Cuộc chơi tỷ USD của Doanh nhân Mai Hữu Tín
Ông Mai Hữu Tín cho rằng, bao nhiêu tiền ông kiếm được từ các hoạt động kinh doanh khác, ông đều đổ vào TTF và ông đặt mục tiêu rất lớn với con số thấp nhất là 1 tỷ USD cho cuộc chơi này.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, cổ đông Công ty CP Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) đã chấp thuận phương án phát hành cổ phiếu ưu đãi mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.
Theo ông Mai Hữu Tín – Chủ tịch HĐQT TTF, đợt phát hành riêng lẻ này là nhằm xóa nợ xấu tại ngân hàng Đông Á. Các cổ phiếu phát hành riêng lẻ dự kiến được TTF phát hành cho đại chúng, phát hành cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Ông Tín cho biết, TTF phải cần thêm 1.000 tỷ đồng, và đặc biệt là 595 tỷ đồng tiền mặt trong đợt phát hành riêng lẻ. Đây là những phương án nhằm giải quyết vấn đề tồn đọng lại hiện nay của TTF là nợ xấu, cụ thể là khoản nợ tại Ngân hàng Đông Á.
“Phương án phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ xấu được thông qua từ ĐHĐCĐ thường niên 2020, nhưng không thể thực hiện vì phía Ngân hàng Nhà nước không cho phép Đông Á bán khoản nợ mà không nhận về tiền lãi vay. Khi ấy chúng ta định giá phát hành chỉ hơn 2.000 đồng/cổ phiếu, rất may là phương án không thành”, Chủ tịch TTF nói.
Đối với đợt phát hành riêng lẻ sắp tới, Chủ tịch TTF cho biết, ông sẽ bỏ vô hơn 100 tỷ đồng trước, đồng thời kêu gọi, nếu cổ đông quan tâm thì có thể tham gia. Trước hết cổ đông nhận mức cổ tức 12%/năm rồi có thể chuyển đổi sau này khi cổ phiếu vượt mệnh giá. Ông Tín cũng cam kết, cổ phiếu TTF sẽ vượt 10.000 đồng/cổ phiếu trong thời gian không xa.
“Do không được phát hành cổ phiếu phổ thông dưới mệnh giá nên chúng ta phải lên kế hoạch phát hành cổ phiếu ưu đãi cổ tức. Với mức giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu thì ai sẽ mua nếu chúng ta không trả cổ tức 12%/năm, khi thị giá hiện mới 7.000 – 8.000 đồng/cổ phiếu”, Chủ tịch TTF cho biết.
Nói về tương lai của TTF, ông Mai Hữu Tín cho rằng ông là cổ đông lớn nhất của công ty, nếu không tạo ra được giá trị cho chính bản thân mình thì cũng không thể tạo ra được giá trị cho cổ đông khách. Ông cũng cho rằng, mình bỏ thời gian, công sức để làm với TTF không phải để chịu mức giá cổ phiếu thấp như hiện nay và một khi đã thoát được nợ xấu thì sẽ chơi một cuộc chơi hoàn toàn khác.
“Nói không hề giấu giếm là bao nhiêu tiền tôi có được từ các hoạt động kinh doanh khác thì tôi dồn cả vào đây (TTF)… Tôi đặt một mục tiêu rất lớn, 1 tỷ USD là con số thấp nhất mà tôi chấp nhận cho cuộc chơi này”, Chủ tịch TTF Mai Hữu Tín khẳng định.
Điểm lại, cú sốc hàng tồn và khoản phải thu tại TTF vào năm 2016, cùng những hệ luỵ đã thách thức rất nhiều nhà đầu tư tham gia giải cứu, trước khi nhóm ông Tín vào cuộc. Đầu tiên, quyết định chi 1.800 tỷ thâu tóm 49,9% vốn TTF vào tháng 5, đến tháng 11/2016 Tân Liên Phát (công ty con VinGroup) đã lần lượt bán ra cổ phiếu nắm giữ.
Cùng tham gia công cuộc cứu thương hiệu gỗ vang bóng một thời vào cuối năm 2017 còn có SAM Holdings, nhưng đến tháng 4/2018 doanh nghiệp này cũng vội vàng rút chân… Chỉ còn một người ở lại là Xây dựng U&I của ông Tín, sau này cùng với Sứ Thiên Thanh.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, mặc dù tình hình kinh doanh cũng như giao dịch cổ phiếu TTF trên thị trường còn kém sắc, nhưng ông Tín vẫn tự tin khẳng định: "Chúng tôi cũng mất 2 năm để tìm ra con số lỗ khủng tại Công ty. Đến nay chúng tôi đã có câu trả lời cho cổ đông, và để có được câu trả lời này TTF đã cùng với đơn vị kiểm toán để truy được tất cả những con số lỗ đã giấu rất nhiều năm".
Đến tháng 6/2020, TTF chính thức ra thông báo ông Võ Trường Thành và ông Võ Văn Diệp Tuấn đã thực hiện hoàn tất việc chuyển giao tài sản theo thỏa thuận khắc phục hậu quả với TTF. Như vậy, sau 3 năm ban lãnh đạo mới do ông Mai Hữu Tín đứng đầu tiếp nhận TTF, đến nay những vấn đề liên quan lùm xùm 2016 cơ bản dứt điểm.
Còn tại ĐHĐCĐ năm 2020, đứng trước thách thức lớn là TTF phải hủy niêm yết bắt buộc nếu như không có lãi, ông Tín cam kết, năm 2020 bằng mọi giá phải có lãi nếu không làm được thì ông sẽ từ chức và không làm nữa. Một lần nữa ông Tín lại thành công, khi năm 2020, TTF đạt doanh thu thuần hơn 1.210 tỷ đồng và lãi ròng hơn 21 tỷ đồng và điều quan trọng nhất là cổ phiếu TTF đã thoát khỏi “án” hủy niêm yết bắt buộc.
Trong năm 2020, TTF đầu tư xây dựng nhà máy ván ép mới mang tên CTCP Central Wood với công suất 9.000 m3 mỗi tháng. Nhà máy này được đặt tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa, tỉnh Bình Định: Đây là địa điểm mà theo ông Tín, có nguồn nguyên liệu tốt nhất cho TTF hiện nay và là nơi có cảng lớn thứ 3 trên toàn quốc.
Cũng trong năm 2020, mảng xuất khẩu của TTF tăng trưởng hơn 60% tập trung vào các thương hiệu lớn tại Mỹ như Natuzzi, RH, West Elm… Nhà máy tủ bếp có công suất 60 container mỗi tháng xuất khẩu qua Mỹ hoạt động ổn định, doanh số bình quân 50 tỷ đồng mỗi tháng.
Nhà máy Sofa 1 đi vào hoạt động từ tháng 4/2020, đến tháng 4/2021 nhà máy Sofa 2 đi vào hoạt động kỳ vọng đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu. Công suất 2 nhà máy khoảng 150 container mỗi tháng, doanh số bình quân 35 tỷ mỗi tháng.
Năm 2021, TTF đặt mục tiêu doanh thu tăng 67% lên 2.025 tỷ đồng; lãi trước thuế 59 tỷ đồng, gấp 3,2 lần thực hiện năm trước. Để đạt được mục tiêu này, ban lãnh đạo TTF cho biết, đơn vị sẽ đàm phán với các khách hành truyền thống và đẩy mạnh mảng xuất khẩu, trong đó tích cực nâng cao hợp đồng dài hạn, tập trung chủ lực vào thị trường Mỹ, Ý, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản… thông qua các kênh bán lẻ. TTF cũng tiếp tục tìm đối tác tiềm năng trong lĩnh vực đồ gỗ nội thất để liên doanh.
Trên thị trường, cổ phiếu TTF đã có 2 phiên tăng trần liên tiếp ngay sau khi thông tin phát hành cổ phiếu ưu đãi được ĐHĐCĐ thông qua. Chốt phiên giao dịch ngày 28/4, cổ phiếu TTF đạt 7.530 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch đạt hơn 2 triệu đơn vị. Hiện cổ phiếu TTF vẫn giữ nguyên diện kiểm soát từ 6/5/2019 do lỗ lũy kế tại ngày 30/06/2020 là -2.965 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm