Việc tăng cường các biện pháp chế tài, xử phạt nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm, Nghị quyết số 86/NQ-CP năm 2022 được kỳ vọng sẽ đưa thị trường chứng khoán về đúng vị thế vốn có…
>> Áp dụng IFRS: Điều kiện tiên quyết để nâng hạng thị trường chứng khoán
Ngày 11/7, Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, bên cạnh mục tiêu đến hết năm 2025, phấn đấu quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP. Đẩy mạnh hiện đại hóa công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát thị trường chứng khoán; phấn đấu nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng dưới 3%.
Nghị quyết này cũng đưa ra nhiều quy định nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển thị trường vốn an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động tối đa các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Các chuyên gia cho rằng, Nghị quyết không chỉ bám sát thực tế phát triển mà còn giúp thị trường chứng khoán sớm lấy lại niềm tin, vị thế sau hàng loạt các vụ việc tiêu cực, bê bối thời gian qua bằng việc tăng cường các biện pháp giám sát, chế tài xử phạt nghiêm minh với các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán, đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững.
Thực tế, để bảo vệ nhà đầu tư, khôi phục niềm tin của thị trường, trong Nghị quyết số 86/NQ-CP, Chính phủ giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an và các cơ quan có liên quan theo chức năng và nhiệm vụ được giao, chủ động theo dõi sát diễn biến của thị trường vốn, thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế để chủ động, kịp thời thực hiện biện pháp ổn định thị trường; phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, qua đó tạo điều kiện ổn định, phát triển bền vững thị trường chứng khoán, tiền tệ, tín dụng; nghiên cứu đề xuất các giải pháp khuyến khích sự phát triển của nhà đầu tư là tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp, và thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường.
Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu các Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam rà soát các quy trình, quy chế liên quan đến hoạt động chứng khoán và hoạt động nghiệp vụ của các Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam; đảm bảo thị trường hoạt động thông suốt và đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ số, khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài; rà soát văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành theo thẩm quyền.
Khẩn trương hoàn thiện và phát triển nền tảng cơ sở hạ tầng hiện đại để thúc đẩy thị trường trái phiếu lành mạnh bền vững, thúc đẩy hoạt động xếp hạng tín nhiệm. Chấn chỉnh và tăng cường kiểm tra giám sát đối với các hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, bao gồm các công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm và thẩm định giá…
>> Chứng khoán Mỹ biến động mạnh, tiền ảo lên giá cuối tuần
Bên cạnh đó, để xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán và tiền tệ, Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, tăng cường chất lượng hiệu quả công tác thanh tra, giám sát để hạn chế tình trạng sử dụng vốn vay không đúng mục đích, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đồng thời giám sát việc cấp tín dụng, đầu tư, huy động vốn trong hoạt động ngân hàng và cung cấp dịch vụ trên thị trường vốn của các tổ chức tín dụng, kịp thời cảnh báo sớm và có biện pháp xử lý theo quy định, hạn chế xảy ra rủi ro, mất an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán và tiền tệ, lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, bảo đảm thị trường chứng khoán minh bạch, ổn định, an toàn, bền vững, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế.
Chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng điều tra, xác minh để xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm đúng người, đúng tội theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm thị trường chứng khoán minh bạch, ổn định, an toàn, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi đưa tin sai lệch, không chính xác gây mất an ninh, an toàn thị trường. Kịp thời thông tin tình hình xử lý để đảm bảo ổn định thị trường…
Trước đó, đánh giá về thị trường chứng khoán, các chuyên gia và nhà quản lý đều khẳng định, đây kênh dẫn vốn trung, dài hạn hiệu quả, việc xử lý nghiêm các sai phạm vừa qua là điều đáng mừng để thị trường sớm được lành mạnh hóa và phát triển bền vững.
Và Nghị quyết số 86/NQ-CP năm 2022 được ban hành trong giai đoạn hiện nay, với định hướng, chế tài rõ ràng,… dư luận kỳ vọng, đây sẽ là động lực để đưa thị trường chứng khoán về đúng vị thế vốn có.
Có thể bạn quan tâm
Áp dụng IFRS: Điều kiện tiên quyết để nâng hạng thị trường chứng khoán
15:30, 12/07/2022
Chứng khoán Mỹ biến động mạnh, tiền ảo lên giá cuối tuần
04:30, 10/07/2022
Chứng khoán phái sinh thu hút dòng tiền của nhà đầu tư
05:01, 08/07/2022
Làm gì để đạt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán trước 2025?
04:50, 05/07/2022
“Mỏ vàng” chứng khoán
16:55, 04/07/2022