Thấy gì từ chuyện nhiều lãnh đạo doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu “chui”?

ĐÌNH ĐẠI 25/05/2021 05:00

Họ không phải là những nhà đầu tư F0, những "tay mơ" chưa từng giao dịch trên thị trường mà vướng các quy định với hoạt động mua bán cổ phiếu không đăng ký...

Thời gian qua, nhiều lãnh đạo, cổ đông các doanh nghiệp lớn mua, bán cổ phiếu nhưng không đăng ký, đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành một loạt quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các lãnh đạo và cổ đông lớn của doanh nghiệp mua, bán “chui” cổ phiếu.

Mua, bán cổ phiếu

Mua, bán cổ phiếu "chui", nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn bị phạt.

Cụ thể, ông Nguyễn Quang Huy - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP CMC (HoSE: CVT) đã thực hiện bán 58.707 cổ phiếu CVT vào ngày 11/12/2020 nhưng đến ngày 22/12/2020, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM mới nhận được báo cáo kết quả giao dịch của ông Huy. Với hành vi này, ông Huy bị phạt 17 triệu đồng.

Tương tự, ông Võ Trường Sơn – Thành viên HĐQT Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HNG), ông Sơn đã bán 505.000 cổ phiếu HNG vào ngày 4/12/2020 nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Với hành vi trên, ông Võ Trường Sơn bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định phạt tiền 45 triệu đồng.

Một cá nhân khác là ông Phan Ngọc Hồng bị Ủy ban Chứng Khoán Nhà nước xử phạt 50 triệu đồng vì không báo cáo khi sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu đang lưu hành có quyền biểu quyết của một công ty đại chúng.

Theo đó, ông Hồng đã mua 34.000 cổ phiếu của Công ty CP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (HNX: VIG) vào ngày 11/10/2019, dẫn đến tỷ lệ sở hữu cổ phiếu tăng từ 1.705.600 cổ phiếu (4,99%) lên 1.753.600 cổ phiếu VIG, tương đương với 5,1% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn của VIG. Nhưng ông Hồng không báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Ngoài ra, ông Hồng còn bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt thêm 25 triệu đồng do không báo cáo khi có thay đổi về số lượng cổ phiếu vượt quá các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu.

Cụ thể, ngày 31/10/2019, ông Hồng mua 20.000 cổ phiếu VIG dẫn đến thay đổi tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu sau giao dịch vượt ngưỡng 1% khối lượng cổ phiếu lưu hành có quyền biểu quyết của VIG (tăng từ ngưỡng 5% lên ngưỡng 6%). Ngày 13/11/2019, ông Hồng bán 90.000 cổ phiếu VIG dẫn đến thay đổi tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu sau giao dịch vượt ngưỡng 1% khối lượng cổ phiếu lưu hành của VIG (giảm từ ngưỡng 6% xuống ngưỡng 5%).

Chưa dừng lại ở đó, liên tiếp các ngày 18/11, ngày 6/12 và ngày 26/12/2019, ông Hồng đã thực hiện mua lần lượt 34.800 cổ phiếu, 70.300 cổ phiếu, 10.000 cổ phiếu của VIG dẫn đến thay đổi tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu sau giao dịch vượt ngưỡng 1% khối lượng cổ phiếu lưu hành của VIG (tăng từ ngưỡng 5% lên ngưỡng 6%, 7% và 8%).

Bên cạnh việc xử phạt các cá nhân vi phạm quy định về việc mua, bán “chui” cổ phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã ra quyết định xử phạt đối với quỹ ngoại NS Advisory Inc Pte.Ltd số tiền 30 triệu đồng, do báo cáo không đúng thời hạn khi có thay đổi về số lượng cổ phiếu sở hữu vượt quá các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu.

Cụ thể, vào ngày 24/11 và ngày 03/12/2020, quỹ ngoại NS Advisory Inc Pte.Ltd đã bán 121.730 cổ phiếu và 1.196.560 cổ phiếu của Công ty CP Licogi 16 (HoSE: LCG), dẫn đến thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ phiếu sau giao dịch vượt ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu lưu hành của LCG (giảm từ ngưỡng 8% xuống ngưỡng 7% và xuống ngưỡng 6%).

NS Advisory Inc Pte.Ltd còn bị phạt 50 triệu đồng vì quỹ ngoại này bán ra 2.240.000 cổ phiếu LCG, vào ngày 04/12/2020, dẫn đến tỷ lệ sở hữu sau giao dịch giảm xuống dưới 5% số lượng cổ phiếu lưu hành của LCG và không còn là cổ đông lớn của LCG.

Sau khi các giao dịch trên hoàn tất, đến ngày 25/12/2020, quỹ ngoại này mới báo cáo Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM.

Trên thực tế, chuyện phạt giao dịch cổ phiếu “chui” không phải mới, cũng không phải lần đầu. Năm nào, thời kỳ nào cũng có chuyện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định trong hoạt động mua, bán cổ phiếu. Hơn nữa, những cá nhân, tổ chức bị phạt lần này cũng không phải là F0 hay “tay mơ” với thị trường. Họ, hoặc không là lãnh đạo của doanh nghiệp, thì là cổ đông, thậm chí là tổ chức đầu tư chuyên nghiệp. Thế nhưng vì sao họ vẫn cố tình vi phạm quy định, thực hiện giao dịch "chui"? Phải chăng vì họ thờ ơ với quy định đăng ký thông tin? Hay chứng tỏ mức phạt này không có ý nghĩa với những cá nhân, tổ chức vi phạm và chưa đủ răn đe so với lợi ích họ có thể đạt được từ các giao dịch "chui" đã thực hiện?

"Việc giao dịch cổ phiếu của các cổ đông lớn, thành viên ban lãnh đạo công ty hoặc người có liên quan nhưng không báo cáo hay báo cáo chậm theo quy định là hành động có tính toán, có tổ chức, rất khó có thể nói đó là sơ suất. Vì vậy cần phải xử phạt thật nghiêm để không làm mất lòng tin của cổ đông doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thị trường", một chuyên gia Chứng khoán cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Hàng tỷ cổ phiếu mới sắp lên sàn, nhà đầu tư nên lưu ý gì?

    Hàng tỷ cổ phiếu mới sắp lên sàn, nhà đầu tư nên lưu ý gì?

    08:00, 17/05/2021

  • 8,6 tỷ cổ phiếu sắp lên sàn, thị trường chịu áp lực ra sao?

    8,6 tỷ cổ phiếu sắp lên sàn, thị trường chịu áp lực ra sao?

    06:00, 15/05/2021

  • Tăng trưởng âm, cổ phiếu VNM bị bán mạnh

    Tăng trưởng âm, cổ phiếu VNM bị bán mạnh

    05:41, 15/05/2021

  • Vì sao nhóm cổ phiếu thép bị bán mạnh?

    Vì sao nhóm cổ phiếu thép bị bán mạnh?

    13:43, 14/05/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thấy gì từ chuyện nhiều lãnh đạo doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu “chui”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO