Những năm qua FPT đã cung cấp hệ thống phần mềm cho sàn HNX, do đó họ sẽ tính toán lựa chọn giải pháp khả thi nhất, đỡ tốn thời gian nhất, là đưa core xử lý của HNX sang sàn HoSE...
Vào ngày 9/10, Bộ Tài chính đã có cuộc họp với Tập đoàn FPT để tìm ra phương án giải quyết tình trạng "nghẽn lệnh" trên HoSE. Sau đó, Bộ và FPT đều chung nhận định giải pháp áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HOSE là hoàn toàn khả thi, chỉ mất từ 3 đến 4 tháng để triển khai và hoàn thiện để có thể xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh khi giao dịch chứng khoán.
Đánh giá về tính khả thi của giải pháp trên, một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán (không muốn nêu tên) nhìn nhận dưới góc độ của một người quan sát hệ thống phần mềm do FPT triển khai vận hành tại sàn HNX cho rằng, việc áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HOSE là hoàn toàn khả thi.
Bởi suốt những năm qua FPT đã cung cấp hệ thống phần mềm cho sàn HNX do đó đồng nghĩa với việc họ đã hiểu cấu trúc khả năng và core của HNX, và theo tính toán, FPT đã lựa chọn giải pháp khả thi nhất và đỡ tốn thời gian đó là đưa core xử lý của HNX sang sàn HoSE, nhằm "thông đường" cho sàn này.
"Vấn đề của HoSE hiện nay nằm ở thứ nhất năng lực đặt lệnh, điều này đã xảy ra trong 3 tháng vừa qua, thứ hai giới hạn lệnh của HoSE đang cào bằng giữa các công ty chứng khoán (CTCK). Điều này gây ra tình trạng các CTCK dùng hết quota và có những công ty sẽ dùng không hết. Do đó, có khả năng FPT sẽ cấu trúc hệ thống này nhằm mục đích tối ưu hóa khả năng xử lý của hệ thống"- vị chuyên gia giấu tên cho biết.
"FPT đã là một doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm sang các quốc gia khác do vậy tôi cho rằng FPT đủ mạnh tự chủ công nghệ, phần mềm cũng kinh nghiệm cho sàn chứng khoán. Do vậy, chúng ta hoàn toàn có niềm tin vào năng lực của doanh nghiệp nội, người Việt tự chủ công nghệ. 5 năm gần đây, rất nhiều doanh nghiệp nội đã cung cấp core cho các CTCK trong khi đây là công nghệ cực kỳ phức tạp, thế nên tôi tin vào năng lực của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam để hỗ trợ và cung cấp giải pháp cho sàn chứng khoán" - vị này nói thêm.
Tuy nhiên, như Tạp chí DĐDN đã đưa tin trong nhiều bài viết trước, thời gian 2 tháng theo đề xuất trước đây của ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT được đánh giá là khá lâu thì nay với thời gian 3-4 tháng, phải đến tận hết quý 2 đầu quý 3 nhà đầu tư mới có hệ thống mới để giao dịch. Như vậy sẽ khá lâu. "Tôi hi vọng với thời gian 3 tháng mà FPT đề xuất có thể hoàn thành hệ thống sớm hơn" - chuyên gia nhìn nhận.
Bên cạnh giải pháp chuyển hệ thống từ HNX sang HoSE, Bộ Tài chính cũng khuyến khích chuyển đổi giao dịch một số cổ phiếu từ HoSE sang HNX một cách tự nguyện nhằm giảm tải hệ thống giao dịch của sàn chứng khoán TP HCM.
Tiên phong cho xu hướng "chuyển sàn ngược", mới đây, Tập đoàn PAN cùng 7 công ty thành viên gồm Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC), Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (HoSE: NSC), Giống cây trồng Miền Nam (HoSE: SSC), Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (HoSE: ABT), Bibica (HoSE: BBC), Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (Lafooco, HoSE: LAF) và Khử trùng Việt Nam (HoSE: VFG) hiện đang niêm yết tại HoSE, cho biết sẽ chuyển ra giao dịch tại HNX.
"Hy vọng ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT (HoSE: FPT) nói và sẽ quyết tâm làm được để vài tháng nữa PAN cùng 7 công ty thành viên sẽ sớm quay trở lại giao dịch trên HoSE ở trạng thái "bình thường mới" trong năm 2021", CEO PAN Nguyễn Thị Trà My kỳ vọng.
"Với việc chuyển sàn của các doanh nghiệp từ HoSE sang HNX đây cũng được xem là giải pháp hữu hiệu và không ảnh hưởng đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trong khi với các giải pháp tình thế trước đây, các nhà đầu tư nhỏ lẻ chịu tác động rất nhiều và không phù hợp" - vị chuyên gia chứng khoán đánh giá.
Dĩ nhiên, chuyên gia và doanh nghiệp trong tình thế này hẳn không còn lựa chọn hoặc tính toán chi phí chuyển sàn "ngoài kế hoạch", bao gồm cả chi phí cơ hội của quãng thời gian hủy niêm yết, nộp hồ sơ lên sàn mới theo đúng quy định.
Ngoài ra, còn một vướng mắc trên hệ thống HoSE là muốn sửa lệnh buộc nhà đầu tư phải hủy lệnh giao dịch trước đó. Cơ chế này gây ra áp lực quá tải cho hệ thống, bởi chỉ muốn sửa lệnh mà nhà đầu tư sẽ phải dùng tới 3 lệnh: hủy lệnh, sửa lệnh, đặt lệnh mới.
"Trong khi sàn HNX khi muốn sửa lệnh có thể sửa trực tiếp trên giá và khối lượng lệnh đó thay vì phải hủy lệnh như trên HoSE. Do vậy tôi hy vọng khi FPT hỗ trợ hệ thống giao dịch cho HoSE có thể sửa đổi để việc sửa lệnh dễ dàng như trên HNX thì có thể giảm tải tương đối lệnh xử lý của hệ thống", ông nói thêm.
Nếu theo hướng đó, vị chuyên gia cho rằng áp lực tải của HNX không phải là vấn đề rủi ro. Nhưng hiện vẫn chưa rõ FPT sẽ xử lý nghẽn lệnh trên HoSE theo hướng nào bởi lý thuyết thì có thể được khi HNX tuyên bố có thể xử lý 20-30 triệu lệnh. Chỉ có điều hiệu quả xử lý khối lượng lệnh khổng lồ này của HNX, lại chưa được kiểm chứng trong thực tế.
Có thể bạn quan tâm
2 tháng để lập hệ thống giao dịch mới trên HoSE có khả thi?
06:00, 09/03/2021
Nâng lô cổ phiếu giao dịch trên HoSE lên 1.000/lệnh, nhà đầu tư “dậy sóng”
11:00, 03/03/2021
Ông Lê Hải Trà được bổ nhiệm Tổng Giám đốc HoSE, nhà đầu tư "réo lại" phát ngôn gây sốc
06:00, 28/02/2021
HOSE mãn tính "nghẽn lệnh", nhà đầu tư không biết kêu ai...
11:10, 25/02/2021