"Bong bóng" tài sản đang xuất hiện trên thị trường chứng khoán?
Nguy cơ "bong bóng" thị trường có đang chực chờ, nhất là khi margin thị trường trong quý đầu năm 2021 đã đạt kỷ lục. Theo đó, rủi ro cho thị trường là không nhỏ?
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua được nhiều chuyên gia nhận định, xuất hiện nhiều nhà đầu tư F0, những người không có nhiều hiểu biết với các sản phẩm đầu tư tài chính mới tham gia vào thị trường do kỳ vọng thu lợi lớn từ hoạt động đầu tư chứng khoán. Chiến lược đầu tư "ăn may" hay lòng tham quá lớn của nhiều người được ví là các trường hợp tự nguyện bị “xén lông cừu” nhiều lần.
Có chuyên gia đặt câu hỏi với chứng khoán Việt, những lý thuyết đầu tư theo logic thông thường và theo nguyên lý đầu tư chung dường như đang không còn hoặc bất phù hợp. Liệu thị trường chứng khoán Việt Nam có tăng thiếu bền vững thực sự hay không? Nguy cơ "bong bóng" thị trường có đang chực chờ nhất là khi margin thị trường trong quý đầu năm đã đạt kỷ lục, rủi ro cho thị trường là không nhỏ?
Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trao đổi với ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Đầu tư và Phân tích thị trường CTCK Tân Việt (TVSI).
- Nếu nhìn vào năng lực của các doanh nghiệp niêm yết hiện nay, liệu thị trường chứng khoán tăng trong thời gian qua có bền vững không, thưa ông?
Theo công bố kết quả kinh doanh của hơn 500 doanh nghiệp hiện tại, cơ bản thấy mức hồi phục lợi nhuận so với cùng kỳ rất mạnh mẽ, trong khi doanh số tăng hơn 60% so với cùng kỳ.
Số liệu 599 doanh nghiệp công bố BCTC Q1 cho thấy doanh thu đạt 20,9 tỷ USD (+13% YoY), lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 2,9 tỷ USD (+67,8% YoY). Trong đó nhóm Ngân hàng có LNST đạt 1,76 tỷ USD tăng tới 78% và chiếm 52% lợi nhuận của toàn bộ thị trường, cùng với các ngành Tài nguyên cơ bản, dịch vụ tài chính, bảo hiểm là những nhóm dẫn dắt đà tăng trưởng lợi nhuận chung.
Kết quả kinh doanh này so với cùng kỳ chúng ta thấy còn ở mức thấp, nhưng cho thấy mức hồi phục của doanh nghiệp cả năm qua là rất tốt. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng tốc độ tăng trưởng doanh thu chưa được mạnh, mặc dù con số tăng trưởng lên đến 13% là tương đối khá.
Lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng mạnh chủ yếu do giá vốn tăng chậm hơn so với doanh thu cùng với đó là các chi phí bán hàng, chi phí vốn vay đã giảm so với cùng kỳ.
Lợi nhuận nhóm Phi Tài chính tăng 60,3% - hồi phục mạnh mẽ so với mức giảm do COVID-2019. Con số này đến từ việc giá vốn tăng ít hơn so với doanh thu (8% với 11,7%). Lãi gộp tăng trưởng 30,7% so với cùng kỳ. Ngoài ra, nhờ chi phí lãi vay giảm 21,4%, chi phí bán hàng và quản lí doanh nghiệp tăng chậm hơn so với doanh thu nên lãi thuần từ hoạt động kinh doanh tăng tới 36% so với năm trước.
Thời điểm hiện tại, thông tin về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp về cơ bản đã đầy đủ, thị trường tháng 5 đang điều chỉnh so với kết quả kinh doanh đó.
Trong giai đoạn vừa qua, tình hình COVID-19 đang tương đối phức tạp, cùng với đó tháng 5 đang rơi vào vùng khoảng trống thông tin, tuy vậy hiện tại thị trường đang có diễn biến tương đối ổn định.
Các nhóm cổ phiếu lớn trên thị trường như ngân hàng, bất động sản, tiêu dùng đều có mức ổn định nhất định. Trong nhóm VN30, có 23 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận tăng hơn 20%. Như vậy là khá ấn tượng so với cùng kỳ.
- Giai đoạn qua cũng chứng kiến nhiều nhà đầu tư mới chịu thua lỗ, vậy điều này có phản ảnh rủi ro từ thị trường hay nên hiểu như thế nào?
Chúng ta thấy cơ bản năm 2020, bất kỳ nhà đầu tư mới tham gia thị trường thì xác suất thắng rất cao. Tuy nhiên trong giai đoạn 2021, đặc biệt khi thị trường vượt ngưỡng 1.200 điểm việc tăng giảm phân hóa của các nhóm cổ phiếu đã lớn hơn.
Trong năm 2020, chứng kiến đà tăng rất mạnh mẽ của các nhóm cổ phiếu nhỏ, đặc biệt là nhóm smallcaps, midcaps. Thời gian vừa qua, nhóm này lại có xu hướng điều chỉnh, do đó các nhà đầu tư nếu có khẩu vị thích các cổ phiếu giá rẻ thì có khả năng trong thời gian qua chưa thành công lắm. Đó là một trong các nguyên nhân.
Cơ bản nếu xét về chỉ số, có thể thấy chỉ số VN-Index vẫn tăng tương đối 13-14% trong tháng 5.
Các nhóm chính như ngân hàng có xu hướng tăng cũng tương đối tốt.
- Vậy để bền lâu cùng nhịp thị trường, nhà đầu tư mới nên chuẩn bị như thế nào khi tham gia?
Rõ ràng thị trường chứng khoán sẽ có nhà đầu tư lãi– thua trong giai đoạn nào đó. Tuy nhiên để bước trên con đường dài mang tính chất dài hạn, các nhà đầu tư cần trang bị kiến thức tốt hơn, kinh nghiệm nhiều hơn thì mới có thể sinh ra lợi nhuận bền vững.
Việc có lợi nhuận trong ngắn hạn sẽ không đảm bảo hoàn toàn trong tương lai chúng ta sẽ không gặp các tình huống bất lợi. Hiện tại thị trường tình hình chung thị trường vẫn ổn định, margin không thể tăng thêm được do CTCK không còn room, dẫn đến lực cầu trên thị trường suy giảm nhẹ, nhưng đó là do lực cầu vượt cung chứ không xuất phát từ tâm lý lo sợ ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Rất khó xảy ra "bong bóng" ở hai lĩnh vực bất động sản và chứng khoán
05:42, 10/05/2021
VNDirect: Thị trường chứng khoán tháng 5 rủi ro dần tăng lên
05:40, 08/05/2021
Công ty chứng khoán nâng vốn “ồ ạt”, Bộ Tài chính vào cuộc
04:30, 06/05/2021
Công ty chứng khoán chạy đua nâng vốn đáp ứng nhu cầu margin
16:30, 04/05/2021