ACB - Cổ phiếu ngân hàng duy nhất lọt VN30 trong kỳ đánh giá mới
Ngày 19/7/2021 tới đây sẽ là kỳ công bố đánh giá mới của các rổ chỉ số bao gồm chỉ số VN30. Theo dự báo, ACB sẽ là cổ phiếu ngân hàng duy nhất trong kì bước vào rổ VN30.
Sau khi bị loại khỏi chỉ số VN30 trong đợt xem xét định kỳ vào tháng 2/2021, SAB- Sabeco đã cải thiện thanh khoản trong 6 tháng đầu năm, với khối lượng giao dịch khớp lệnh hàng ngày của SAB trong đợt xem xét định kỳ này vượt 100.000 cổ phiếu. Theo ước tính của VNDIRECT, SAB sẽ trở lại chỉ số VN30 sau khi đáp ứng được tiêu chí thanh khoản, với giá trị vốn hóa đứng thứ 9 trong danh sách cổ phiếu trên HOSE.
Tuy nhiên trong nhóm ngân hàng, ACB là cổ phiếu luôn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sàng lọc chỉ số ngoại trừ tiêu chí về thời gian niêm yết sau khi chuyển sàn từ HNX sang HOSE vào cuối năm 2020. Như vậy, sau 6 tháng giao dịch trên HOSE, ACB sẽ là cổ phiếu mới của Chỉ số VN30 trong giai đoạn này.
Đối với ACB, hạn mức tín dụng được NHNN cấp cả năm là 9,5% nhưng đến thời điểm này room tín dụng đã chật, do vậy ngân hàng đang đề xuất xin nới lên 15%. Cùng với nhóm ngân hàng tư nhân như VPB, TCB thì 02 ngân hàng tư nhân là MBB, ACB bất chấp đại dịch COVID -19 đã tăng trưởng tín dụng ngoạn mục.
Riêng với ACB, mới đây ngân hàng đã thực hiện tăng vốn bằng hình thức phát hành 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 25%. Sau khi phát hành, tổng vốn điều lệ của ACB sẽ tăng lên hơn 27.000 tỷ đồng.
Ngân hàng cho biết việc tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn đối với ngân hàng, tăng nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu Chính phủ, thêm nguồn vốn để cải tạo, đầu tư các dự án chiến lược trong những năm tới.
Quý 1/2021, ACB có lợi nhuận trước thuế đạt 3.104 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại ngày 31/3/2021, tổng tài sản của ACB đạt 449.515 tỷ đồng, tăng 1,1% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,1% đạt 324.311 tỷ đồng.
Chất lượng tài sản được duy trì ở mức tốt, mặc dù tỷ lệ nợ xấu và nợ xấu mở rộng (bao gồm nợ nhóm 2) tăng lần lượt 32 và 45 điểm cơ bản so với cuối năm 2020 lên 0,9% và 1,2%. Tỷ lệ bao phù nợ xấu (dự phòng/nợ xấu) giảm 40 điểm % so với cuối năm 2020 còn 120,4%, dù chi phí dự phòng trích lập trong kỳ cao gấp 5,5 lần so với mức thấp của cùng kỳ.
Hiệu quả hoạt động được thiện, với chi phí/thu nhập) giảm 20 điểm % so với cùng kỳ còn 34,6%. Tỷ suất sinh lời ROA và ROE chuẩn hóa theo năm lần lượt tăng lên 2,2%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II tăng nhẹ lên mức 11,2%, trong đó tỷ lệ vốn cấp 1 là 10,5%. ACB tiếp tục duy trì tỷ lệ an toàn vốn trên cơ sở lợi nhuận giữ lại.
Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset, NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) được kỳ vọng duy trì ở mức cao nhờ tiếp tục tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ với biên sinh lời cao và tăng tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn). Việc ký kết thỏa thuận hợp tác 15 năm phân phối bảo hiểm độc quyền (bancassuarance) với đối tác Sunlife sẽ mang lại khoản phí độc quyền trị giá 370 triệu USD (ghi nhận trong vòng 15 năm 2021-2035), cũng như thúc đẩy tăng trưởng thu nhập từ phí phân phối bảo hiểm. Bên cạnh đó, chất lượng tài sản được kỳ vọng sẽ duy trì ổn định…
Việc ACB được kỳ vọng sẽ vào VN30, VN Diamond, VN Leading Financial trong kỳ đánh giá lại thành phần giữa năm là yếu tố tích cực hỗ trợ cho sự vận động giá của cổ phiếu. Tuy nhiên, trong hoạt động kinh doanh, việc cạnh tranh trong mảng ngân hàng bán lẻ ngày càng khốc liệt khiến việc tăng NIM trở nên khó khăn hơn cộng với chi phí hoạt động tương đối cao và rủi ro nợ xấu gia tăng do dịch COVID-19 sẽ là thách thức đối ACB trong thời gian tới. Do vậy, nhà đầu tư vẫn cần cân nhắc khi đầu tư vào cổ phiếu ACB.
Có thể bạn quan tâm
Những ngân hàng nào vừa được nới room tăng trưởng tín dụng?
16:01, 15/07/2021
Năm thứ 2 liên tiếp, OCB vào Top 10 Ngân hàng uy tín tại Việt Nam
15:45, 15/07/2021
Cần cấp thêm chỉ tiêu tín dụng cho ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp
05:30, 15/07/2021
Doanh nghiệp nào sẽ được ngân hàng giảm lãi suất?
05:00, 14/07/2021
Ngân hàng sẽ "hy sinh" lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp
11:30, 13/07/2021