Chứng khoán sẽ kiểm tra lực cầu ở vùng giá thấp
Mặc dù ở phiên 26/7, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có nhịp hồi phục sau thông tin về cơ hội đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6% - 6,5% trong năm nay, nhưng nhiều khả năng thị trường vẫn sẽ đi ngang.
Kết thúc phiên giao dịch hôm 26/7, chỉ số VN-Index tăng 3,88 điểm lên 1.272,71 điểm. Toàn sàn có 190 mã tăng, 182 mã giảm và 44 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,1 điểm lên 302,88 điểm. Toàn sàn có 95 mã tăng, 92 mã giảm và 181 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,5 điểm xuống 83,87 điểm.
VN-Index hiện sắc đỏ trong phần lớn thời gian phiên sáng của ngày giao dịch đầu tuần. Chỉ số đã có lúc sụt giảm 15 điểm nhưng đà giảm dần được thu hẹp ở cuối phiên này.
Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên cuối tuần trước. Tổng giá trị giao dịch đạt 18.800 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh chỉ đạt 16.400 tỷ đồng, giảm 21%. Riêng sàn HoSE, giá trị khớp lệnh cũng giảm 21,6% xuống 14.100 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng khoảng hơn 70 tỷ đồng trên sàn HoSE.
Theo các chuyên gia của CTCK Tân Việt (TVSI), chỉ số VN-Index đóng cửa với cây nến dạng Bullish harami với thân nến ngắn cho thấy đã có lực cầu trở lại thị trường nhưng chưa quá mạnh. Đặc biệt, lực cầu này chỉ tập trung tại các mã cổ phiếu midcaps và một vài mã trụ. Mặc dù tăng điểm nhưng VN-Index vẫn đang đóng cửa dưới mức bình quân mười phiên đi kèm thanh khoản thấp cho thấy thị trường chưa thể tăng trở lại ngay được.
TVSI kỳ vọng VN-Index có thể tiếp tục tích lũy quanh vùng biên độ 1.250 – 1.300 điểm để hút thêm lực cầu trở lại. Việc VN-Index vẫn duy trì được trên vùng 1.250 điểm cho thấy xu hướng tăng giá trong dài hạn của thị trường vẫn đang rất mạnh. Trong các phiên tới, các chuyên gia phân tích của TVSI kỳ vọng VN-Index có thể cắt lên vùng giá trung bình mười phiên và tăng điểm nhẹ, từ từ thay vì tăng điểm mạnh nhờ nhóm ngân hàng dẫn dắt như giai đoạn trước đó
“Chúng tôi vẫn kỳ vọng VN-Index vẫn tiếp tục xu hướng tăng giá dài hạn và sẽ sớm lấy lại xu hướng tăng giá trung hạn trong các phiên tới khi vượt lên vùng 1.300 điểm. Trong ngắn hạn, thị trường dự báo sẽ đi ngang vùng biên độ 1.250 – 1.300 điểm, sẽ có những phiên rung lắc mạnh để kiểm tra lực cầu vùng giá thấp”, các chuyên gia phân tích của TVSI nhận định.
Theo quan điểm của CTCK KBSV, nguyên nhân khiến thị trường phiên 26/7 tăng về cuối phiên xuất phát từ thông tin Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết dù khó khăn về dịch bệnh nhưng vẫn còn dư địa và cơ hội đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 ở mức 6% - 6,5%.
Phân tích trước góc độ kỹ thuật, các chuyên gia phân tích của KBSV cho rằng, chỉ số VN-Index tiếp tục trải qua nhịp giảm điểm vào đầu phiên trước khi hồi phục trở lại về cuối phiên. Vùng hỗ trợ 1.255 (+-5) điểm đã tạo hiệu ứng khá tích cực và đóng vai trò điểm đỡ ngắn hạn cho chỉ số.
“Mặc dù có thể còn trải qua diễn biến rung lắc khi tiếp cận vùng cản gần quanh 1.300 (+-5) điểm nhưng chúng tôi cho rằng cơ hội mở rộng thêm nhịp hồi phục sẽ tiếp tục được bảo lưu chừng nào chỉ số vẫn giữ được vùng hỗ trợ đã đề cập”, các chuyên gia cho hay. KBSV khuyến nghị, sau khi gia tăng 1 phần vị thế trading T+, nhà đầu tư nên tránh mua đuổi, có thể cân nhắc chốt lời 1 phần vị thế T+ tại các nhịp hồi phục trong phiên nếu tỷ trọng nắm giữ quá cao.
Có thể bạn quan tâm