Chủ tịch FPT IS kể chuyện 100 ngày “giải cứu” sàn HoSE
Để xử lí công nghệ cho HoSE, FPT IS đã huy động nguồn lực khoảng 50 cán bộ từ các đơn vị thành viên của tập đoàn FPT và một số công ty phần mềm bên ngoài vào triển khai hệ thống.
Chia sẻ tại Talk show Nguy Cơ mới đây, ông Dương Dũng Triều - Chủ tịch Công ty Hệ thống Thông tin - FPT IS cho rằng, nguyên nhân khiến sàn HoSE liên tục bị “nghẽn giao dịch” trong thời gian vừa qua là do số lượng nhà đầu tư chứng khoán tăng đột biến, phát sinh tình trạng hệ thống không giao dịch được. Bài toán này phát sinh từ việc hệ thống phần mềm giao dịch của HoSE vẫn đang sử dụng giải pháp cũ của Thái Lan (chính phủ Thái Lan đã tài trợ giải pháp này từ năm 2000) với tổng số lệnh giao dịch trong một ngày ước tính chỉ khoảng 900.000 lệnh.
Theo ông Triều, với số lượng giao dịch quá ít này, hai vấn đề rất lớn đã liên tục xảy ra. Vấn đề đầu tiên là tình trạng nghẽn cục bộ: Nếu một số doanh nghiệp lớn như SSI hay VNDirect gặp tình trạng lệnh giao dịch tăng đột biến, các doanh nghiệp này sẽ chạm tới ngưỡng giới hạn lệnh, hệ thống tự động dừng lại và không giao dịch được nữa, từ đó không có kết quả được trả về.
Vấn đề thứ hai là nếu tổng giao dịch trên thị trường của tất cả các công ty chứng khoán đạt đến 90% trong số 900.000 lệnh thì hệ thống sẽ xảy ra tình trạng “ùn tắc”, dù không sập nhưng lệnh giao dịch sẽ chậm đi và không trả kết quả ra.
“Cả hai vấn đề này đều dẫn đến mẫu số chung là các nhà đầu tư không thể gửi lệnh giao dịch. Thêm vào đó, sàn giao dịch không đọc được kết quả trả về dẫn đến hiện tượng “điểm mù” thông tin, các nhà đầu tư không biết nên mua hay nên bán, gây ra tâm lý lo lắng hỗn loạn trên thị trường”, ông Triều cho biết.
Khi được giao nhiệm vụ “giải cứu” sàn HoSE trong 100 ngày, bằng việc xây dựng một hệ thống hoàn toàn mới để thay thế cho hệ thống cũ, ông Triều cho biết, khi đồng ý nhận dự án, FPT đã có sẵn khung kế hoạch cho các đầu việc và vạch ra được những hướng phát triển dự án.
Ngoài ra, FPT đã có 30 năm kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển hệ thống chứng khoán với nền tảng kiến thức vững chắc. Vì vậy, việc xây dựng hệ thống mới được ông Triều đánh giá là một “điệp vụ rất khả thi”. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tư nhân như FPT có thể tham gia giải quyết các bài toán của quốc gia.
Tuy nhiên, ông Triều cho rằng, trong 100 ngày này, mọi việc cũng không hề thuận lợi hoàn toàn. Khó khăn đầu tiên là áp lực về sự quan tâm to lớn của cộng đồng dành cho dự án này khi dự án sẽ tạo ra ảnh hưởng sâu rộng đến hàng trăm nghìn nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cả nước.
Khó khăn kế tiếp là bài toán về nhân sự. Theo ông Triều, để có thể giải quyết triệt để, dự án cần có một lãnh đạo am hiểu sâu rộng và có cái nhìn bao quát sự việc, có khả năng chia nhỏ các luồng công việc, nhìn thấy được các luồng công việc song song với nhau để có thể đảm bảo hệ thống hoàn thiện sau đúng 100 ngày và một đội ngũ làm việc chặt chẽ, hệ thống theo các định hướng chung.
“Để xử lí việc này, chúng tôi đã huy động nguồn lực khoảng 50 cán bộ từ các đơn vị thành viên của tập đoàn FPT và một số công ty phần mềm bên ngoài để triển khai hệ thống. Kết quả, từ chỗ HoSE chỉ xử lí được 900.000 lệnh/ngày, đến nay hệ thống đã xử lí được trôi chảy đến 3-5 triệu lệnh/ngày”, Chủ tịch FPT IS Dương Dũng Triều chia sẻ.
Tuy nhiên, khi đã hoàn thành dự án và triển khai vận hành vào ngày 05/07/2021, ông Triều cho biết, một thách thức rất lớn khác lại đến từ 73 công ty chứng khoán. Mỗi công ty đều có phần mềm hệ thống khác nhau dẫn đến sai lệch trong khâu vận hành trên thị trường. Việc này đòi hỏi FPT IS phải nhanh chóng có hướng thuyết phục, hướng dẫn, giải thích cho các lãnh đạo HoSE và Bộ Tài chính, cũng như đề xuất truyền thông để giải thích nguyên nhân không phải do hệ thống không khớp lệnh từ sàn HoSE mà là từ công ty chứng khoán và hỗ trợ nhanh chóng khắc phục các lỗi này trên từng doanh nghiệp.
“Để đảm bảo hệ thống được vận hành trơn tru trong tình hình dịch bệnh hiện nay, trong vòng 30 ngày tới, FPT IS sẽ hỗ trợ cho HoSE về các trung tâm vận hành dự phòng, đảm bảo hệ thống vẫn hoạt động liên tục trong thời gian tới mà không bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Việc tắc nghẽn hệ thống phần mềm mới là không thể xảy ra”, ông Triều tự tin kết luận.
So sánh phần mềm công nghệ nước ngoài và phần mềm được phát triển tại Việt Nam, ông Triều cho biết, các phần mềm nước ngoài có thể giải quyết được các khía cạnh “rộng” của vấn đề, nhưng các phần mềm của Việt Nam có thể giải quyết được các khía cạnh “sâu”.
Cụ thể, các công ty nước ngoài triển khai phần mềm cho cả thế giới chứ không phải cho riêng một quốc gia nào, vì thế, các phần mềm sẽ mang tính chất giải quyết tổng quát hoặc đáp ứng được các thị trường tương lai. Trong khi đó, các phần mềm đến từ Việt Nam có thể giải quyết được các vấn đề cấp bách, đặc thù và cơ động tại Việt Nam.
“Nếu một doanh nghiệp công nghệ có thể tạo ra một “đứa con lai”, đó là tận dụng hiểu biết và các thế mạnh của các phần mềm nước ngoài và kết hợp với các lợi thế của phần mềm Việt Nam để xử lý những vấn đề tại thị trường Việt Nam, đó sẽ là tin vui cho các công ty chứng khoán và nhà đầu tư cả nước”, Chủ tịch FPT IS Dương Dũng Triều cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm
TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: HoSE ngày sắp hết nghẽn lệnh
05:00, 26/06/2021
HoSE sắp hết nghẽn lệnh, nhận lỗi với nhà đầu tư
15:00, 24/06/2021
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Quyết liệt các giải pháp xử lý triệt để nghẽn lệnh trên HoSE
22:07, 11/06/2021
HoSE lại nghẽn lệnh, nhà đầu tư nên lưu ý gì?
05:00, 05/06/2021
Rủi ro tiềm ẩn khi HoSE tiếp tục nghẽn lệnh?
08:30, 02/06/2021