VN-Index sẽ tiếp tục biến động theo chiều tích cực
Không chỉ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) mà các Công ty Chứng khoán cũng khá lạc quan về thị trường với dự báo biến động mạnh theo chiều hướng tích cực.
Kết thúc phiên giao dịch hôm 1/7, chỉ số VN-Index tăng 8,53 điểm lên 1.417,08 điểm. Toàn sàn có 224 mã tăng, 165 mã giảm và 54 mã đứng giá. Chỉ số HNX-Index tăng 2,4 điểm lên 325,72 điểm. Toàn sàn có 88 mã tăng, 92 mã giảm và 84 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,19 điểm lên 90,44 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức cao với tổng giá trị giao dịch đạt gần 31.900 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh chiếm 28.900 tỷ đồng, tăng 37,8% so với phiên trước. Giá trị khớp lệnh trên HoSE chiếm 23.700 tỷ đồng, Khối ngoại bán ròng khoảng 240 tỷ đồng trên sàn HoSE.
TTCK Việt Nam tăng điểm trong phiên 1/7 nhờ động lực đến từ diễn biến tích cực ở nhóm cổ phiếu chứng khoán. Cụ thể, cổ phiếu ngành chứng khoán tăng giá ở SSI (+4,5%), HCM (+5,7%) sau khi FPT cho biết đã xử lý xong các vấn đề kỹ thuật trên hệ thống mới và sẵn sàng vận hành chính thức theo đúng dự kiến. Ngược lại, nhóm Dầu khí lại yếu hơn thị trường chung với PVS, PVD, PVC, PVT giảm mạnh trong 4,5 phiên gần đây.
Theo nhận định của các chuyên gia CTCK Yuanta Việt Nam, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên kế tiếp và chỉ số VN-Index sẽ sớm tiệm cận mức 1.435 điểm trong 1-2 phiên tới. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và dòng tiền ngắn hạn vẫn duy trì ở mức dương cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn sẽ bền vững hơn và thị trường có thể chỉ xuất hiện các nhịp điều chỉnh. Điểm nổi bật là thanh khoản có sự cải thiện đáng kể và quay trở lại các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như nhóm cổ phiếu Ngân hàng cho thấy cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn vẫn còn cao.
Theo các chuyên gia, nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu hoặc mua mới. “Đồng thời, chúng tôi cho rằng các nhà đầu tư ngắn hạn nên dừng tỷ lệ margin thấp để tránh các rủi ro đảo chiều bất ngờ của thị trường”, các chuyên gia phân tích của Yuanta Việt Nam khuyến nghị.
Còn theo CTCK KB Securities Việt Nam (KBSV), việc lấy lại xung lực tăng điểm và không xuất hiện phiên phân phối lớn giúp chỉ số có thể tiếp tục mở rộng xu hướng tăng điểm; Chúng tôi cũng quan sát thấy thanh khoản đang có dấu hiệu được cải thiện trở lại. Mặc dù vậy, yếu tố này cần được quan sát thêm trong các phiên tới, đặc biệt là khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự kế tiếp tại quanh 1.430 điểm.
Các chuyên gia phân tích của KBSV khuyến nghị nhà đầu tư tập trung vào việc quản lý tỷ trọng ở mức vừa phải và ưu tiên cho các vị thế ngắn hạn. Việc chốt lời quay vòng 1 phần tỷ trọng có thể được cân nhắc trong trường hợp chỉ số tiếp tục đi lên nhưng khối lượng không tăng tương ứng.
Trong khi đó, CTCK Tân Việt (TVSI) nhận định về phiên hôm qua VN-Index đóng cửa với cây nến dạng doji với giá đóng cửa gần cao nhất ngày đi kèm thân nến ngắn cho thấy lực bán ra hoàn toàn bị hấp thụ hết trở lại và lực mua càng lúc càng mạnh về cuối phiên. Việc thị trường tăng giá đi kèm thanh khoản gia tăng theo là tín hiệu tích cực.
Các chỉ báo kỹ thuật vẫn đang rất ủng hộ xu hướng tăng giá, các tín hiệu cho việc tạo đỉnh tạm thời vẫn chưa xuất hiện. Phiên giao dịch hôm qua dòng tiền vẫn lan tỏa đều ở khắp các nhóm ngành, vẫn dự báo cho nhịp tăng giá toàn diện mới. Vùng kháng cự ngắn hạn của VN-Index ở quanh vùng 1.438 – 1.445 tương ứng mốc fibo 161,8% tính từ đáy tháng 3 năm nay.
“Chúng tôi vẫn dự báo thị trường tăng điểm trong trung hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, VN-Index dự báo sẽ tăng dần lên vùng kháng cự mới quanh 1.438 – 1.445 điểm dưới động thái tích cực của toàn bộ nhóm ngành. Các phiên tăng giảm vẫn sẽ đan xen và VN-Index sẽ có các nhịp chỉnh ngắn ngay trong phiên”, các chuyên gia TVSI nhận định.
Dự báo dài hạn hơn về TTCK, trước đó trong một hội thảo, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, TS. Nguyễn Sơn cho biết, hiện nay, dư nợ cho vay chứng khoán mới chỉ chiếm 0,48% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 49,5 tỷ USD. Trên nền tảng kinh tế vĩ mô và TTCK 6 tháng đầu năm khá tích cực, TS. Nguyễn Sơn tin rằng, nền kinh tế và thị trường chứng khoán còn dư địa tăng trưởng.
Có thể bạn quan tâm