Kinh tế thế giới

Thuế quan Mỹ vẫn còn tác động đến ASEAN + 3 trong năm 2026

Cẩm Anh 24/07/2025 15:00

AMRO cảnh báo, tác động từ thuế quan của Mỹ đến ASEAN +3 sẽ rõ nét hơn trong năm 2026.

Ảnh màn hình 2025-07-23 lúc 20.50.16
Việt Nam là nền kinh tế duy nhất có sự cải thiện trong dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 lên 7% so với dự báo trước đó của Amro vào tháng 4 là 6,5%. Ảnh: BT

Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) vừa điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 cho toàn bộ 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng riêng Việt Nam lại được nâng triển vọng thêm 0,5 điểm phần trăm.

Hạ dự báo tăng trưởng năm 2025

Việc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia từ 0,2 đến 2% phản ánh tác động từ các biện pháp áp thuế mới của Mỹ dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 1/8 tới, AMRO cho biết trong báo cáo cập nhật hàng quý công bố hôm thứ Tư.

Theo tổ chức theo dõi kinh tế khu vực ASEAN+3, nơi đóng góp hơn 40% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu, các ước tính hồi tháng 4 chưa tính đến tác động của gói thuế mới được Mỹ công bố thời điểm đó.

Việt Nam là nền kinh tế duy nhất được AMRO nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 lên 7%, từ mức 6,5% trong báo cáo tháng 4. Ông He Dong, Kinh tế trưởng của AMRO, cho biết tại buổi họp báo hôm thứ Tư: “Việc nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam phản ánh kết quả thực tế vượt kỳ vọng trong nửa đầu năm nay, cho phép chúng tôi điều chỉnh tăng triển vọng cả năm.”

Trong nửa đầu năm 2025, Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 7,52%, mức cao nhất trong nhiều năm nhờ tiêu dùng nội địa phục hồi, xuất khẩu mạnh và sự cải thiện rõ rệt ở các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

Dù thừa nhận Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất từ thuế quan của Mỹ, ông He Dong cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa chính sách để hỗ trợ nền kinh tế nếu cần thiết.

Tác động của các cú sốc thương mại không đồng đều trên khắp ASEAN
Tác động của các cú sốc thương mại sẽ không đồng đều trên khắp ASEAN

Ông He Dong nói thêm rằng một số cải cách đang được triển khai nhằm cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao hiệu quả hạ tầng đang giúp Việt Nam có vị thế vững vàng hơn về dài hạn.

“Về trung và dài hạn, điều quan trọng hơn là Việt Nam cần tích cực hội nhập sâu hơn với các nền kinh tế trong khu vực nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI),” ông He Dong nhấn mạnh.

Xét tổng thể, ASEAN hiện được dự báo sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm 2025, thấp hơn mức 4,7% đưa ra trước đó. Thái Lan bị cắt giảm 0,8% tăng trưởng GDP; Philippines giảm 0,7%; Malaysia giảm 0,5%; Singapore giảm 0,4%; còn Indonesia giảm 0,2%.

Về trường hợp của Indonesia, ông He Dong lưu ý rằng nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á chủ yếu dựa vào cầu nội địa, nên ít phụ thuộc vào thương mại quốc tế nên ít bị tổn thương hơn trước các cú sốc bên ngoài.

Ông He Dong nói thêm rằng Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Indonesia. Điều này giúp Indonesia tương đối an toàn trước đợt áp thuế lần này.

“Tham vấn gần đây của chúng tôi với Indonesia cho thấy nền kinh tế nước này vẫn đang hoạt động rất tốt nhờ cầu nội địa vẫn còn rất mạnh. Cả chính sách tiền tệ và tài khóa đều còn nhiều dư địa để hỗ trợ kinh tế nếu cần,” ông He nhận định.

Đối với Philippines, ông Allen Ng, Trưởng nhóm nghiên cứu và Kinh tế trưởng tại AMRO cho biết việc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế từ 6,3% xuống 5,6% chủ yếu do tác động từ triển vọng tăng trưởng toàn cầu chậm lại.

Chuyên gia này giải thích rằng ảnh hưởng trực tiếp từ thuế quan của Mỹ lên Philippines yếu hơn so với các nước trong khu vực do cấu trúc kinh tế thiên về nội địa. Tuy nhiên, sự giảm tốc toàn cầu sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu, tâm lý doanh nghiệp và hoạt động đầu tư.

Dù vậy, ông Allen Ng vẫn cho rằng tăng trưởng của Philippines vẫn rất mạnh mẽ. “Nền kinh tế của quốc gia này tiếp tục được hỗ trợ bởi tiêu dùng tư nhân sôi động, nhờ nhiều yếu tố bao gồm thị trường lao động ổn định, lạm phát hạ nhiệt và kỳ vọng về dòng kiều hối tiếp tục tăng trưởng,” ông nói.

Năm 2026 không mấy tích cực

Dự báo của AMRO cho năm 2026 cũng không mấy lạc quan. Tổ chức này cho biết tác động từ loạt thuế quan mới của Mỹ sẽ rõ rệt hơn trong năm tới, đặc biệt với những nền kinh tế chịu thuế suất cao và phụ thuộc nhiều vào nhu cầu bên ngoài.

Triển vọng tăng trưởng của khu vực năm 2026 cũng bị điều chỉnh giảm, ngoại trừ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và Myanmar được dự báo tăng nhẹ.

Việt Nam hiện được AMRO dự báo tăng trưởng 6,5% trong năm 2026, tăng so với mức 6,2% đưa ra trước đó. Myanmar được nâng lên 1,5%, so với 1% trong dự báo tháng 4. Tuy nhiên, AMRO lưu ý rằng nhu cầu nội địa tiếp tục vững vàng, cùng với nhu cầu bên ngoài ổn định đối với lĩnh vực điện tử và du lịch, sẽ tiếp tục là những động lực tăng trưởng chính trong khu vực.

Ở chiều ngược lại, tình hình lạm phát đang có chiều hướng tích cực hơn. Cụ thể, lạm phát chung tại khu vực ASEAN+3 được dự báo sẽ “thấp và ổn định”, ở mức 0,9% năm 2025 và 1% năm 2026. Con số này thấp hơn nhiều so với dự báo tháng 4 (1,7% cho cả hai năm).

“Triển vọng này phản ánh giá hàng hóa ổn định, bao gồm việc giá dầu dần trở lại mức bình thường sau giai đoạn biến động tạm thời do căng thẳng Iran – Israel,” AMRO nhận định.

Giá lương thực mềm hơn và tăng trưởng toàn cầu yếu đi cũng sẽ giúp giảm áp lực lạm phát.

Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng yếu và việc Trung Quốc đang tái cơ cấu lại công suất sản xuất cũng sẽ góp phần hạn chế đà tăng lạm phát trong khu vực, theo AMRO.

Nhìn chung, AMRO cảnh báo vẫn còn nhiều rủi ro phía trước. “Nếu các biện pháp thuế quan tiếp tục leo thang, thương mại toàn cầu có thể sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng,” ông He nói; đồng thời chỉ ra triển vọng sẽ còn khó khăn hơn nữa nếu cộng thêm các yếu tố rủi ro như điều kiện tài chính thắt chặt và giá hàng hóa tăng cao, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang.

Tuy nhiên, ông He cho rằng những bất ổn về chính sách và thuế quan từ phía Mỹ lại là cơ hội để ASEAN+3 thúc đẩy hội nhập nội khối chặt chẽ hơn.

“Sự đa dạng của ASEAN+3, theo tôi, là một trong những thế mạnh lớn nhất. Các nền kinh tế trong khu vực đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau, sở hữu nguồn lực và lợi thế so sánh khác nhau. Điều này có thể giúp xây dựng các chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất tích hợp hơn”, ông He nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thuế quan Mỹ vẫn còn tác động đến ASEAN + 3 trong năm 2026
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO