Với mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán trước 2025, cơ quan quản lý Nhà nước đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc theo các tiêu chí chung mà MSCI, FTSE Russell đề ra.
>>“Mỏ vàng” chứng khoán
Trong thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng, từ năm 2018 đến 2022, VN-Index vẫn ở mức 1.200 điểm, liệu kế hoạch nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) năm nay có khả thi không trong bối cảnh còn diễn biến phức tạp, đồng thời dự kiến thời gian nâng hạng là khi nào?
Trả lời về vấn đề này, Bộ Tài chính khẳng định, nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) là một trong những mục tiêu lớn đang hướng tới. Mục tiêu này đã được đưa vào Đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” cùng dự thảo Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam hướng đến nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025.
Mặc dù nhiều ý kiến chuyên gia đều bày tỏ sự tin tưởng vào việc TTCK Việt Nam sẽ được nâng hạng, nhưng phải nhấn mạnh rằng, việc nâng hạng thị trường không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý ở bất kỳ TTCK nào trên thế giới, bởi vì việc đánh giá, phân loại và xếp hạng thị trường của các tổ chức xếp hạng như MSCI, hay FTSE đều phải tuân theo các nguyên tắc, quy trình và tiêu chí đánh giá của các tổ chức này.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, cơ quan quản lý đã, đang nỗ lực và đặt quyết tâm cao để thúc đẩy, rút ngắn lộ trình được nâng hạng của TTCK Việt Nam, được thể hiện qua một số kết quả sau đây:
Thứ nhất, về khuôn khổ pháp lý, Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 đã từng bước đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường, bao gồm: tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư; tiếp cận thông tin; đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư; bù trừ và thanh toán trên TTCK; tăng cường đưa vào thị trường các công cụ tài chính mới để đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư.
Thứ hai, về các hoạt động thực tiễn: Cơ quan quản lý thường xuyên trao đổi với MSCI và FTSE Russell nhằm cập nhật thông tin thực tế để các tổ chức nắm bắt chính xác, cũng như cùng rõ các các yêu cầu, tiêu chí từ các tổ chức, từ đó có các giải pháp sửa đổi, hoàn thiện. Hiện nay, dựa trên các tiêu chí mà các tổ chức xếp hạng yêu cầu, Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí quan trọng, song vẫn còn nhiều tiêu chí cần có quyết tâm chung, sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn giúp thị trường sớm được nâng hạng trong thời gian tới.
>>Nâng hạng thị trường chứng khoán: Cần có nhiều sản phẩm cho nhà đầu tư
Nhiều khó khăn phải tháo gỡ
Đưa ra các giải pháp tiếp tục triển khai trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết, để đảm bảo sự kết nối thông suốt với các tổ chức xếp hạng, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tích cực trao đổi, thảo luận với các bên liên quan về các chính sách, thực tiễn thị trường và các giải pháp liên quan. Mới đây nhất, ngày 24/6 vừa qua, UBCKNN cũng đã thêm buổi làm việc với Ngân hàng Thế giới và FTSE Russell để tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về nâng hạng TTCK.
Bên cạnh đó, UBCKNN sẽ chủ động trao đổi với các cơ quan bộ ngành, hiệp hội, thành viên thị trường và các nhà đầu tư, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm tháo gỡ các vấn đề rất quan trọng liên quan nhằm được nâng hạng như: tỷ lệ sở hữu nước ngoài hay một số quy định trên thị trường ngoại hối,… Đồng thời tiếp tục phối hợp với các cơ quan để xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư 2020, đặc biệt là các nội dung về ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; tăng cường công khai, minh bạch về tỷ lệ sở hữu nước ngoài để nhà đầu tư tiếp cận thông tin đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời; nghiên cứu và đưa chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) vào thị trường giao dịch.
Ngoài ra, tập trung hoàn thiện, vận hành hệ thông công nghệ thông tin mới cho TTCK; từ đó có nền tảng hạ tầng để phát triển, đa dạng hóa và gia tăng chất lượng các sản phẩm trên TTCK để thu hút nhà đầu tư nước ngoài và cơ sở hạ tầng liên quan; tăng cường quản trị công ty, công bố thông tin về môi trường - xã hội - quản trị (ESG) để gia tăng chất lượng cổ phiếu; nghiên cứu phát triển các sản phẩm liên quan đến nội dung xanh và phát triển bền vững. Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, tiết kiệm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư trên TTCK.
"Hiện nay, các quy định hiện hành đã được sửa đổi theo hướng giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng cường áp dụng công nghệ trên thị trường, theo đó, một trong những điểm nổi bật là cho phép đăng ký mã số giao dịch trực tuyến. Mới đây nhất, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cũng đã lấy ý kiến về dự thảo quy chế thay thế Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán và quy chế thành viên lưu ký. Dự kiến trong tháng 8 tới, thời gian thanh toán, bù trừ chứng khoán sẽ được rút gắn, nhà đầu tư có thể được giao dịch ngay trong chiều ngày T+2.
Về thời gian nâng hạng theo lộ trình đã đề ra, Chính phủ đặt mục tiêu là tới năm 2025, thị trường sẽ được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi. Như đã chia sẻ ở trên, mặc dù việc nâng hạng phụ thuộc lớn vào quyết định của các các tổ chức xếp hạng, tuy nhiên, cơ quan quản lý đang nỗ lực cao nhất phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, tổ chức liên quan để chủ động tháo gỡ các vướng mắc theo các tiêu chí chung mà các MSCI, FTSE Russell đề ra, hỗ trợ TTCK Việt Nam sớm được nâng hạng”, Bộ Tài chính thông tin.
TS. Phạm Thành Đạt, Viện Ngân hàng Tài chính, ĐH Kinh tế Quốc dân phân tích, thách thức về nâng hạng TTCK đã được đặt ra từ lâu, song hiện tại hai tổ chức xếp hạng thị trường quan trọng nhất là MSCI và FTSE Russel vẫn đang phân loại Việt Nam ở nhóm cận biên, trong khi các thị trường lân cận như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines đã thuộc nhóm các thị trường mới nổi nhiều năm.
Có rất nhiều nguyên nhân đang cản trở quá trình nâng hạng của Việt Nam. Chẳng hạn như hệ thống vận hành của thị trường vẫn chưa hoàn toàn hoàn thiện, ảnh hưởng đến niềm tin vào thị trường.
Tiếp đó là việc quy mô thị trường còn hạn chế do tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước còn quá chậm. Số lượng các sản phẩm trên thị trường còn ít, lại chưa đủ đa dạng. Tính minh bạch, chuyên nghiệp chưa cao, chế tài chưa thì đủ sức răn đe; ngoài ra số lượng nhà đầu tư có kiến thức chiểm tỉ trọng thấp, cho nên nền tảng nhà đầu tư chưa bền vững...
Đặc biệt, độ mở của TTCK Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài còn thấp, quyền lợi nhà đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng khi các văn bản thiếu song ngữ, thiếu mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối, đăng ký mở tài khoản còn cần sự chấp thuận của VSD, thanh toán bù trừ không có thấu chi và ứng trước tiền. Nếu muốn nâng hạng lên thị trường mới nổi, thì các Sở Giao dịch Chứng khoán cần sớm thực hiện công bố thông tin bằng hình thức song ngữ.
Còn về yếu tố thanh toán bù trừ, việc xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM trong năm trước đã hoàn tất và nhiều khả năng việc giao dịch T+0 sẽ sớm được đưa vào áp dụng trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 02/07/2022
16:00, 01/07/2022
06:45, 01/07/2022
08:00, 18/05/2022
05:30, 26/04/2022
05:30, 25/04/2022