Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong: Dự kiến chi trả cổ tức với tỷ lệ 30%

HẢI NGÂN 20/04/2021 15:59

Năm 2021, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đặt mục tiêu chi trả cổ tức dự kiến ở mức cao nhất từ trước tới nay với tỷ lệ 30%.

Trong bối cảnh dịch COVID-19, với những nỗ lực không ngừng, Nhựa Tiền Phong vẫn đang là một trong những doanh nghiệp của ngành nhựa xây dựng tại Việt Nam tăng trưởng dương đến thời điểm hiện tại.

Ông Chu Văn Phương - Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cho biết, dưới tác động không nhỏ của dịch bệnh và sức ép cạnh tranh, Nhựa Tiền Phong đã phát huy nội lực, vượt khó thành công để về đích với thị phần được duy trì ở mức xấp xỉ 60% toàn quốc, tổng sản lượng đạt trên 90.000 tấn, doanh thu hợp nhất đạt 4.630 tỷ đồng và trên hết, lợi nhuận gộp trước thuế hơn 523 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 11% so với 2019. Tình hình tài chính công ty cũng có những chuyển biến tích cực khi dư nợ vay giảm và quản lý tồn kho hiệu quả.

Cũng theo ông Phương, với kết quả đạt được cũng như mong muốn mang lại quyền lợi cao nhất cho các cổ đông, HĐQT đã trình phương án chia cổ tức bằng tiền năm 2020 với tỷ lệ chi trả ở mức cao là 25% và công ty đã thực hiện chi trả 15% vào ngày 27/11/2020, tiếp tục trả đợt 2 vào 2021 với tổng kinh phí gần 295 tỷ đồng.

 Công nhân Nhựa Tiền Phong thi công ống HDPE gân xoắn

Công nhân Nhựa Tiền Phong thi công ống HDPE gân xoắn

Bước sang năm 2021, là năm thứ 2 trong giai đoạn phát triển chiến lược 2020 - 2025 và là giai đoạn để Nhựa Tiền Phong mở rộng thị trường với những sản phẩm mới mang tính tiên phong như ống PP 2 lớp gần sóng, ống luồn cáp điện 1 lớp, sản phẩm phục vụ thuỷ sản. Do vậy, Nhựa Tiền Phong tiếp tục duy trì các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh thông qua đại hội đồng cổ đông đề ra mục tiêu sản xuất kinh doanh cho năm 2021 với tổng sản lượng đạt 100.000 tấn; doanh thu thuần đạt 5.100 tỷ; lợi nhuận đạt 432 tỷ đồng và chi trả cổ tức dự kiến ở mức cao nhất từ trước tới nay với tỷ lệ 30% (trong đó, 20% tiền mặt và 10% cổ phiếu).

Mục tiêu đã đề ra, tuy nhiên bắt đầu từ đầu năm 2021, cũng như các doanh nghiệp trong ngành nhựa nói chung, Nhựa Tiền Phong đã phải đối mặt với sự biến động từ giá nguyên vật liệu của hạt nhựa. Dù đã cố gắng tiết giảm chi phí nhưng việc giá tăng mạnh đã khiến Nhựa Tiền Phong buộc phải thay đổi mức giá thành phẩm cao hơn 10%, để có thể đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp và mức độ tăng trưởng.

Để thống nhất phương án, mục tiêu đã đề ra, Nhựa Tiền Phong đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021. Tại đại hội, hội đồng quản trị đã đề xuất đại hội đồng cổ đông thông qua 9 nội dung bao gồm: kết quả hoạt động 2020 và phương hướng, định hướng hoạt động 2020 - 2021 của HĐQT; kết quả sản xuất - kinh doanh 2020; tài chính đã kiểm toán 2020; phương án phân phối lợi nhuận 2020 gồm chi trả cổ tức, thù lao HĐQT, quỹ khen thưởng phúc lợi và quỹ đầu tư phát triển; kế hoạch sản xuất kinh doanh 2021; kế hoạch đầu tư thường xuyên năm 2021 gồm máy móc thiết bị mới, xây dựng cơ bản.

Đồng thời, thông qua phương án chi trả cổ tức 2021; mức thù lao HĐQT 2021; thông qua danh sách công ty kiểm toán độc lập và ủy quyền cho HĐQT lựa chọn 1 trong số 4 công ty kiểm toán hàng đầu Việt Nam hiện nay thuộc danh sách đã được đại hội đồng cổ đông thông qua, để kiểm toán cho các báo cáo tài chính của doanh nghiệp; thông qua các quy định được sửa đổi bổ sung trong điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty; thông qua chủ trương cập nhật điều lệ; sửa đổi, bổ sung quy chế quản trị nội bộ công ty cho phù hợp với quy định pháp luật mới.

Nhựa Tiền Phong đề ra mục tiêu sản xuất kinh doanh cho năm 2021 với tổng sản lượng đạt 100.000 tấn

Nhựa Tiền Phong đề ra mục tiêu sản xuất kinh doanh cho năm 2021 với tổng sản lượng đạt 100.000 tấn

Được biết, năm 2019, Nhựa Tiền Phong đã đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm mới, quản trị nguồn nhân lực và hệ thống…. Với vị thế dẫn đầu ngành nhựa xây dựng Việt Nam, tổng doanh thu hợp nhất năm 2019 của Nhựa Tiền Phong đạt xấp xỉ 4.760 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 471,2 tỷ đồng. Năm 2019, công ty này cũng mang đến thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam nhiều dòng sản phẩm mới ưu việt đón đầu như ống gân sóng PE/PP hai lớp sản xuất trên dây chuyền Unicor; ống nhựa xoắn HDPE 1 lớp sản xuất trên dây chuyền Corma, ống uPVC lõi xoắn và phụ kiện thoát nước nhà cao tầng; phụ tùng hàn điện trở; van zắcco theo công nghệ Nhật Bản.

Bên cạnh việc chú trọng đổi mới và phát triển bền vững trong kinh doanh, nhiều năm qua, Nhựa Tiền Phong luôn trích một phần doanh thu từ các sản phẩm dành cho các hoạt động xã hội. Ngoài những dự án trợ giúp những hoàn cảnh khó khăn đột xuất trên mọi miền đất nước như Quỹ cánh diều xanh, từ năm 2017, công ty đã xây dựng dự án “Cầu nối yêu thương”. Mục tiêu của dự án là trong giai đoạn từ 2017- 2022, công ty sẽ xây dựng 60 cầu dân sinh cho người dân tại các vùng khó khăn với trị giá khoảng 60 tỷ đồng được trích lập từ một phần lợi nhuận của công ty.

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: Cư dân TD- Plaza kêu cứu, cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc

    Hải Phòng: Cư dân TD- Plaza kêu cứu, cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc

    04:05, 19/04/2021

  • Kiến An (Hải Phòng): Cơ sở sản xuất ngang nhiên xả thải, cơ quan chức năng ở đâu?

    Kiến An (Hải Phòng): Cơ sở sản xuất ngang nhiên xả thải, cơ quan chức năng ở đâu?

    11:39, 18/04/2021

  • Hải Phòng nâng cao hoạt động xúc tiến đầu tư

    Hải Phòng nâng cao hoạt động xúc tiến đầu tư

    03:30, 18/04/2021

  • Thực hư việc LG rao bán nhà máy smartphone tại Hải Phòng

    Thực hư việc LG rao bán nhà máy smartphone tại Hải Phòng

    01:00, 16/04/2021

  • LG nói gì trước tin đồn rao bán nhà máy ở Hải Phòng?

    LG nói gì trước tin đồn rao bán nhà máy ở Hải Phòng?

    15:50, 15/04/2021

HẢI NGÂN