Cơ hội từ cổ phiếu nhỏ và vừa
Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy, nhóm cổ phiếu này đang thu hút dòng tiền vượt trội hơn.
>>> Đảo danh mục cổ phiếu
Nhà đầu tư chỉ nên giải ngân một cách thận trọng, chứ không nên mua bán ồ ạt, đề phòng trường hợp rủi ro thị trường đảo chiều hoặc đi vào mức giảm.
Tâm lý thận trọng
Trong phiên ngày 25/7, VN-Index đóng cửa tại 1.188,5 điểm, giảm 0,52%, trong khi HNX-Index giảm 1,19%, UPCoM-Index giảm 0,55%. VN30-Index ghi nhận 20 mã giảm và 9 mã tăng. Trong đó, FPT, PDR, VCB, VHM, VIC, VJC, VNM, VRE ghi nhận sắc xanh tăng nhẹ. Ngược lại, BVH, GVR, SSI, TPB, VPB, MWG đóng cửa ở vùng giá đỏ.
Trong phiên cuối tuần trước, nhóm thực phẩm- đồ uống, điện nước, xăng dầu, khí đốt là các nhóm cổ phiếu có diễn biến tích cực nhất, trong đó MSN tăng 2,8%, KDC tăng 3,5%, GAS tăng 3,6%... Ngược lại, nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán và thép ghi nhận áp lực bán nhiều hơn. Số mã giảm lên tới 206 mã trong khi chỉ có 146 mã tăng, cho thấy tâm lý thị trường có phần thận trọng.
Trong xu hướng ngắn hạn, thị trường vẫn duy trì ở mức độ trung tính, nghĩa là rủi ro đã có phần giảm, nhưng cơ hội tăng chưa thể xác lập được.
Chỉ số sẽ đi ngang và khả năng vượt qua vùng 1.204 điểm vẫn còn khó khăn, vì dòng tiền duy trì ở mức thấp, chưa cải thiện được ngay lập tức. Một vấn đề khác nữa là dòng tiền sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, dẫn đến hiện tượng cứ lần lượt từng nhóm cổ phiếu tăng điểm.
Trong thời điểm hiện nay, áp lực điều chỉnh có thể xảy ra khi VN-Index đối mặt với mức kháng cự 1.204 điểm, nhưng có thể đó cũng là cơ hội khi độ rộng của thị trường có chiều hướng tốt hơn.
Cơ hội ở đâu?
Trong những phiên giao dịch đầu tuần này, thị trường có thể sẽ tiếp tục đi ngang với các nhịp tăng/ giảm và biên độ hẹp. Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy, nhóm cổ phiếu này đang thu hút dòng tiền vượt trội hơn.
Theo nghiên cứu, phân tích, một số cổ phiếu tiêu điểm có triển vọng tốt như KDC (CTCP Tập đoàn KIDO). Theo đó, KDC vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2022 với doanh thu 3.545 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 275 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả kinh doanh quý 2/2022 của KDC tăng trưởng mạnh chủ yếu từ mảng dầu ăn khi công ty này cho biết đã tăng cường đẩy mạnh việc đưa sản phẩm vào kênh MT (siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi,…). Chúng tôi cũng nhận thấy, KDC hưởng lợi từ việc giá bán dầu ăn tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái do lợi thế thị phần hàng đầu trong nước và Ukraine là nước xuất khẩu dầu ăn lớn nhất thế giới đang bị chiến tranh.
Bên cạnh đó, tiềm năng tăng trưởng của KDC còn đến từ mảng bánh kẹo với việc mở rộng chuỗi cửa hàng Chuk Chuk từ 25 cửa hàng hiện tại lên mục tiêu gần nhất là 300 cửa hàng vào năm 2023. Đặc biệt, KDC đang hoàn thiện dây chuyền sản xuất bánh kẹo sau khi bị chậm trễ do COVID-19 trong năm 2021.
Ngoài ra, các nhà đầu tư có thể quan tâm đến các cổ phiếu trong ngắn hạn, như VOS, TVD, QTP , VSH, VGC, NT2,...
Về cơ bản, chúng tôi vẫn đánh giá tích cực về diễn biến của thị trường, cơ hội cho các nhà đầu tư là có, nhưng một số yếu tố rủi ro còn tác động và sự dẫn dắt của nhóm vốn hóa lớn vẫn chưa diễn ra mạnh mẽ trong giai đoạn này. Do đó, các nhà đầu tư chỉ nên giải ngân một cách thận trọng, ở mức khoảng dưới 5%.
Ngoài ra, nhà đầu tư nên tập trung vào nhóm cổ phiếu tăng trưởng, bởi nếu có điều chỉnh giảm, áp lực giảm của các cổ phiếu này sẽ ít hơn so với những cổ phiếu có mức tăng trưởng thấp.
Có thể bạn quan tâm