Cảnh báo "bong bóng" chứng khoán: Doanh nghiệp càng lỗ, giá cổ phiếu càng tăng

ĐÌNH ĐẠI 18/11/2021 11:00

Giá cổ phiếu thường tỉ lệ thuận với sức khỏe doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện nhiều trường hợp giá cổ phiếu tăng cao bất chấp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, dòng tiền kinh doanh âm.

>>> Cảnh báo "bong bóng" chứng khoán: Nhìn lại những lần lao dốc trong quá khứ

Điển hình cho nhóm cổ phiếu này phải kể đến là cổ phiếu của Công ty CP Quốc tế Hoàng Gia (HoSE: RIC). Nếu như hồi đầu năm, cổ phiếu RIC chỉ có thị giá 5.000 đồng/cổ phiếu, nhưng không hiểu vì lý do gì, cổ phiếu này bất ngờ “nổi sóng” với hơn 30 phiên tăng trần liên tiếp, đưa thị giá cổ phiếu lên “đỉnh” với mức giá trên 46.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 4/3, tăng đến 820%. Ngay sau đó, cổ phiếu này cũng đã quay đầu giảm sốc, với 15 phiên giảm sàn liên tiếp, đưa thị giá cổ phiếu về mức 15.700 đồng/cổ phiếu (ngày 25/3).

Mặc dù kinh doanh bết bát, liên tục thua lỗ nhiều năm liền, nhưng cổ phiếu RIC liên tục làm

Mặc dù kinh doanh bết bát, liên tục thua lỗ nhiều năm liền, nhưng cổ phiếu RIC liên tục làm "dậy sóng" thị trường với nhiều đợt tăng trần liên tiếp.

Mặc dù sau đó, cổ phiếu này luôn "đánh đu" với các đợt tăng điểm, rồi lại giảm điểm, nhưng giá cổ phiếu của doanh nghiệp ngành đánh bạc vẫn leo ở mức cao so với nhiều năm trở về trước. Và gần đây nhất, trong một qua, cổ phiếu RIC lại đang có những phiên tăng điểm liên tiếp, với nhiều phiên tăng trần. Hiện cổ phiếu này đang giữ mức giá 23.400 đồng/cổ phiếu, chốt tại phiên giao dịch ngày 16/11. Với thị giá này, RIC cũng đang đứng trên đỉnh cao so với nội lực của chính mình.

Giới đầu tư xem RIC là một "case" kỳ lạ trên thị trường, bởi mặc dù cổ phiếu liên tục tăng sốc trên thị trường, nhưng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này thì lại khá bết bát với nhiều năm liên tục thua lỗ và kinh doanh dưới giá vốn.

Cụ thể,  trong quý III/2021, RIC ghi nhận doanh thu thuần đạt 12,62 tỷ đồng, giảm 63,4% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế âm 25,1 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 17,07 tỷ đồng.

Trong đó, lợi nhuận gộp ghi nhận âm 15,5 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 4,04 tỷ đồng, tức giảm tới 11,46 tỷ đồng so với cùng kỳ; chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 24,3% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 2,95 tỷ đồng về 9,19 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (Lợi nhuận gộp - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý III/2021, Công ty tiếp tục ghi nhận lợi nhuận giảm thêm 8,51 tỷ đồng so với cùng kỳ về âm 24,69 tỷ đồng và tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, RIC ghi nhận doanh thu đạt 76,23 tỷ đồng, giảm 19,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế âm 69,96 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 71,35 tỷ đồng. Như vậy, cùng với việc ghi nhận lỗ 9 tháng đầu năm, lỗ lũy kế của công ty tới lên tới 379,8 tỷ đồng, bằng 54% vốn điều lệ.

Trước đó, công ty đã trải qua hai năm lỗ liên tiếp. Cụ thể, năm 2019 lỗ 72,8 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 81,54 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm lỗ 69,96 tỷ đồng. Nếu RIC tiếp tục lỗ trong quý còn lại của năm, hoặc lãi thấp hơn 69,96 tỷ đồng, điều này sẽ dẫn tới công ty lỗ 3 năm liên tiếp và có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc.

[Cảnh báo "bong bóng" chứng khoán, bất động sản: Làm sao để không phát nổ?]

Tương tự, Cổ phiếu của Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (HoSE: DIC) cũng đang có đà tăng trưởng khá ấn tượng, từ đầu tháng 10 đến nay, cổ phiếu DIC đã tăng 123% từ vùng giá 30.700 đồng/cổ phiếu (ngày 1/10), lên vùng giá 67.000 đồng/cổ phiếu (ngày 16/11). Trong tuần qua, cổ phiếu DIC cũng đã có 3 phiên tăng trần liên tiếp, trước khi quay đầu giảm điểm trong 2 phiên gần đây.

Cổ phiếu DIC tăng trưởng 123% từ đầu tháng 10, trong khi nhiều dự án dính thanh tra, lùm xùm và kết quả kinh doanh thua lỗ.

Cổ phiếu DIC tăng trưởng 123% từ đầu tháng 10, trong khi nhiều dự án dính thanh tra, lùm xùm và kết quả kinh doanh thua lỗ.

Cũng giống như đối với cổ phiếu RIC, cổ phiếu DIC tăng giá ấn tượng trong bối cảnh nhiều dự án của doanh nghiệp này bị dính thanh tra và kết quả kinh doanh cũng không mấy khả quan, cùng với dòng tiền kinh doanh âm. Cụ thể, trong quý III/2021, doanh thu và lãi ròng trong quý của DIC lần lượt đạt 539 tỷ đồng và 43,3 tỷ đồng, giảm 67,5% và 68,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, DIC ghi nhận khoản lỗ 16,5 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết (trong khi cùng kỳ lỗ hơn 200 triệu đồng). Tính đến hết tháng 9, DIC có 5 công ty liên doanh, liên kết với tổng giá trị trên sổ sách hơn 196 tỷ đồng. Ngoài ra. các chi phí trong kỳ đều ghi nhận giảm trên 50%.

Trong năm 2021, DIG đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất là 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.444 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, với lợi nhuận trước thuế đạt 183,5 tỷ đồng, công ty mới hoàn thành được 12,7% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tổng tài sản của doanh nghiệp tính đến cuối quý III năm nay trên 13.917 tỷ đồng, tăng gần 18% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn và dài hạn gần 5.659 tỷ đồng, hàng tồn kho gần 4.296 tỷ đồng.

Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính của DIG âm 263,5 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 67,86 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 2.184 tỷ đồng, chủ yếu dòng tiền tài chính tăng do công ty tăng vay nợ và phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn.

Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm, DIG đã tăng vay nợ ngắn hạn và dài hạn thêm 1.814 tỷ đồng, tương ứng tăng thêm 119,8% so với đầu năm lên 3.329 tỷ đồng và chiếm 23,9% tổng nguồn vốn.

Một cổ phiếu khác của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (HoSE: CII), cũng đang có chuỗi tăng trưởng ấn tượng kể từ giữa tháng 10, đưa cổ phiếu CII lên vùng giá 30.600 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong vòng 3 năm qua.

Mặc dù không bị lỗ như DIC và RIC, nhưng doanh nghiệp ngành hạ tầng của TP.HCM cũng có kết quả kinh doanh sụt giảm cả về doanh thu lẫn lợi nhuận. Cụ thể, trong quý III/2021, CII ghi nhận doanh thu đạt gần 259 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 10,65 tỷ đồng, lần lượt giảm 85,8% và 86,9% so với cùng kỳ.

Cổ phiếu của doanh nghiệp ngành hạ tầng TP.HCM cũng tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua, trong khi kết quả kinh doanh sụt giảm cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.

Cổ phiếu của doanh nghiệp ngành hạ tầng TP.HCM cũng tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua, trong khi kết quả kinh doanh sụt giảm cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (Lợi nhuận gộp – chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp), trong quý III/2021, lợi nhuận cốt lõi âm 50,15 tỷ đồng, tức giảm 167,24 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, CII ghi nhận doanh thu đạt 2.223 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 126 tỷ đồng, lần lượt giảm 24,6% và 72,7% so với cùng kỳ.

Trong đó, đặc biệt công ty có ghi nhận doanh thu tài chính đột biến từ chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư là 370 tỷ đồng so với cùng kỳ không có.

Năm 2021, CII đặt kế hoạch doanh thu là 6.700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 615 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, với lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 34,08 tỷ đồng, công ty mới hoàn thành 5,5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm 2021, dòng tiền kinh doanh chính tiếp tục âm hơn 1.083 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 1.484 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư cũng âm hơn 192 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 1.055 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm, công ty tiếp tục tăng vay nợ để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh chính liên tục âm kéo dài.

Lý giải cho hiện tượng doanh nghiệp càng lỗ thì cổ phiếu lại càng tăng, giới chuyên gia cho rằng, hiện nay dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán đang rất lớn, nhưng có đến 90% là đến từ các nhà đầu tư cá nhân, với hơn 100.000 tài khoản mới được mở mỗi tháng (nhà đầu tư F0).

Các nhà đầu tư mới, nhỏ lẻ khi tham gia vào thị trường, họ thường không để ý đến báo cáo tài chính, cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, lại càng không “với” được đến những cổ phiếu có giá trị cao (nhóm bluechips).

“Những nhà đầu tư này chỉ đầu cơ, lướt sóng. Do đó, họ chỉ quan tâm đến việc cổ phiếu họ mua vào được, có dòng tiền, hy vọng có lời; nên những cổ phiếu thuộc hàng đầu cơ hay các penny thường có sức hút đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ, F0; thậm chí họ chỉ cần được "phím hàng" là xuống tiền bất chấp đó là doanh nghiệp có nội tại, kết quả làm ăn ra sao. Còn các nhà đầu tư lớn, các quỹ đầu tư sẽ hiếm khi mang tiền đi mua những cổ phiếu này. Bởi khi thị trường rớt các cổ phiếu đó thường mất thanh khoản và trở về nguyên giá trị thực”, một vị chuyên gia cảnh báo.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp thua lỗ còn cơ hội tăng vốn chủ sở hữu?

    Doanh nghiệp thua lỗ còn cơ hội tăng vốn chủ sở hữu?

    05:15, 18/10/2021

  • Đào tạo nhà đầu tư F0 khi tài khoản chứng khoán mở mới tăng vọt

    Đào tạo nhà đầu tư F0 khi tài khoản chứng khoán mở mới tăng vọt

    05:00, 09/10/2021

  • Mách nước cho nhà đầu tư F0

    Mách nước cho nhà đầu tư F0

    17:20, 09/06/2021

  • Phát hành cổ phiếu trả nợ, chuyện không của riêng C4G

    Phát hành cổ phiếu trả nợ, chuyện không của riêng C4G

    04:50, 16/11/2021

  • Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đối diện phiên điều chỉnh

    Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đối diện phiên điều chỉnh

    04:30, 16/11/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cảnh báo "bong bóng" chứng khoán: Doanh nghiệp càng lỗ, giá cổ phiếu càng tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO