Thị trường đứng trước áp lực chốt lời sau khi lập đỉnh 1.300 điểm
Sau 5 phiên tăng điểm liên tiếp dẫn tới VN-Index lập đỉnh 1.308 điểm, nhiều khả năng thị trường đối mặt với áp lực chốt lời.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/5, VN-Index tăng 10,6 điểm lên 1.308,58 điểm. HNX-Index tăng 1,26 điểm lên 301,59 điểm. UPCoM-Index tăng 0,28 điểm lên 82,91 điểm. Với việc đóng cửa ở mức 1.308 điểm, VN-Index đã thiết lập đỉnh cao lịch sử mới khi chốt phiên.
Theo ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc khối Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Tân Việt (TVSI), VN-Index tiếp tục xu hướng tăng giá ngắn hạn và đóng cửa đạt 1.308,58 điểm, tăng 10,6 điểm tương ứng 0,82%.
Đà tăng của thị trường được dẫn dắt bởi nhóm Ngân hàng (VCB, MBB, BID). Trong các mã ngân hàng, TPB tăng 5,2% lên 35.100 đồng, các mã MBB, VCB, EIB, HDB, LPB đều tăng từ 2-3%, các mã ACB, BID, TCB, STB tăng hơn 1%. Đặc biệt, SSB tăng kịch trần lên 34.850 đồng, khớp 3,7 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần khá lớn. Ở chiều ngược lại, CTG quay đầu giảm 0,2% về 51.100 đồng, VIB lùi về tham chiếu 61.000 đồng.
Tuy nhiên sắc xanh chưa có sự lan tỏa mà tập trung chủ yếu ở một số nhóm cổ phiếu mạnh trong thời gian qua như Thép, Chứng khoán. Nhóm Dầu khí cũng ghi nhận diễn biến tích cực với sự hỗ trợ của yếu tố giá dầu tăng mạnh đêm qua.
Thanh khoản khớp lệnh HOSE đạt 19.426 tỷ, giảm 9,9% so với phiên trước đó về tương đương mức bình quân 10 phiên. Sự gia tăng của yếu tố thanh khoản trong những phiên gần đây là tín hiệu tích cực giúp củng cố xu hướng đi lên của thị trường.
Giao dịch khối ngoại không còn quá tiêu cực như ở các phiên trước, dòng vốn này mua vào 27,5 triệu cổ phiếu, trị giá 1.247 tỷ đồng, trong khi bán ra 30,6 triệu cổ phiếu, trị giá 1.332 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức hơn 3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 84,5 tỷ đồng.
Trên sàn HoSE, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 11 liên tiếp nhưng giá trị giảm 87% so với phiên trước và còn ở mức hơn 84 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 2,6 triệu cổ phiếu. Tính tổng cộng sau 11 phiên vừa qua, dòng vốn ngoại sàn này bán ròng gần 7.500 tỷ đồng.
Theo nhận định của ông Nam, trong phiên giao dịch tiếp theo, “VN-Index có thể sẽ đối mặt với áp lực chốt lời sau 5 phiên tăng điểm liên tiếp. Mặc dù vậy xu hướng ngắn hạn vẫn sẽ duy trì tăng giá với mục tiêu 1.330 - 1.350 điểm”, ông Nam cho biết.
Trong khi đó, quan điểm thị trường của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng và chỉ số VN-Index sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ mới 1.268 – 1.300 điểm trong phiên. Đồng thời, dòng tiền tiếp tục lan tỏa đều giữa các nhóm cổ phiếu, trong đó dòng tiền quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
“Điểm tích cực là thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm vượt hoàn toàn mức 1.300 điểm và hướng đến mức mục tiêu kỳ vọng của chúng tôi 1.364 điểm”, ông Nguyễn Thế Minh nhận định.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. “Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ và tăng dần tỷ trọng cổ phiếu” - Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Thấy gì từ chuyện nhiều lãnh đạo doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu “chui”?
05:00, 25/05/2021
Thị trường kháng cự ngắn hạn ở vùng 1.300-1.325 điểm
04:30, 25/05/2021
VN-Index tiến gần mốc 1.300 điểm
16:00, 24/05/2021
Masan liên tiếp công bố các thương vụ: Chi 15 triệu USD mua cổ phần Phúc Long
13:29, 24/05/2021