NRC “lỗi hẹn” mục tiêu?
Nguồn thu co cụm trong 6 tháng đầu năm, trong khi triển vọng các quý tới còn u ám khiến Công ty CP Tập đoàn Danh Khôi (HNX: NRC) đối mặt nguy cơ vỡ kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021.
NRC đặt mục tiêu 2021 với doanh thu thuần hợp nhất 1.100 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 180 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với thực hiện được năm 2020.
Thua lỗ 2 quý liên tiếp
Theo Báo cáo tài chính quý 2/2021 của NRC, công ty có một quý kinh doanh kém với doanh thu thuần trong kỳ chỉ đạt 1,8 tỷ đồng, giảm tới 98% so với cùng kỳ năm ngoái; giá vốn ở mức thấp nên lãi gộp chỉ đạt 1,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đạt 73 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng so với cùng kỳ. Kết quả, NRC báo lỗ hợp nhất sau thuế gần 46 tỷ đồng, riêng công ty mẹ chịu lỗ 45 tỷ đồng.
Trước đó, quý 1/2021, NRC lỗ 23 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng 2021, NRC lỗ ròng 69 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi sau thuế 2,3 tỷ đồng.
Trong bức tranh kinh doanh ảm đạm của mình, đáng nói là NRC không có nguồn thu, mặc dù kế hoạch kinh doanh đặt ra rất lớn. Theo đó, doanh thu thuần 6 tháng của Công ty chưa tới 5 tỷ đồng, chỉ bằng 1/20 so với cùng kỳ năm trước. Ở quý 1, Công ty lí giải khó khăn là do dịch bệnh, giãn cách xã hội và nghỉ Tết nên không hoạt động được nhiều. Khó khăn này có lẽ sẽ còn kéo dài vệt kinh doanh ảm đảm của NRC ít nhất trong vài quý tới, khi khách quan lẫn nội tại của NRC khó có nền tảng hay bệ phóng để đạt tới mục tiêu trong kế hoạch kinh doanh 2021.
69 tỷ đồng là khoản lỗ ròng của NRC trong 6 tháng đầu năm nay, trong khi cùng kỳ lãi 2,3 tỷ đồng.
Rủi ro “bỏ trứng vào một giỏ”
NRC là doanh nghiệp có mô hình lõi đi lên từ môi giới và mở rộng ra đầu tư phát triển dự án bất động sản. So với các doanh nghiệp địa ốc cũng đi từ mô hình này và hiện đang có tầm ảnh hưởng khá lớn trên thị trường ở góc độ đầu tư, phát triển dự án như Đất Xanh hay TTC Land thì NRC, với tổng tài sản hơn 1.200 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 900 tỷ đồng, vốn điều lệ 801 tỷ đồng, có quy mô khiêm tốn hơn hẳn, dù hệ sinh thái của NRC là khá rộng.
Như nhiều doanh nghiệp cùng định hướng phát triển khác, NRC có tốc độ tăng trưởng vốn khá nhanh trong những năm qua. Nếu xét cột mốc vốn 30 tỷ đồng từ thời điểm đổi tên thành Netland năm 2016 và phát hành vốn cho cổ đông hiện hữu, NRC đã tăng vốn điều lệ tới 26,7 lần chỉ trong vòng 5 năm. Tốc độ tăng trưởng vốn của công ty, đi cùng tốc độ mở rộng hoạt động M&A và đẩy mạnh phát triển quỹ đất.
Nhờ đó, tại cuối 2020, NRC có 9 dự án đầu tư tại Đà Nẵng, Quy Nhơn (Bình Định), Bà Rịa Vũng Tàu và dự kiến cả TP HCM với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn các dự án này có vị trí ven biển đôi khi lại cũng là yếu điểm của chính NRC khi “sóng lên dồn sóng xuống” khá nóng bỏng nhưng cũng dễ nguội nhanh, đẩy doanh nghiệp vào rủi ro.
Chưa nói tới yếu tố pháp lý dự án và triển khai cuốn chiếu, mà ngay cả nỗ lực dục tốc tăng vốn, thúc đẩy M&A mở quy mô của công ty, cũng sẽ dễ bất đạt mục tiêu do sự phụ thuộc vào những thị trường vừa tiềm năng vừa chịu rủi ro “bỏ trứng một giỏ”, nhất là khi các dự án này đều có tính “đánh bắt xa bờ”.
Có thể bạn quan tâm
Bất cập bất động sản ven Biển: Nơi thu hồi, nơi... “cho không”?
04:30, 14/03/2021
Bất động sản nghỉ dưỡng im ắng chờ thời
16:01, 05/08/2021
Khánh Hòa: Thị trường du lịch, nghỉ dưỡng “tê liệt” vì dịch COVID-19
04:35, 02/03/2021
Doanh nghiệp địa ốc “cầm cự” trong đại dịch
20:20, 10/08/2021
Thị trường địa ốc có dấu hiệu "đi ngang"
05:00, 15/05/2021