Cảnh báo “bong bóng” chứng khoán: Thị trường đang tăng trưởng thiếu nền tảng

LÊ MỸ (thực hiện) 25/11/2021 05:00

Trao đổi với DĐDN, TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế, cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư và không thể lạc quan về thị trường trong dài hạn.

>>> Cảnh báo "bong bóng" chứng khoán: Nhìn lại những lần lao dốc trong quá khứ

Nhà đầu tư đang đua nhau mở tài khoản mới và đổ tiền

Nhà đầu tư đang đua nhau mở tài khoản mới để gia nhập thị trường

- Thưa ông, vì sao chúng ta chưa thể lạc quan về TTCK khi VN-Index vẫn đang trên các đỉnh lịch sử, và dòng tiền vẫn “ầm ầm” đổ vào thị trường?

Ở đây, chúng ta thấy có nhiều góc nhìn. Từ phía các “super trader”, họ nhận định thị trường đang tốt, được chứng minh bằng kết quả giao dịch thắng của họ và họ tin, cùng với các nhà đầu tư khác trong nhóm giao dịch của mình, thị trường sẽ còn tiếp tục tốt hơn. Không ít chuyên gia đánh giá trên quan hệ cung cầu của thị trường, cũng nhận định thị trường đang tích cực. Tôi cho rằng, các quan điểm này đều đúng, ở góc nhìn của họ.

Tuy nhiên, tôi có quan điểm khác. Thị trường đang thiếu nền tảng cơ bản. Sự tăng trưởng của TTCK đang không dựa trên nền tảng cơ bản mà dựa trên quan hệ cung-cầu, người mua ở giá cao bán ra có lời thì sẽ kỳ vọng mua vào tiếp và bán ra với người mua khác ở giá cao hơn. Thị trường nhồi đẩy khiến giá sau cao hơn giá trước, nhà đầu tư chốt lời và mua tiếp cho đến một lúc nào đó giá đã quá cao đến mức phi lý, người mua chùn tay thì sẽ xuất hiện sự dao động, bán ra. Có người bán ra thì lại sẽ có nhiều người muốn bán ra, thị trường sẽ rớt mạnh vì không có nền tảng để người mua “bắt đáy”.

Chẳng hạn, có những cổ phiếu ở tháng 3, 4 giao dịch khoảng trên dưới 10.000 đồng/cp, đến nay đã tăng 7,8 lần lên 70.000 - 80.000 đồng/cp. Vậy người mua có thể mua ở giá nào để “bắt đáy”?

Ở giai đoạn hiện nay, TTCK sẽ khó tăng thẳng đứng. Nhưng nếu nhà đầu tư vẫn phấn khích và đổ tiền mạnh vào TTCK, thì tổn thất có thể sẽ xảy ra. Nếu các nhịp điều chỉnh xuất hiện, giúp TTCK dần hạ nhiệt, nguy cơ kích nổ bong bóng sẽ giảm đi và nhà đầu tư không “mua đỉnh chờ bán đỉnh” cũng sẽ có cơ hội thoát lỗ.

Nói tóm lại, tôi cho rằng một thị trường chỉ dựa trên kỳ vọng tăng để mua, bán thì bất kỳ lúc nào cũng có thể quay đầu, và khi đến điểm quay đầu thì sẽ xuất hiện trạng thái tháo chạy và nổ bong bóng. Thiệt hại sẽ luôn thuộc về các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

- Nhiều người cũng nói đầu tư chứng khoán là đầu tư vào kỳ vọng. Liệu có cơ sở cho kỳ vọng vào tương lai khi nền kinh tế phục hồi, thưa ông?

Kỳ vọng là tương lai, nhưng phải xây từ cơ sở thực tại. Có 3 câu hỏi tạo động lực tăng trưởng tốt cho TTCK mà tôi chưa có lời giải đáp thỏa đáng, cho thấy không có nền tảng cơ bản, cơ sở thực tại.

Thứ nhất, nguyên tắc TTCK chỉ tăng khi nền kinh tế tích cực. Vậy vì sao TTCK đã tăng suốt 2 năm nay, ngược chiều nền kinh tế chịu ảnh hưởng vì COVID-19?

Thứ hai, nhiều cổ phiếu trên TTCK tăng 3, 4 lần chỉ trong vòng một năm. Việc này thường phải do doanh nghiệp có sự đột phá, thí dụ giá cổ phiếu Apple vừa tăng mạnh do công ty công bố sẽ sản xuất xe hơi điện; việc tăng giá này có lý do vì nhà đầu tư biết rằng thị trường xe hơi điện rất lớn và tin tưởng vào năng lực sáng tạo của Apple. Trong khi giá cổ phiếu của các doanh nghiệp Việt Nam tăng giá mạnh mà không thay đổi bao nhiêu chất lượng hoạt động, không có sản phẩm mới hay thị phần mới, nếu không muốn nói là có sự “co lại” trong bối cảnh đại dịch?

Thứ ba, một TTCK tích cực như chúng ta luôn đề cao thì phải thu hút được dòng vốn đầu tư bền vững, đó chính là các quỹ đầu tư gọi được vốn mới. Nhưng tại Việt Nam, thì chỉ xuất hiện dòng tiền chủ đạo của các nhà đầu tư cá nhân, và tiền vay từ margin. Điều đó cho thấy dòng tiền trên thị trường không hề bền vững.
Với 3 câu hỏi không có giải đáp này, có thể nói TTCK nếu càng tăng, rủi ro sẽ càng cao.

- Một gói kích thích kinh tế cũng là lý do để kỳ vọng chứ, thưa ông? Bởi đây sẽ là cơ hội để kinh tế, doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn và chứng khoán vẫn sẽ đóng vai trò “hàn thử biểu” đi trước?

Tôi không cho rằng Chính phủ sẽ bơm tiền cho chứng khoán và bất động sản, định hướng chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ đã rất rõ và sẽ hỗ trợ để phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, nếu đây là “đà” cho kỳ vọng thì nó chỉ là yếu tố niềm tin cho đà xuất phát, không thể giải thích được cho chuyện từ gói kích thích lớn. nếu có, mà tín dụng vào chứng khoán sẽ tăng thêm, hay tương tự.

Hơn thế, các nhà quản lý hiện tại dường như cũng đã đánh giá dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro của thị trường. Các động thái lên tiếng, kiểm tra, giám sát đến mạnh tay với hoạt động với đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, siết trái phiếu doanh nghiệp không tài sản đảm bảo, thao túng giá chứng khoán, tăng vốn ảo… của các cơ quan thuộc Bộ Tài chính cho thấy điều này. Và gần nhất là việc NHNN siết rót vốn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp  với các trường hợp cụ thể. Cơ quan quản lý chắc chắn sẽ không can thiệp thô bạo vào thị trường, phá vỡ cơ chế thị trường nhưng sẽ kiểm soát dòng tiền, không để tín dụng chảy vào và bơm thêm bong bóng chứng khoán, bất động sản.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Cảnh báo

    Cảnh báo "bong bóng" chứng khoán: Doanh nghiệp càng lỗ, giá cổ phiếu càng tăng

    11:00, 18/11/2021

  • Cảnh báo

    Cảnh báo "bong bóng" chứng khoán: Rủi ro lớn từ nhóm cổ phiếu đầu cơ

    10:55, 18/11/2021

  • Cảnh báo

    Cảnh báo "bong bóng" chứng khoán: Nhìn lại những lần lao dốc trong quá khứ

    05:30, 16/11/2021

  • Cảnh báo

    Cảnh báo "bong bóng" chứng khoán, bất động sản: Làm sao để không phát nổ?

    05:20, 16/11/2021

LÊ MỸ (thực hiện)