Áp lực chốt lời dìm VN-Index
Thanh khoản thị trường tiếp tục tăng so với tuần trước, đưa tháng 11 trở thành tháng có mức thanh khoản kỷ lục, nhưng xu hướng ngắn hạn của thị trường chung đã bị hạ từ mức trung tính xuống giảm...
>>> Thị trường chứng khoán còn cơ hội hồi phục?
Đóng cửa thị trường trong phiên ngày 22/11, thị trường hồi phục nhưng diễn biến khá giằng co và phân hóa. Điều này khiến chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 0,35% dừng tại 1.447,25 điểm mặc dù tăng giá trong phiên, chỉ số HNX-Index giảm 2,06%; trong khi UPCoM-Index tương tự giảm 1,13%. Giá trị giao dịch khớp lệnh duy trì ở mức cao với 42.169 tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Nhóm Ngân hàng tiếp tục diễn biến tích cực đã giúp chỉ số VN30-Index đi ngược thị trường chung với mức tăng. Có thể kể tên như TPB (+6,9%), STB (+3,2%), CTG (+5,2%), MBB (+3,2%), VCB (+1,8%), BID (+2,6%). Ngược lại, các mã vốn hóa lớn khác như GVR (-5,6%), GAS (-3,7%), KDH (-6,3%), PLX (-5,9%), POW (-6,5%)… điều chỉnh mạnh.
Áp lực bán được đẩy mạnh ở nhóm bất động sản với KBC (-7%), SCR, DIG, IJC, NLG, KHG, giảm hết biên độ và dư sàn khá lớn.
Nhận định xu hướng thị trường trong ngắn hạn, CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi phục và chỉ số VN-Index có thể giằng co quanh ngưỡng 1.453 điểm. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy cho nên dòng tiền có thể sẽ tiếp tục phân hóa, nghĩa là dòng tiền có thể sẽ dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, YSVN tiếp tục đánh giá rủi ro ngắn hạn ở mức cao.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung bị hạ từ mức trung tính xuống giảm. “Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục giảm dần tỷ trọng cổ phiếu và cơ cấu lại danh mục ngắn hạn. Đồng thời, các nhà đầu tư ngắn hạn chưa nên mua vào ở giai đoạn này”, chuyên gia YSVN khuyến nghị.
CTCK KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, vùng hỗ trợ của VN-Index gần quanh 1.43x điểm đã cho những phản ứng tích cực cùng với sự tiết giảm của áp lực cung giá thấp đã giúp chỉ số có nhịp hồi phục trong phiên, lấy lại trạng thái cân bằng hơn. Mặc dù vậy, diễn biến sớm đảo chiều giảm điểm gối đầu đã được cảnh báo và rủi ro mở rộng thêm nhịp điều chỉnh vẫn đang đứng ở mức cao trước khi chỉ số có cơ hội hồi phục trở lại tại vùng hỗ trợ quanh 1.420 (+-5) điểm, tương ứng với vùng đỉnh đầu tháng 7. “Sau khi hạ tỷ trọng trong nhịp hồi phục, nhà đầu tư có thể linh hoạt mở lại một phần vị thế trading khi VN-Index quay xuống vùng hỗ trợ đã đề cập”, chuyên gia KBSV khuyến nghị.
>>> Cảnh báo "bong bóng" chứng khoán: Doanh nghiệp càng lỗ, giá cổ phiếu càng tăng
CTCK MB (MBS) cho biết, thị trường trong nước điều chỉnh sang phiên thứ 3 liên tiếp dưới áp lực chốt lời trên diện rộng từ nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong đó có nhóm cổ phiếu bất động sản. Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu Bluechips cũng như nhóm VN30 có phiên phục rồi rõ nét nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Thanh khoản thị trường tiếp tục tăng so với tuần trước, đưa tháng 11 trở thành tháng có mức thanh khoản kỷ lục.
Áp lực chốt lời từ nhóm cổ phiếu đầu cơ ngày càng rõ nét, đây cũng là phiên giảm thứ 2 liên tiếp của nhóm cổ phiếu midcap và smallcap từ đỉnh cao mới. Dòng tiền đang hướng về nhóm cổ phiếu ngân hàng dứt khoát và mạnh mẽ. Do vậy, chỉ số VN30 có khả năng sẽ vượt đỉnh tháng 11 nhờ lực đẩy từ nhóm cổ phiếu ngân hàng trong bối cảnh thanh khoản tăng dần. Nhìn chung, thị trường vẫn chịu áp lực điều chỉnh khi dòng tiền đang có sự cơ cấu lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng có nhiều cơ hội trong lúc này sau khoảng thời gian tích lũy hơn 3 tháng vừa qua. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu thuộc các nhóm dầu khí, bất động sản (bao gồm cả bất động sản khu công nghiệp) đã giảm sâu trong những phiên vừa qua cũng sẽ nhận được dòng tiền bắt đáy.
CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng, nhóm Ngân hàng tiếp tục hỗ trợ VN-Index nhưng vẫn chưa thể giúp chỉ số giữ được sắc xanh khi kết thúc phiên 22/11. Thanh khoản khớp lệnh giảm so với phiên trước nhưng vẫn ở mức cao, cho thấy áp lực chốt lời vẫn đang hiện hữu.
VDSC nhận thấy diễn biến thị trường đang có sự phân hóa mạnh và rủi ro đang dồn về phía các cổ phiếu tăng nóng trong thời gian qua bất chấp yếu tố cơ bản. Mặc dù VN-Index vẫn trong tình trạng suy yếu nhưng với động lực hỗ trợ của một số cổ phiếu có vốn hóa lớn, có khả năng quá trình thăm dò của VN-Index vẫn chưa kết thúc và có thêm phiên giao dịch kiểm tra cung cầu trước cản 1.465 điểm. Do vậy, nhà đầu tư vẫn nên chờ đánh giá lại trạng thái thị trường. Tuy nhiên, vẫn nên tránh các cổ phiếu đã tăng nóng bất chấp yếu tố cơ bản; đối với các cổ phiếu chưa tăng nóng nhưng có áp lực bán lớn thì cũng nên xem xét giảm tỷ trọng khi có nhịp hồi phục, nhằm thu hồi tiền mặt và dự phòng rủi ro cho danh mục.
Sau khi chỉ số VN-Index giảm điểm phá ngưỡng hỗ trợ 1.452 điểm , chỉ số VN-Index đã có phiên hồi phục nhưng vẫn không thể đứng vững trên vùng này và đang có dấu hiệu suy yếu. Các chỉ báo kỹ thuật như ADX và RSI đang có tín hiệu điều chỉnh. Như vậy, nếu vùng 1.438-1.440 điểm sẽ là điểm chặn dưới của chỉ số VN-Index không thể giữ được, chỉ số VN-Index sẽ bắt đầu chu kỳ giảm ngắn hạn. Tuy nhiên, theo VDSC, họ nhận thấy chỉ số VN-Index chưa đi vào vùng nguy hiểm và sẽ có nhịp hồi nhẹ về lại vùng 1.450 -1.452 và tạm sideway tại đây.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường chứng khoán còn cơ hội hồi phục?
04:50, 19/11/2021
Cảnh báo "bong bóng" chứng khoán: Doanh nghiệp càng lỗ, giá cổ phiếu càng tăng
11:00, 18/11/2021
Cảnh báo "bong bóng" chứng khoán: Rủi ro lớn từ nhóm cổ phiếu đầu cơ
10:55, 18/11/2021
Thị trường chứng khoán đối diện phiên điều chỉnh
04:40, 18/11/2021