Chứng khoán, dầu khí đậm sắc xanh, VN-Index thêm điểm nhờ tin T+2
Phiên giao dịch hôm nay 14/7 chứng kiến sắc xanh trở lại với nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, và cả dầu khí...
Có 2 thông tin được cho là rất tích cực và tích cực, đã nâng đỡ thị trường chứng khoán trong phiên hôm nay.
>>> VN-Index lùi sâu 16 điểm, VN30 la liệt mã nằm sàn
Thứ nhất, thông tin Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã trình Ủy ban Chứng khoán Nhà xem xét và phê duyệt thời gian bắt đầu áp dụng rút ngắn thời gian thanh toán chứng khoán T+3 về T+2 từ ngày 29/8 tới đây. Theo đó, đây là tin tích cực có ý nghĩa cải thiện giao dịch và thanh khoản cho thị trường, phần nào đã tác động tích cực đến cổ phiếu chứng khoán. Loạt nhóm cổ phiếu chứng khoán tăng mạnh với SSI tăng 3,86%, VND tăng 4,32%, VIX tăng 5,21%, còn nhóm VCI, HCM, FTS, AGR, CTS, VDS đều đồng loạt tăng kịch trần, phản ánh tâm lý đón nhận tích cực này.
Thứ hai, một thông tin cũng được cho là tích cực với nhóm chứng khoán và thị trường chứng khoán, đến từ kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng vừa được Vụ Dự báo thống kê Ngân hàng Nhà nước thực hiện, cho biết thời gian tới, các tổ chức tín dụng dự kiến sẽ giảm bớt thắt chặt những điều kiện và điều khoản cho vay đối với một số lĩnh vực như đầu tư chứng khoán, bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm.
Bên cạnh đó, nhóm bất động sản cũng có sự thăng hoa khác hẳn với các phiên trước khi VIC bị bán tháo khiến tài sản tính trên vốn hóa thị trường của tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng bay hơi hàng trăm tỷ chỉ vì tin đồn. Tuy nhiên, phiên hôm nay, VIC và VHM vẫn trong nhóm trụ bất động sản đứng giá gồm cả DXS, SJC, LGC và LBC, nhưng một loạt cổ phiếu khác đều tăng mạnh như BCM tăng 4,26%, KDH tăng 4,1%, IJC tăng 3,71%, DIG tăng 1,92%, NLG tăng 2,7%, SZC tăng 2,39%, CII tăng 3,23%... đã góp phần cộng điểm cho thị trường.
Dòng ngân hàng không quá khởi sắc trong phiên hôm nay nhưng có đóng góp nhất định trong thu hút dòng tiền với STB hút giao dịch 27,8 tỷ đồng, CTG đạt 25,6 tỷ đồng, BID 10,7 tỷ đồng... Đây cũng là những mã đóng cửa trong sắc xanh. Trong khi đó, một số mã ngân hàng hứng sắc đỏ, kết phiên ảm đạm như BVH giảm 0,17%, TCB giảm 0,42%...
Mặc dù chịu áp lực điều chỉnh, HPG và VNM được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng lần lượt 19,5 tỷ và 15,6 tỷ đồng. Dòng tiền của khối ngoại trong phiên này nhập cuộc mạnh mẽ vào MWG với 55 tỷ đồng trong hơn 146 tỷ đồng giá trị cổ phiếu và chứng chỉ quỹ khối ngoại đã mua ròng. Ở chiều bán, khối ngoại đã bán ròng HDB trên sàn HoSE với 18,3 tỷ đồng giá trị rút ròng. Khối này cũng rút ròng khỏi nhiều mã chứng khoán top của nhóm ngành.
Kết thúc phiên, thanh khoản thị trường ghi nhận sự cải thiện nhẹ với tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt gần 13.044 tỷ đồng, tương đương hơn 644 triệu cổ phiếu được mua bán. Tính riêng trên HoSE thì thanh khoản đạt 10.968 tỷ đồng.
VN-Index đóng cửa ở mốc 1.182,17 điểm, tăng hơn 8 điểm so với phiên trước đó. HNX-Index tăng 3,39 điểm (1,2%) đạt 284,75 điểm, UPCoM-Index tăng 0,1 điểm (0,11%) đạt 87,19 điểm.
Một tín hiệu cho thấy sự hồi phục tích cực của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ nhanh hơn nhóm vốn hóa lớn và thị trường có thể thoát điều chỉnh, là sự bừng sáng của nhóm dầu khí trong khi giá dầu trên thị trường quốc tế vẫn đang giằng co.
Trong phiên giao dịch sáng hôm nay theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchange, cả dầu WTI và dầu Brent giao tháng 9/2022 đã lùi về ngưỡng dưới 100 USD/ thùng. Giá dầu giảm nhẹ bất chấp việc Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2022 tăng cao ở kỷ lục mới 9,1% báo hiệu một đợt điều chỉnh lãi suất mạnh tay kế tiếp, cho thấy dự báo về điều chỉnh nhu cầu dự trữ năng lượng của nhiều nền kinh tế lớn theo hướng giảm. Tuy vậy giá dầu vẫn là ẩn số khi an ninh năng lượng tại khu vực eurozone chưa có gì chắc chắn và tỷ giá EUR/ USD lần đầu tiên trong nhiều năm đã về mức gần như ngang bằng nhau. Theo đó, cổ phiếu năng lượng và dầu khí của thị trường chứng khoán Việt Nam, theo giới chuyên môn, vẫn chỉ là đợt phục hồi ngắn hạn và có tính đầu cơ.
Trong ngắn hạn, nhận định về thị trường, CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và đi ngang gần đường trung bình 20 phiên (tức là mức 1.190 điểm) trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu giảm dần và dòng tiền vẫn tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. "Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tín. Do đó, trên quan điểm thận trọng, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường. Đồng thời, nếu nhà đầu tư ngắn hạn chấp nhận rủi ro cao thì có thể xem xét mua mới với tỷ trọng thấp", Yuanta Việt Nam khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Nghị quyết 86/NQ-CP: Đưa thị trường chứng khoán về đúng vị thế vốn có
04:00, 13/07/2022
Áp dụng IFRS: Điều kiện tiên quyết để nâng hạng thị trường chứng khoán
15:30, 12/07/2022
Chứng khoán phái sinh thu hút dòng tiền của nhà đầu tư
05:01, 08/07/2022
Làm gì để đạt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán trước 2025?
04:50, 05/07/2022