Trải qua một tuần giao dịch đáng quên, chứng khoán tuần tới ra sao?

ĐÌNH ĐẠI 12/07/2021 05:00

Thị trường tuần tới (từ 12 -16/7) có khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh về các vùng giá thấp hơn.

 Trong tuần trước từ 5-9/7, thị trường điều chỉnh khá mạnh. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đứng ở mức 1.347,14 điểm, tương ứng giảm 73,13 điểm (-5,15%) so với tuần trước đó. HNX-Index giảm 21,28 điểm (-6,5%) xuốn 306,73 điểm. UPCoM-Index giảm 3,56 điểm (-3,93%) xuống 87,08 điểm.


Tuần trước thị trường có sự điều chỉnh mạnh, khiến tất cả các chỉ số đều giảm.

Tuần trước thị trường có sự điều chỉnh mạnh, khiến tất cả các chỉ số đều giảm.

Điểm tích cực của tuần giao dịch vừa qua là khối ngoại tiếp tục mua ròng trở lại nhưng khác với tuần trước đó, dòng vốn này chủ yếu mua ròng thông qua khớp lệnh. Cụ thể, tính chung toàn thị trường, khối ngoại mua vào 259 triệu cổ phiếu, trị giá 12.600 tỷ đồng, trong khi bán ra 196 triệu cổ phiếu, trị giá 10.054 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức 62,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 2.545 tỷ đồng.

Trên sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh 2.631 tỷ đồng (giảm 20% so với tuần trước đó), tương ứng khối lượng mua ròng là 66,4 triệu cổ phiếu. Đa phần giá trị mua ròng của khối ngoại sàn HoSE tuần qua đến từ giao dịch khớp lệnh (2.651 tỷ đồng). Phiên 7/7 khối ngoại sàn này mua ròng kỷ lục 2.156 tỷ đồng thông qua khớp lệnh.

Khối ngoại mua ròng mạnh nhất mã MBB với giá trị 835 tỷ đồng. VHM và HPG đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 727 tỷ đồng và 319 tỷ đồng. STB, MSN và GEX cũng đều có giá trị mua ròng của khối ngoại lớn hơn 200 tỷ đồng. Chiều ngược lại, sau khi được mua ròng rất mạnh ở tuần trước đó thông qua thỏa thuận, NVL bị khối ngoại bán ròng trở lại 770 tỷ đồng và chủ yếu đến từ khớp lệnh. Hai cổ phiếu ngân hàng là VPB và CTG bị bán ròng lần lượt 282 tỷ đồng và 250 tỷ đồng.

Ở sàn HNX, khối ngoại có tuần bán ròng thứ 6 liên tiếp với giá trị tăng 95% so với tuần trước đó và ở mức 89 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 3 triệu cổ phiếu.

VND bị bán ròng mạnh nhất sàn HNX với giá trị gần 159 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là PVS với chỉ hơn 15 tỷ đồng. Trong khi đó, THD được mua ròng mạnh nhất với 31 tỷ đồng. Các vị trí mua ròng mạnh tiếp theo thuộc về nhóm chứng khoán gồm MBS, BSI, BVS và TVB.

Tại sàn UpCOM, khối ngoại giảm mua ròng xuống còn 2,6 tỷ đồng (giảm 92% so với tuần trước), đây cũng là tuần mua ròng thứ 12 liên tiếp của dòng vốn này với tổng giá trị 479 tỷ đồng.

Cổ phiếu ACV được mua ròng mạnh nhất sàn UpCOM với 27 tỷ đồng. VTP và MCH được mua ròng lần lượt 14 tỷ đồng và 11 tỷ đồng. Chiều ngược lại, khối ngoại sàn này bán ròng tập trung 2 mã VEA và QNS với giá trị lần lượt 30 tỷ đồng và 25 tỷ đồng.

Dù lực cầu gia tăng nhanh khi VN-Index giảm về vùng 1.340 điểm, nhưng lực bán trên thị trường vẫn đang áp đảo. Trước diễn biến này, giới phân tích từ các công ty chứng khoán cho rằng, trong tuần tới (từ 12 -16/7) thị trường có khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh về các vùng giá thấp hơn.

Công ty CP Chứng khoán BOS (BOS) nhận định, phiên giảm điểm cuối tuần qua (9/7) khiến hầu hết các chỉ báo kỹ thuật cho tín hiệu về một xu hướng điều chỉnh trong ngắn hạn được hình thành.

Kịch bản giảm sâu hơn về vùng 1.310 - 1.320 điểm có thể xảy ra trước khi thị trường tìm được điểm cân bằng mới cần được nhà đầu tư lưu ý trong các phiên tới. BOS khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục ưu tiên quản lý rủi ro, không giải ngân mới và đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp. 

Tương tự, Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, sau ít thời gian thăm dò cung cầu, VN-Index tiếp tục diễn biến tiêu cực trước ảnh hưởng của phiên sụt giảm mạnh gần đây. Chỉ số thêm lần nữa kiểm tra vùng 1.335 điểm, đồng thời thanh khoản tăng trở lại mức trung bình 50 phiên gần nhất cho thấy có sự giằng co mạnh tại vùng hỗ trợ này.

Tuy nhiên, nhìn chung áp lực bán có phần nhỉnh hơn dòng tiền mua vào cổ phiếu nên thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro suy yếu, sau quá trình thăm dò trên mức 1.335 điểm.

Do vậy, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng và đề phòng rủi ro đến khi thị trường có tín hiệu hỗ trợ đủ tốt, đồng thời nên tiếp tục cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro để bảo toàn thành quả.

Còn các nhà phân tích từ Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) dựa vào mô hình sóng Elliott để đưa ra dự báo cho kịch bản diễn biến thị trường trong tuần tới. Theo nguyên tắc sóng Elliott, pha tăng của thị trường gồm có 5 bước sóng được gọi là sóng đẩy; trong đó, sóng 1, 3 và 5 là sóng tăng, sóng 2 và 4 là sóng giảm.

Trên góc nhìn sóng Elliott, sóng tăng 5 có vẻ đã kết thúc để bước vào sóng điều chỉnh với mục tiêu của đợt này quanh 1.210 điểm. Do đó, trong tuần giao dịch tiếp theo 12-16/7, thị trường có khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh về các vùng giá thấp hơn nhằm tìm kiếm lực cầu giá thấp, SHS nhận định.

Theo SHS, các ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của thị trường lần lượt quanh 1.330 điểm và “ngưỡng tâm lý” 1.300 điểm có thể được thử thách trong tuần giao dịch tới.

“Nhà đầu tư đã chốt lãi danh mục trong các tuần trước đó, có thể tham gia giải ngân thăm dò một phần tỷ trọng nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 1.300 điểm. Những nhà đầu tư đã hạ tỷ trọng tại các nhịp tăng trong tuần qua, có thể nắm giữ danh mục cổ phiếu ở mức thấp và chờ đợi những nhịp điều chỉnh sâu hơn để mua vào thêm”, SHS khuyến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • VN-Index có thể chạm 1.500 điểm trong nửa cuối năm 2021

    VN-Index có thể chạm 1.500 điểm trong nửa cuối năm 2021

    05:30, 09/07/2021

  • Thị trường lặp lại kịch bản

    Thị trường lặp lại kịch bản "trắng bên mua", VN-Index bốc hơi 56 điểm

    16:13, 06/07/2021

  • VN-Index sẽ tiếp tục biến động theo chiều tích cực

    VN-Index sẽ tiếp tục biến động theo chiều tích cực

    05:00, 02/07/2021

  • VN-Index còn dư địa tăng trưởng

    VN-Index còn dư địa tăng trưởng

    05:00, 01/07/2021

  • VN-Index tiềm ẩn nhiều rủi ro điều chỉnh

    VN-Index tiềm ẩn nhiều rủi ro điều chỉnh

    04:34, 30/06/2021

ĐÌNH ĐẠI