Các TCTD kiến nghị NHNN cấp thêm room tín dụng cho ngân hàng để hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp được tốt hơn.
Tại cuộc họp liên quan đến giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp do Hiệp hội Ngân hàng chủ trì với 16 TCTD, ông Nguyễn Quốc Hùng Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị, NHNN xem xét giao chỉ tiêu tín dụng hàng năm, nhưng với các nhà băng đã áp dụng tốt Basel II và Basel III thì cần tạo thuận lợi khi cấp room tín dụng.
Việc NHNN cấp thêm room tín dụng trong những tháng cuối năm sẽ giúp các ngân hàng thêm dư địa tín dụng hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh vượt qua khó khăn do đại dịch COVID -19.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, Vietcombank đã duy trì mặt bằng lãi suất thấp ngay từ đầu năm, đến nay, lãi suất cho vay bình quân ngắn hạn tại ngân hàng chỉ khoảng 6%/năm, trung dài hạn chỉ 8%/năm. “Đầu năm Vietcombank được giao chỉ tiêu tín dụng là 10% nhưng đến nay tín dụng đã tăng trưởng 9%. Do vậy, để tiếp tục hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn hiện nay, Vietcombank rất cần được NHNN nới room tín dụng trong những tháng cuối năm”…
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, NHNN đã giao chỉ tiêu tín dụng lần 1 cho các nhà băng. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, VietinBank được cấp “room” năm nay 6,5-7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%. Hạn mức của một số ngân hàng thương mại cổ phần như VIB, ACB, Sacombank là 8,5-9,5%; MB, VPBank, Techcombank là 10,5-12%.
Theo các chuyên gia, mặt bằng “room” tín dụng được NHNN cho các nhà băng năm nay thấp hơn năm trước. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm nay, tín dụng toàn ngành ngân hàng đã tăng 5,1%. Từ tháng 4/2021, một số ngân hàng đã tiệm cận room tín dụng được giao như ACB, Sacombank, HDBank, SeABank…
Ông Tuấn Anh cho biết, sau khi đưa ra hạn mức tín dụng cho từng TCTD đầu năm, NHNN tiếp tục có đợt nới “room” lần 2 vào nửa cuối năm. Điều này cũng dẫn đến việc các ngân hàng sử dụng hết hạn mức, trước khi NHNN xét duyệt nới thêm room tín dụng đợt 2.
Dự kiến đến cuối tháng 6/2021, tăng trưởng tín dụng có thể ước đạt 5,5 - 6%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, có 3/5 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tích cực, gồm xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Các lĩnh vực này có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng của toàn nền kinh tế, do vậy nhu cầu vốn của các doanh nghiệp là rất lớn, nên việc cần thiết phải nới room tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch…
Có thể bạn quan tâm