Hậu soát xét bán niên, nhiều doanh nghiệp tăng lỗ
Sau mùa soát xét bán niên, điệp khúc nhiều doanh nghiệp “bay màu” lợi nhuận hoặc tăng lỗ, thậm chí có doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ lại vang lên.
>>>Hé lộ nhiều doanh nghiệp lỗ ròng vì đầu tư chứng khoán
Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (HNX: NDN) ghi nhận tăng lỗ sau soát xét. Theo đó, sau soát xét, Nhà Đà Nẵng ghi nhận lỗ hơn 95 tỷ đồng, tăng 4,4 tỷ so với báo cáo tự lập. Trong khi cùng kỳ năm ngoái Nhà Đà Nẵng báo lãi gần 133 tỷ đồng.
Trong báo cáo đã soát xét, đơn vị kiểm toán đã đưa ra kết luận ngoại trừ. Kết luận này dựa trên cơ sở giá trị “chi phí sản xuất kinh doanh sở dang” của Dự án Khu phức hợp Monarchy B- Block B tại thời điểm 30/6/2022 là hơn 277 tỷ đồng. Đây là chi phí được tập hợp, tính toán, phân bổ qua nhiều kỳ kế toán trước đó.
Bên cạnh đó, tổng số tiền nhận trước về bán căn hộ của dự án Monarchy B cuối quý II là gần 464 tỷ đồng. Theo thỏa thuận của hợp đồng mua bán căn hộ thì Nhà Đà Nẵng phải trả lãi trên số tiền khách hàng đã ứng nếu chậm bàn giao căn hộ quá 3 tháng.
Báo cáo tài chính đính kèm chưa ghi nhận khoản lãi dự trả này, ước tính số lãi lũy kế phải trả đến 30/6 là 66,3 tỷ đồng (trong đó lãi dự trả năm 2021 trở về trước là 44,7 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2022 là 21,5 tỷ đồng).
Nếu hạch toán đầy đủ khoản lãi phát sinh do chậm bàn giao căn hộ nêu trên thì báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022, chỉ tiêu “chi phí phải trả” sẽ tăng thêm 21,5 tỷ đồng và chỉ tiêu “lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp” sẽ giảm tương ứng.
Đồng thời, trên bảng cân đối kế toán tại ngày 30/6, chỉ tiêu “chi phí phải trả” sẽ tăng thêm 66,3 tỷ đồng, chỉ tiêu “thuế và các khoản phải nộp Nhà nước” sẽ giảm 13,3 tỷ đồng và chỉ tiêu “lợi nhuận sau thuế chưa phân phối” sẽ giảm đi 55 tỷ đồng.
Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cũng nêu trong báo cáo tài chính đã soát xét rằng báo cáo tài chính giữa niên độ của NDN không phản ánh trung thực và hợp lý về tình hình tài chính của công ty tại ngày 30/06/2022 và kết quả hoạt động kinh doanh cũng như các luồng lưu chuyển tiền tệ cho kỳ kế toán 6 tháng đầu năm 2022.
Tương tự, Công ty CP VKC Holdings (HNX: VCK) cũng ghi nhận tăng lỗ hàng trăm tỷ đồng sau soát xét. Cụ thể, tại báo cáo tài chính tự lập, VKC Holdings ghi nhận lỗ hơn 24,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau soát xét, con số lỗ của VKC Holdings lên đến hơn 191 tỷ đồng.
Trong đó, chi phí quản lý doanh nghiệp điều chỉnh tăng từ 13,8 tỷ đồng theo báo cáo tài chính quý II/2022 lên thành 82,5 tỷ đồng sau soát xét, tương ứng điều chỉnh tăng gần 69 tỷ đồng về chi phí. Số điều chỉnh tăng này chủ yếu do công ty phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi (hơn 65 tỷ đồng).
Ngoài ra, chỉ tiêu chi phí khác được điều chỉnh tăng từ dưới 1 tỷ đồng trên báo cáo tài chính tự lập lên gần 103 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 102 tỷ đồng. Nguyên nhân chính do công ty phải ghi nhận giá trị khoản tồn kho thiếu không xác định.
Theo giải trình của lãnh đạo doanh nghiệp, nguyên nhân tăng lỗ là do chi phí lãi vay phải trả trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng cao do phát sinh từ lãi trái phiếu và lãi vay ngắn hạn từ ngân hàng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao do trích lập dự phòng các khoản nợ khó đòi và phải thu từ khách hàng quá hạn.
Trong khi đó, Chứng khoán SHS chuyển từ lãi sang lỗ sau soát xét. Cụ thể, theo báo cáo tài chính bán niên năm 2022 được soát xét, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHS) ghi nhận lợi nhuận sau thuế lỗ hơn 68 tỷ đồng, nhưng tại báo cáo tự lập trước đó thì doanh nghiệp ghi nhận mức lãi hơn 32 tỷ đồng.
Lý giải về kết quả kinh doanh thua lỗ 6 tháng đầu năm, Chứng khoán SHS cho biết, nửa đầu năm doanh thu hoạt động của công ty chỉ tăng 2,1% từ 621,4 tỷ đồng lên 634 tỷ đồng, trong khi chi phí hoạt động tăng tới 31,9% từ 433,8 tỷ đồng lên hơn 572 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do công ty giữ nguyên phân loại cổ phiếu TCB và GEX ở mục tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) thay vì mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) như trong báo cáo tài chính tự lập quý II.
Cụ thể, chênh lệch tăng đánh giá lại tài sản FVTPL sau soát xét tăng gần 13 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Cùng với đó, chênh lệch giảm đánh giá lại tài sản tài chính FVTPL tăng hơn 138 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính kéo lợi nhuận của công ty giảm mạnh so với báo cáo tài chính tự lập.
Do lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 tại báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022 là số âm, nên Chứng khoán SHS đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa cổ phiếu của SHS vào danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ (margin) từ ngày 23/8...
Có thể bạn quan tâm
Cẩn trọng rủi ro khi đầu tư vào cổ phiếu doanh nghiệp lỗ tỷ giá
05:30, 19/08/2022
Đề xuất thuế xuất khẩu phân bón: Doanh nghiệp lo “hết cửa” xuất khẩu
07:35, 03/08/2022
Hé lộ nhiều doanh nghiệp lỗ ròng vì đầu tư chứng khoán
05:20, 27/07/2022
Doanh nghiệp lo “tuột” vốn ngoại cho dự án tốt
13:28, 18/07/2022
Doanh nghiệp lo cửa hàng tiện lợi... sẽ thành "bất lợi"
04:04, 18/07/2022