Kinh tế thế giới

Thỏa thuận thuế quan của Mỹ sẽ định hình lại thương mại châu Á?

Cẩm Anh 25/07/2025 03:20

Mỹ vẫn đang xem xét một loạt các mức thuế quan theo ngành đối với các mặt hàng rất quan trọng của các nền kinh tế châu Á như chất bán dẫn và dược phẩm.

Ảnh màn hình 2025-07-24 lúc 16.28.35
Việc vận chuyển hàng hóa từ châu Á sang Mỹ trước để đón đầu mức thuế mới có thể sẽ chậm lại khi mức thuế mới có hiệu lực. ẢNH: REUTERS

Sau nhiều tháng bất ổn, các thỏa thuận thuế quan mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang dần định hình rõ ràng một bức tranh thương mại mới cho châu Á - khu vực sản xuất lớn nhất thế giới.

Vào thứ Ba vừa qua, ông Trump công bố một thỏa thuận với Nhật Bản, ấn định mức thuế 15% đối với hàng nhập khẩu từ nước này, bao gồm cả ô tô, mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thâm hụt thương mại giữa hai nước.

Một thỏa thuận riêng với Philippines cũng đặt mức thuế ở mức 19%, ngang bằng với mức mà Indonesia đã chấp thuận, cho thấy phần lớn khu vực Đông Nam Á có khả năng sẽ chịu mức thuế tương tự.

“Chúng ta đang sống trong một thời kỳ bình thường mới, nơi mà mức 10% đã trở thành mức khởi điểm thay cho 0%. Do đó, mức 15% hay 20% không còn quá tệ nếu tất cả các nước khác cũng như vậy,” bà Trinh Nguyen, chuyên gia kinh tế cấp cao phụ trách khu vực châu Á mới nổi tại Natixis, nhận định.

Chuyên gia này cũng nói thêm: “Ở mức thuế 15–20%, các công ty Mỹ vẫn có lãi nếu nhập khẩu từ nước ngoài thay vì sản xuất trong nước.”

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết ông sẽ gặp các quan chức Trung Quốc tại Stockholm vào tuần tới để tiến hành vòng đàm phán thứ ba nhằm gia hạn lệnh đình chiến thuế quan và mở rộng thảo luận. Điều này cho thấy quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang dần ổn định, đặc biệt sau khi Mỹ nới lỏng các hạn chế về chip và Trung Quốc nối lại xuất khẩu đất hiếm.

Tất cả những diễn biến trên đã giúp thị trường bắt đầu định hình được phần nào sau sáu tháng đầy bất ổn, với các lời đe dọa thuế quan của ông Trump.

Các nhà đầu tư hoan nghênh diễn biến này, với thị trường chứng khoán châu Á tăng mạnh nhất trong một tháng và hợp đồng tương lai S&P 500 tăng 0,2%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản bật tăng 3,2%, dẫn đầu là các cổ phiếu của Toyota và các hãng sản xuất ô tô khác.

Nhận định về vấn đề này, ông Albert Park, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), nhận định: "Điều khiến tôi thấy thú vị là thị trường cổ phiếu dường như vẫn đang khá lạc quan trước những thay đổi này. Tôi không chắc họ đã phản ánh đầy đủ các tác động thực sự có thể xảy ra từ việc gián đoạn do thuế suất cao hơn.”

Vào tháng 4 vừa qua, ông Trump đã tạm hoãn áp mức thuế cao nhất sau khi chứng khoán Mỹ, trái phiếu và đồng USD đồng loạt suy yếu. một tín hiệu cho thấy nhà đầu tư đang lo ngại trước các động thái bảo hộ thương mại. Điều này đã giúp các nhà hoạch định chính sách từ Tokyo, Manila và nhiều nơi khác có thêm thời gian để đàm phán các thỏa thuận khả thi hơn.

Chính quyền Trump đã công bố loạt thuế quan mới áp dụng đối với 14 quốc gia, với mức thuế dao động từ 25% đến 40%.
Chính quyền Trump đã công bố loạt thuế quan mới với các quốc gia châu Á

Tuy các thỏa thuận mới mang lại phần nào sự nhẹ nhõm, nhưng nhiều câu hỏi lớn vẫn còn bỏ ngỏ. Chính quyền Trump vẫn đang xem xét các mức thuế theo ngành đối với những mặt hàng như chất bán dẫn và dược phẩm, các lĩnh vực quan trọng với nhiều nền kinh tế châu Á như Đài Loan và Ấn Độ, vốn vẫn chưa đạt được thỏa thuận thuế với Mỹ.

Hàn Quốc cũng đối mặt với nguy cơ cao hơn trước các loại thuế theo ngành, dù thỏa thuận với Nhật Bản có thể đóng vai trò làm mẫu cho Seoul.

Khi Tổng thống Trump đẩy nhanh đàm phán với những nước chiếm phần lớn thâm hụt thương mại của Mỹ, ông cũng cho biết có thể áp mức thuế đồng loạt 10–15% đối với khoảng 150 quốc gia nhỏ hơn.

Khi mức thuế bắt đầu rõ ràng hơn, các doanh nghiệp với chuỗi cung ứng phức tạp tại châu Á và vẫn phụ thuộc vào người tiêu dùng Mỹ có thể bắt đầu lên kế hoạch điều chỉnh hoạt động nhằm giảm thiểu tác động lên doanh thu.

Tương tự như cuộc chiến thương mại đầu tiên năm 2018, những thông báo thuế quan lần này nhiều khả năng sẽ thúc đẩy các công ty tiếp tục chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Mức thuế trung bình đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn là cao nhất trong khu vực, và với áp lực tiếp diễn từ Nhà Trắng đối với tham vọng công nghệ và thương mại của Bắc Kinh, các doanh nghiệp có thể tìm kiếm sự ổn định ở nơi khác.

Các hiệp hội doanh nghiệp đã cảnh báo suốt nhiều tháng qua rằng, đối với đầu tư, sự bất định còn tồi tệ hơn cả thuế quan. Theo dữ liệu từ S&P PMI, ngành sản xuất ở Đông Nam Á ghi nhận mức suy yếu rõ rệt nhất kể từ tháng 8/2021, dẫn đầu bởi sự sụt giảm mạnh trong đơn hàng mới, sa thải lao động quy mô lớn và hoạt động mua sắm yếu đi.

Việc đẩy nhanh vận chuyển hàng hóa từ châu Á sang Mỹ nhằm tránh các mức thuế mới có khả năng sẽ chững lại khi các mức thuế mới bắt đầu có hiệu lực.

Dù các nền kinh tế Đông Nam Á và Nhật Bản cảm thấy nhẹ nhõm khi mức thuế 15% thấp hơn so với các lời đe dọa trước đây của ông Trump, nhưng thực tế là chúng vẫn cao hơn rất nhiều so với trước khi ông lên nắm quyền vào tháng 1.

Theo các nhà phân tích của Barclays, các thỏa thuận gần đây tiếp tục xu hướng đẩy thuế suất tiến dần về mức 15–20%, vốn được Tổng thống Trump chỉ ra là ngưỡng ưa thích thay vì mức 10% như hiện nay. Họ cho biết điều này làm tăng rủi ro suy giảm đối với các dự báo tăng trưởng GDP tại châu Á.

Hiện tại, ông Trump tuyên bố đây là một chiến thắng về thương mại và giới đầu tư nhìn chung cũng cảm thấy nhẹ nhõm. “Tôi vừa ký một thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử với Nhật Bản. Đây là một thỏa thuận tuyệt vời cho tất cả mọi người", ông Trump nói tại một sự kiện ở Nhà Trắng vào thứ Ba sau khi công bố thỏa thuận trên mạng xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thỏa thuận thuế quan của Mỹ sẽ định hình lại thương mại châu Á?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO