Phố Wall đã có tháng giao dịch tốt nhất kể từ tháng 11/2020 đến nay, trong khi thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn giữ tâm lý thận trọng, với nhiều mã giảm trong ngày giao dịch cuối cùng tháng 7.
>>Thị trường chứng khoán xanh rực sau cuộc họp của FED
Đóng cửa tuần giao dịch ngày 29/7, thị trường chứng khoán Mỹ bật tăng khá mạnh với chỉ số Dow Jones phiên này tăng 315,50 điểm (tương đương 1%) và đóng cửa ở mức 32.845,13. Chỉ số tổng hợp S&P 500 cũng tăng 57,86 điểm (1,4%) lên 4.130,29 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tiến 228,09 điểm (1,9%) lên 12.390,69 điểm. Các chỉ số trên đều ghi nhận chuỗi tăng điểm ba phiên liên tiếp.
Theo Dữ liệu thị trường Dow Jones, đây là tháng giao dịch tốt nhất của S&P 500 và Dow Jones kể từ tháng 11/2020, trong khi Nasdaq ghi nhận mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 4/2020.
Giới quan sát đánh giá, kết quả nổi bật này là nhờ báo cáo thu nhập khả quan từ các công ty công nghệ lớn đã giúp cổ phiếu tăng giá, trong khi giới đầu tư không để tâm quá nhiều tới vấn đề lạm phát tăng cao. Cụ thể, đại gia thương mại điện tử Amazon vọt lên 10,4% sau khi thông báo doanh thu quý 2 vượt kỳ vọng của giới phân tích, đồng thời kỳ vọng doanh thu quý 3 cũng sẽ rất khả quan. Apple cho biết cả doanh thu và lợi nhuận quý vừa qua đều vượt kỳ vọng của giới phân tích do Refinitiv khảo sát. Cổ phiếu Apple tăng 3,2%. Còn các công ty năng lượng như Exxon Mobil và Chevron Corp công bố doanh thu kỷ lục vào ngày 29/7, được hỗ trợ bởi giá dầu thô và khí đốt tự nhiên tăng mạnh.
Có thể thấy, diễn biến tích cực của thị trường tháng 7 trái ngược hoàn toàn với sự u ám trong 6 tháng đầu năm khi đa số cổ phiếu lao dốc xuống vùng thị trường giảm. Các chỉ số đảo chiều khi nhà đầu tư bớt lo ngại về kế hoạch tăng lãi suất dồn dập của Cục Dự trữ Liên bang (FED) và ngày càng tin rằng lạm phát có thể đã lập đỉnh.
Ông Ross Mayfield, nhà phân tích chiến lược tại ngân hàng đầu tư Baird cho rằng, nhà đầu tư đã bắt đầu thay đổi cái nhìn về lạm phát cũng như kỳ vọng lạm phát, do vậy có dự đoán khác về kế hoạch lãi suất của FED. Ngoài ra, kết quả kinh doanh tươi sáng cũng là một nhân tố tích cực.
“Gần đây, lợi nhuận khả quan của doanh nghiệp đã củng cố đà tăng của thị trường và tạo ra một mức sàn ngắn hạn cho các thị trường cổ phiếu”, ông Mayfield nói thêm.
Tuy nhiên, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản UBS Global Wealth Management (Thụy Sĩ) Mark Haefele khuyến cáo: “Các nhà đầu tư nên thận trọng, những khoản lợi rủi ro cho các chỉ số chứng khoán chủ chốt sẽ suy giảm. Cổ phiếu đang được định giá theo kịch bản kinh tế Mỹ sẽ có một cuộc “hạ cánh mềm”, nhưng nguy cơ hoạt động kinh tế sụt giảm sâu hơn sẽ tăng lên”.
Cùng ngày, trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,24%, xuống mốc 106,21.
Đồng USD giảm trong phiên giao dịch vừa qua, từ mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2002 là 109,29 sau khi dữ liệu mới công bố cho thấy GDP của Mỹ trong quý 2 giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu quý suy giảm kinh tế thứ hai liên tiếp.
>>Thị trường chứng khoán Việt Nam liệu đã rẻ?
Chứng khoán châu Á trái chiều
Đối lập với chứng khoán Mỹ, khu vực châu Á có phản ứng trái chiều khi các thị trường như Tokyo, Thượng Hải, Singapore và Manila đều giảm. Thị trường Hong Kong chứng kiến làn sóng bán ra cổ phiếu công nghệ, dẫn đầu là Alibaba, khi các nhà giao dịch lo ngại về báo cáo lợi nhuận sắp tới.
Chốt phiên ngày 29/7, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,1%, xuống 27.801,64 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 2,26%, hay 466,17 điểm, xuống 20.156,51 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,9%, xuống 3.253,24 điểm.
Riêng các thị trường Sydney, Seoul, Mumbai, Taipei, Jakarta đồng loạt tăng. Trong đó, thị trường chứng khoán Hàn Quốc tăng phiên thứ năm liên tiếp, chỉ số Kospi tăng 0,67% từ16,23 điểm lên 2.451,5 điểm.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 29/7, VN-Index giảm 1,79 điểm xuống 1.206,33 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 590,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 15.034,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 189 mã tăng giá, 239 mã giảm giá và 87 mã đứng giá.
Trong rổ cổ phiếu VN30 có 15 mã tăng và 15 mã giảm, nhưng chỉ số VN30-Index vẫn giảm hơn 4 điểm. Điều này là do VIC giảm tới 4,5%, tác động rất tiêu cực đến chỉ số, vì đây là mã cổ phiếu vốn hóa lớn hàng đầu thị trường chứng khoán. Trong phiên ATC (lệnh giao dịch tại mức giá khớp lệnh xác định giá đóng cửa) có tới hơn 1 triệu cổ phiếu bán ra VIC được bán ra khiến cho mã này giảm sâu.
Cùng đó, sắc đỏ cũng lan rộng tại nhóm cổ phiếu dầu khí. Các mã BSR, PLX, PTV, PVC, PVD, PVS ở chiều giá đỏ. Nhóm cổ phiếu hóa chất cũng đua nhau giảm giá. Các mã BFC, DCM, DPM, CSV, DAG… chìm trong sắc đỏ. Thậm chí, cổ phiếu DGC còn giảm tới 7% xuống giá sàn.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán diễn biến tích cực với VDS tăng 6,7% lên giá trần, DSC cũng tăng tới 14,9% lên giá trần. Các mã lớn khác như: SSI, SHS, HCM, MBS… đều ở chiều giá xanh. Hầu hết các nhóm cổ phiếu còn lại diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen.
>>Lo lạm phát và tỷ giá, nhu cầu vàng tại Việt Nam tăng vọt
>>Bitcoin có thủng mốc 20.000 USD/BTC khi FED tăng lãi suất?
Trong 24 giờ qua, giá Bitcoin (BTC) dường như không thay đổi khi giao dịch ở mức 23.844 USD/BTC. Giới phân tích nhận định, đây là một rào cản quan trọng, nếu sự bứt phá diễn ra có thể sẽ dọn đường cho bước tăng trưởng tiếp theo.
Mặc dù tương đối bình lặng, nhưng thị trường cũng đã chứng kiến gần 200 triệu USD thanh lý các vị thế, dẫn đầu là ETH với 77 triệu USD và BTC với 27 triệu USD.
Tương tự, phần lớn các altcoin đang giao dịch không đổi trong 24 giờ qua giống như Bitcoin. Ethereum đang ở cùng mức giá với ngày hôm trước khi giao dịch quanh 1.711 USD/ETH; BNB giữ 290,8 USD; SOL vẫn giao dịch trong khoảng 42,45 USD,... và Polkadot (DOT) là ngoại lệ hơn cả. Theo CoinGecko, đồng tiền điện tử này đã tăng đáng kể 8% trong ngày qua và lọt vào vị trí top 10 theo tổng vốn hóa thị trường.
Trên thị trường vàng vào ngày 30/7, giá vàng phục hồi lên trên ngưỡng 1.765 USD/ounce và chốt phiên ở mức cao nhất là 1.767,50 USD/ounce. Đóng cửa tuần giao dịch, giá kim loại quý đã lên mức cao nhất kể từ ngày 6/7. Giá vàng thế giới cũng đã tăng lên cao nhất 3 tuần và đang dao động quanh ngưỡng 1.760 USD/ounce.
Giới chuyên môn nhận định, mục tiêu tăng giá tiếp theo của giá vàng là tạo ra mức đóng cửa trên ngưỡng 1.800 USD/ounce. Còn mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo là đẩy giá vàng xuống dưới mức hỗ trợ 1.700 USD/ounce.
Trong nước, đà tăng của giá vàng trong nước đã chậm lại. Cụ thể, giá vàng SJC tại thị trường TP.HCM tiếp tục tăng thêm 100.000 đồng hai chiều lên 65,80-66,80 triệu đồng/lượng. Sau phiên tăng mạnh ngày 29/7, giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội đã giữ nguyên mức giá 64,90-65,90 triệu đồng/lượng.
Giá vàng 9999 thương hiệu NPQ của Phú Quý cũng giữ nguyên 52,35-53,15 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tăng nhẹ 40 nghìn đồng hai chiều lên 52,48-53,23 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra…
Có thể bạn quan tâm
12:00, 28/07/2022
05:20, 27/07/2022
05:00, 30/07/2022
19:20, 29/07/2022
05:00, 27/07/2022
05:04, 14/07/2022
05:15, 27/06/2022