Bộ trưởng Bộ Tài chính: Quyết liệt các giải pháp xử lý triệt để nghẽn lệnh trên HoSE

ĐỖ HUYỀN 11/06/2021 22:07

Bộ trưởng Bộ Tài chính và lãnh đạo bộ này đã làm việc, chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HoSE để cùng đưa ra giải pháp khắc phục sự cố.

Ngay sau khi yêu cầu Thanh tra Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra đối với Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE), ngày 11/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trao đổi với báo chí về các giải pháp khắc phục tình trạng nghẽn lệnh giao dịch chứng khoán tại HOSE.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết đã yêu cầu lãnh đạo HOSE làm kiểm điểm và báo cáo cụ thể về tình trạng nghẽn lệnh trong thời gian qua.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết đã yêu cầu lãnh đạo HOSE làm kiểm điểm và báo cáo cụ thể về tình trạng nghẽn lệnh trong thời gian qua.

Trước tình trạng nghẽn lệnh diễn ra trong thời gian qua nhưng chưa được xử lý dứt điểm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Bộ Tài chính đã tổ chức rất nhiều cuộc họp và đã thành lập Tổ công tác để xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh giao dịch trên HOSE.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính đang chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để xử lý triệt để tình trạng nghẽn lệnh giao dịch trên HoSE. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HoSE và các đơn vị liên quan đã và đang rất nỗ lực để khắc phục vấn đề này, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu giao dịch cho nhà đầu tư.

Song hiện nay, giao dịch cổ phiếu chủ yếu tập trung ở hai Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Bộ Tài chính, UBCKNN cũng đã có văn bản khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết chuyển giao dịch tạm thời từ HoSE sang HNX để giảm tải cho hệ thống giao dịch của HoSE. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp niêm yết và khối lượng giao dịch của nhà đầu tư vẫn tập trung chủ yếu trên sàn HoSE.

“Nếu như trước đây, thanh khoản một phiên giao dịch chỉ khoảng 10.000 tỷ đồng/phiên, thì đến giai đoạn này, giá trị giao dịch bình quân phiên đã lên tới khoảng 30.000 tỷ đồng/phiên. Như vậy, thanh khoản đã tăng gấp nhiều lần so với trước đây, ngoài cả dự báo và đây chính là nguyên nhân gây nên tình trạng nghẽn lệnh”, ông Phớc cho hay.

Tư lệnh ngành Tài chính cho biết, cho đến thời điểm này, hệ thống giao dịch do FPT phối hợp cùng HoSE xây dựng đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HoSE, FPT và các đơn vị liên quan nỗ lực, tích cực triển khai, để quyết tâm khắc phục tình trạng nghẽn lệnh hiện nay. Dự kiến vào đầu tháng 7 tới, dự án này hoàn thành và sẽ khắc phục được triệt để tình trạng nghẽn lệnh.

"Chúng tôi đang tiến hành song song hai giải pháp lớn: Thứ nhất là đang tích cực và nỗ lực cao nhất hoàn thành dự án hệ thống giao dịch mà HoSE phối hợp với FPT xây dựng để đưa vào vận hành đầu tháng 7. Thứ hai là hệ thống công nghệ thông tin cho toàn thị trường phối hợp với đối tác Hàn Quốc (KRX), nhưng do đại dịch COVID-19, các chuyên gia không sang được nên đã bị gián đoạn, cũng sẽ nỗ lực để hoàn thành vào cuối năm nay. Những giải pháp này khi đi vào vận hành sẽ giải quyết được dứt điểm vấn đề nghẽn lệnh giao dịch trên HoSE hiện nay”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.

Trước đó, ngày 10/6, ông Hồ Đức Phớc đã yêu cầu Thanh tra Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra hành chính đối với HOSE.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Chánh Thanh tra Bộ đã ký Quyết định thanh tra. Căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19, đoàn thanh tra sẽ có kế hoạch làm việc cụ thể, phù hợp với các quy định về phòng chống dịch.

Có thể bạn quan tâm

  • HoSE lại nghẽn lệnh, nhà đầu tư nên lưu ý gì?

    HoSE lại nghẽn lệnh, nhà đầu tư nên lưu ý gì?

    05:00, 05/06/2021

  • Rủi ro tiềm ẩn khi HoSE tiếp tục nghẽn lệnh?

    Rủi ro tiềm ẩn khi HoSE tiếp tục nghẽn lệnh?

    08:30, 02/06/2021

  • Nối dài chuỗi ngày nghẽn lệnh ngay phiên sáng, VN-Index sẽ giằng co?

    Nối dài chuỗi ngày nghẽn lệnh ngay phiên sáng, VN-Index sẽ giằng co?

    05:30, 09/04/2021

  • Thực trạng giải quyết

    Thực trạng giải quyết "nghẽn lệnh" trên HoSE

    11:05, 01/04/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Quyết liệt các giải pháp xử lý triệt để nghẽn lệnh trên HoSE
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO