp trên khắp thế giới, bao gồm cả những doanh nghiệp ở Đài Loan, nơi lĩnh vực bán dẫn hoạt động như một trụ cột.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, đại diện pháp lý của Alchip cho biết nếu việc kinh doanh với Phytium bị đình trệ, nó sẽ ảnh hưởng 25% đến doanh thu của nhà thiết kế chip vào năm 2021.
“Chúng tôi đã ngừng sản xuất tất cả các sản phẩm liên quan đến Phytium, đồng thời đang thu thập các tài liệu chi tiết cho luật sư ở Mỹđể xác định xem các sản phẩm có tuân theo EAR (Quy định Quản lý Xuất khẩu) hay không”, Alchip cho biết.
Trong khi đó, một công ty chip khác tại Đài Loan là Semiconductor Manufacturing Co (TSMC), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới lại không gặp phải những vấn đề tương tự trên thị trường vốn như Alchip, do quy mô sản xuất lớn của công ty trước đây cho các khách hàng khác nhau. Công ty này cũng đã đình chỉ các đơn đặt hàng mới từ Phytium và từ chối các bình luận xoay quanh vấn đề này.
Theo một báo cáo, vào năm 2020, năng lực sản xuất chip của Trung Quốc chiếm 15% tổng sản lượng thế giới, thể hiện sức mạnh sản xuất của nước này đang dần cải thiện.
Các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích chính phủ Mỹ lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia và quyền lực nhà nước để đàn áp các công ty công nghệ cao của Trung Quốc nhằm duy trì vị thế độc quyền và bá chủ về khoa học và công nghệ.
Cụ thể vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi sản xuất chất bán dẫn để bảo vệ chuỗi cung ứng và hồi sinh ngành sản xuất của Mỹ. Theo các nhà quan sát phản ánh, sự điều chỉnh chiến lược của chính quyền ông Biden trong việc kiềm chế Trung Quốc hơn nữa bằng cách cắt đứt hợp tác chuỗi công nghiệp quốc tế.
"Chúng ta cần xây dựng cơ sở hạ tầng của ngày hôm nay chứ không phải sửa chữa cơ sở hạ tầng của ngày hôm qua. Kế hoạch mà tôi đề xuất sẽ bảo vệ chuỗi cung ứng của chúng ta và hồi sinh ngành sản xuất của Mỹ", Tổng thống Biden nói tại sự kiện được tổ chức nhằm giải quyết tình trạng thiếu chất bán dẫn, đã ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp chủ chốt.
Ma Jihua, một nhà phân tích ngành có trụ sở tại Bắc Kinh cho rằng, Mỹ coi các con chip là một vũ khí để ngăn chặn sự trỗi dậy công nghệ của Trung Quốc và cũng là một con bài thương lượng quan trọng trên bàn đàm phán. Kể từ tháng 2, chính quyền nước này đã bắt tay vào việc xem xét các chuỗi cung ứng quan trọng của Mỹ, bao gồm cả chất bán dẫn, nhằm mục đích làm cho họ bớt phụ thuộc vào các quốc gia khác.
Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định, Mỹ sẽ không thể xây dựng ngành sản xuất chip nếu không có nỗ lực trong nhiều năm do khó phát triển lực lượng lao động, thiếu chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và nhu cầu thị trường biến động.
Có thể bạn quan tâm