Nếu ví HoSE như một tòa nhà cao ốc lớn, thì lệnh vào thị trường như cánh cổng. Nay, lối ra vào của cổng tắc nghẽn thường xuyên trước lưu lượng người đi. Hãy giả thử lối đi bỗng nhiên có khói...
Theo Bộ Tài chính, hệ thống hiện tại của HOSE đã cũ và đã vận hành hơn 20 năm. Hàng năm, Sở đều có đánh giá, tối ưu hóa hoạt động phần mềm, đường truyền để đảm bảo các lệnh giao dịch được xử lý suôn sẻ, cho kết quả chính xác, thanh toán giao dịch an toàn. Tuy nhiên, Bộ Tài chính (UBCKNN) nhận định việc thay thế sang hệ thống giao dịch mới để đáp ứng nhu cầu giao dịch ngày càng tăng của thị trường là nhu cầu cấp thiết nên đã yêu cầu HOSE và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ dự án đưa hệ thống công nghệ thông tin thị trường chứng khoán mới (KRX) vào hoạt động. Theo kế hoạch, dự án này đã có thể hoàn thành trong năm 2020, nhưng do dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến công tác hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài nên tiến độ dự án bị kéo dài.
Vì vậy, cho tới khi hệ thống KRX đi vào hoạt động ổn định, Bộ Tài chính (UBCKNN) đã chỉ đạo nghiên cứu triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách, tích cực để giải quyết ngay tình trạng hiện nay, trong đó một số giải pháp đã và đang được thực hiện bao gồm:
Thứ nhất, nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu/lô từ ngày 4/1/2021 để giảm tải cho hệ thống, kết quả đã giảm được khoảng 15% số lượng lệnh trong những ngày đầu áp dụng.
Thứ hai, yêu cầu HOSE và các CTCK rà soát nội bộ, kiểm soát rủi ro, hạn chế lỗi có thể xảy ra với hệ thống giao dịch, hoàn thiện các quy trình xử lý sự cố, tăng cường trực ca vào thời gian giao dịch cao điểm.
Thứ ba, yêu cầu các CTCK lớn thực hiện một số giải pháp tối ưu hóa lượng lệnh, hạn chế giao dịch tần suất cao (robot) nhằm hạn chế áp lực lệnh lên hệ thống.
Thứ tư, chỉ đạo HOSE, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) tạo cơ chế thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp niêm yết tại HOSE tạm thời chuyển giao dịch sang Sở GDCK Hà Nội (HOSE).
Thứ năm, chỉ đạo HOSE và các đơn vị liên quan khẩn trương làm việc với chuyên gia phía Nhà thầu dự án KRX để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, sớm đưa hệ thống giao dịch mới vào vận hành.
Hiện nay, “UBCKNN đang chỉ đạo HOSE tiếp tục nghiên cứu thực hiện các giải pháp kỹ thuật và hành chính, nghiệp vụ để xử lý tình trạng nghẽn lệnh trước mắt, giảm thiểu tình trạng quá tải lệnh, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư” – thông cáo báo chí của Bộ Tài chính mới đây nêu rõ.
Liên quan đến việc thực hiện giải pháp của FPT, Bộ Tài chính (UBCKNN) đã chỉ đạo cho phép Công ty cổ phần FPT thực hiện khảo sát hệ thống giao dịch của HOSE từ ngày 15 - 19/3/2021 trên cơ sở đề xuất của FPT để xây dựng phương án kỹ thuật chi tiết xử lý sự cố; đồng thời cho phép FPT có thể mở rộng khảo sát hệ thống tại HNX và VSD (nếu cần thiết). Sau đợt khảo sát, FPT sẽ có báo cáo đề xuất phương án xử lý cụ thể để Bộ Tài chính cân nhắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo Bộ Tài chính, có quan điểm cho rằng, các giải pháp giảm tải cho sàn HOSE trong lúc chờ đợi giải pháp về công nghệ của FPT vẫn đang rất cần được thảo luận công khai để giúp cho Tổ công tác xử lý nghẽn lệnh của Bộ Tài chính có thêm nguồn thông tin tham khảo nhằm đưa ra giải pháp phù hợp nhất.
Trong khi chờ đợi HoSE và FPT triển khai giải pháp công nghệ chống nghẽn lệnh, người đứng đầu HoSE - Tổng Giám đốc Lê Hải Trà vừa nêu quan điểm rằng nếu nâng lô cổ phiếu lên 1.000 đối với các cổ phiếu có thị giá dưới 30.000 đồng, trong khi giữ nguyên lô 100 với cổ phiếu thị giá cao hơn có thể sẽ giúp giảm được hơn 20% số lượng lệnh hiện nay. Việc áp dụng nhiều giải pháp một lúc (nâng lô, chuyển giao dịch HNX…) sẽ giúp giảm tải cho hệ thống.
Trước đó, ông Lê Hải Trà cũng đã có quan điểm nâng lỗ giao dịch lên 1000 cho các lệnh, đối với các cổ phiếu nói chung trên thị trường.
DDDN đã đưa tin về ý kiến của các công ty chứng khoán về việc nâng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu, họ khuyến nghị giải pháp tạm thời là cơ quan quản lý có thể xem xét nâng lô cổ phiếu tối thiểu lên 1.000 đơn vị theo hướng các công ty chứng khoán sẽ gom lệnh của khách hàng lại.
Khi đó, áp lực lệnh vào HoSE sẽ giảm hơn. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán nhấn mạnh đây là phương án giúp giảm áp lực xử lý lên hệ thống giao dịch của HoSE về số lượng lệnh chứ không phải quy mô của lệnh. Để giải quyết triệt để vẫn phải chờ hệ thống mới của HOSE đi vào hoạt động. Hay có thể áp dụng nâng lô lên 1.000 cổ phiếu với các mã có mệnh giá thấp, còn với các mã cổ phiếu blue-chips có thị giá bằng hoặc cao hơn 100.000 đồng/cp nên giữ nguyên mức giao dịch lô 100 cổ phiếu.
Đó là góc độ của cơ quan quản lý khi nhìn về vấn đề nghẽn lệnh trên thị trường và đang nỗ lực giải quyết, đi cùng là các nỗ lực tường minh thông tin.
Song có một thực trạng cho thấy trong tháng 3, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng rất lớn trên thị trường. Theo một thống kê, từ 19/2-15/3/2021, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng liên tục với tổng giá trị gần 10.000 tỷ đồng. Tuy giá trị này so với tổng giá trị danh mục khối ngoại nắm giữ trên thị trường ước lên tới trên 35-40 tỷ USD chẳng "thấm vào đâu", nhưng hiện tượng bán ròng theo giới chuyên môn, phản ảnh nỗi lo ngại về tình trạng nghẽn lệnh của HoSE chưa thể lập tức khôi phục.
Một nhà đầu tư quốc tế nói rằng nếu ví HoSE như một tòa nhà cao ốc lớn, thì lệnh vào thị trường như cánh cổng. Nay, lối ra vào của cổng lại bị hẹp, tắc nghẽn thường xuyên trước lưu lượng người đi. Thử hình dung nếu có cháy, thì lối ra chen lấn sẽ ra sao?
Tuy hình dung là khá trừu tượng và có thể hơi quá so với thực tế HoSE vẫn rất sôi động hiện tại, nhưng rõ ràng lo ngại của họ về thực trạng không phải không có lý. Bên cạnh đó, dù cơ quan quản lý rất rõ ràng trong các giải pháp song phần lớn đưa ra chưa thể hiện được hiệu quả ngay ví dụ như việc khuyến khích doanh nghiệp chuyển sàn thì chỉ mới có khoảng 10 đơn vị triển khai. "Thông đường cho chuyện nghẽn lệnh cũng mới chỉ một phần của vấn đề. Nhìn xa hơn, giả thử nếu HoSE là một sàn giao dịch được đầu tư tư nhân và quản lý giám sát bởi Nhà nước, biết đâu xử lý thực trạng nghẽn lệnh có thể khác", một chuyên gia nói.
Có thể bạn quan tâm