Thị trường ảm đạm, doanh nghiệp chứng khoán làm ăn ra sao?
Thị trường chứng khoán ảm đạm kéo theo doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp chứng khoán giảm mạnh, thậm chí nhiều doanh nghiệp thua lỗ hàng chục tỷ đồng.
>>>Thị trường chứng khoán đang phản ứng quá đà
FPTS lỗ 60 tỷ đồng
Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý III/2022 vừa công bố, Công ty CP Chứng khoán FPT – FPTS (HoSE: FTS), ghi nhận doanh thu hoạt động chỉ đạt 54 tỷ đồng, giảm tới 87% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) âm 154 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, FPTS lỗ trước thuế 35 tỷ đồng trong quý III/2022, trong khi cùng kỳ lãi 333 tỷ đồng. Lỗ sau thuế ghi nhận hơn 60 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi đậm 296 tỷ đồng.
Theo giải trình, nguyên nhân chính là do doanh thu từ chênh lệch đánh giá lại tài sản tài chính giảm mạnh, chủ yếu là đánh giá lại khoản đầu tư vào MSH: Chênh lệch đánh giá lại TSTC quý III/2022 là âm 162 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 149,9 tỷ đồng.
Về các mảng hoạt động, doanh thu môi giới trong kỳ giảm hơn 50% xuống còn 76 tỷ đồng, trong khi chi phí hoạt động này cũng giảm 36% xuống 45 tỷ đồng. Điều này chủ yếu do thanh khoản thị trường chứng khoán quý III giảm mạnh đồng thời FPTS áp dụng chính sách giảm phí môi giới cho khách hàng.
Lãi từ cho vay và phải thu của FPTS tăng nhẹ 7% so với cùng kỳ lên 120 tỷ đồng. Thời điểm 30/9, các khoản phải thu và cho vay của FPTS đạt 4.820 tỷ đồng, chiếm gần 77% tổng tài sản. Trong đó, dư nợ margin ở mức 4.350 tỷ đồng, gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu; khoản cho vay ứng trước hơn 470 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu hoạt động của FPTS đạt 633 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ; Lợi nhuận sau thuế đạt 228 tỷ đồng, giảm 66% so với 9 tháng đầu năm 2021.
Tính đến cuối quý III, tổng tài sản của FPTS đạt hơn 6.274 tỷ đồng, giảm 33,6% so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu là tài sản ngắn hạn là 6.077 tỷ đồng, chiếm tới 96,8% tổng tài sản của doanh nghiệp. Trong khi đó, nợ phải trả là hơn 3.016 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với hồi đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt hơn 3.257 tỷ đồng.
Everest lỗ 187 tỷ đồng
Tương tự, Công ty CP Chứng khoán Everest (HoSE; EVS) cũng có kết quả kinh doanh với sự đi xuống cả về doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu hoạt động trong quý III của EVS đạt gần 88 tỷ đồng, giảm 69,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lãi từ bán các tài sản tài chính FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu hoạt động của EVS, ghi nhận 40,5 tỷ đồng trong quý III, giảm 80,8%. Nguồn thu từ hoạt động môi giới chứng khoán đạt 16,7 tỷ đồng, giảm 53,7%.
Lãi từ các khoản cho vay và phải thu của EVS trong quý III tăng 10% lên 27 tỷ đồng. Thu từ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 1,5 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ.
Ngược chiều doanh thu, chi phí hoạt động của EVS ghi nhận 259 tỷ đồng trong quý III, tăng 14,6%. Sự tăng trưởng này đến từ khoản lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL tăn lên 224,8 tỷ đồng trong quý III, chủ yếu đến từ việc đánh giá lại.
Kết quả, Chứng khoán Everest báo lỗ trước thuế 187,1 tỷ đồng trong quý III, trong khi cùng kỳ lãi 33,8 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động cùa EVS đạt hơn 372 tỷ đồng; doanh nghiệp lỗ hơn 4,2 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ lãi hơn 205 tỷ đồng.
Về tổng tài sản của Chứng khoán Everest, tại ngày 30/9 là 2.484 tỷ đồng, giảm 236 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý II. Quy mô cho vay margin của công ty giảm từ 974,8 tỷ đồng tại ngày 30/6 xuống còn hơn 631 tỷ đồng.
>>>Thị trường chứng khoán ra sao trong tuần đầu giao dịch lô lẻ?
HSC lợi nhuận giảm 48%
May mắn không lỗ như Chứng khoán FPT hay Everest, nhưng nhiều doanh nghiệp chứng khoán cũng ghi nhận kết quả kinh doanh quý III sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.
Cụ thể, Công ty CP Chứng khoán TP.HCM - HSC (UpCOM: HCM), ghi nhận doanh thu quý III đạt 759 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 165 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý III, doanh thu từ nghiệp vụ môi giới của HSC đạt 168 tỷ đồng, giảm sâu 55% so với cùng kỳ năm trước. Lãi từ cho vay và phải thu tương đương cùng kỳ năm trước, đạt 318 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong khoản mục doanh thu. Dư nợ cho vay margin tại thời điểm cuối quý III đạt 10.928 tỷ đồng, giảm gần 2.800 tỷ đồng so với đầu năm.
Tại mảng tự doanh, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ đạt 267 tỷ đồng, giảm 32% so với quý III/2021. Đáng chú ý, giá trị ghi sổ danh mục cổ phiếu niêm yết và giao dịch trên UPCom của HSC cuối quý III đạt 960 tỷ đồng, tăng 671 tỷ đồng so với giá trị tại thời điểm cuối quý II. Theo thống kê, công ty đã mua vào lượng lớn cổ phiếu FPT, TCB, HPG, ACB, VHM, VPB, NVL, VCB, STB, VNM,… Ngoài ra, danh mục còn ghi nhận 1.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.
Chi phí hoạt động trong quý III giảm 22% xuống còn 463 tỷ đồng. Kết quả, HSC báo lãi sau thuế quý III đạt 165 tỷ đồng, giảm mạnh 48% so với con số thực hiện trong cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của HSC đạt 3.015 tỷ đồng, giảm 10% ; Lợi nhuận sau thuế đạt 727 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối quý III, tổng tài sản của HSC đạt hơn 20.688 tỷ đồng, giảm 3.681 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tài sản tài chính là 20.312 tỷ đồng, chiếm 98% tổng tài sản. Nợ phải trả của doanh nghiệp là hơn 12.693 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu là hơn 7.995 tỷ đồng.
Lợi nhuận của SHS giảm 64%
Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (HoSE: SHS)cũng ghi nhận doanh thu hoạt động quý III đạt 298 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ, trong đó lãi cho vay và phải thu đạt 118 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ. Tương tự lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 60% xuống còn 85 tỷ đồng trong khi doanh thu môi giới giảm phân nửa so với cùng kỳ, đạt 61 tỷ đồng.
Đáng chú ý, doanh thu tư vấn tài chính tăng mạnh từ mức hơn 1 tỷ đồng của quý III/2021 lên gần 16 tỷ đồng trong năm nay. Trong kỳ, chi phí hoạt động của SHS cũng giảm 34% so với cùng kỳ xuống mức 141 tỷ đồng. Chi phí tài chính được tiết giảm 26% xuống 29 tỷ đồng; trong khi chi phí quản lý của doanh nghiệp tăng gấp 2,4 lần lên 22 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý III của SHS đạt 88 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, SHS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 932 tỷ đồng, giảm sâu 47% so với cùng kỳ. Do khoản lỗ lớn của quý II nên lợi nhuận sau thuế 9 tháng vỏn vẹn 20 tỷ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ.
Thời điểm 30/9, tổng tài sản của SHS đã tăng nhẹ so với đầu năm lên gần 11.400 tỷ đồng. Các khoản cho vay và phải thu chiếm tỷ trọng lớn nhất với số dư cuối kỳ hơn 3.269 tỷ đồng trong đó dư nợ cho vay ký quỹ (margin) hơn 3.067 tỷ đồng, còn lại là các khoản ứng trước tiền bán 202 tỷ đồng. So với cuối quý trước, cho vay margin của SHS đã tăng 435 tỷ đồng.
Theo Chứng khoán SSI, mặc dù thông tin tăng trưởng GDP quý III/2022 của Việt Nam được công bố ở mức rất cao 13,67%, song thị trường chứng khoán quý III nhìn chung khá ảm đạm khi rơi xuống mức thấp nhất từ tháng 2/2021. Sau nhịp hồi phục kéo dài suốt tháng 7 và tháng 8, VN-Index đã quay lại với xu hướng giảm kể từ đầu tháng 9. Chỉ số kết thúc phiên cuối tháng 9 quanh vùng 1.132 điểm, giảm 11,6% so với thời điểm cuối tháng 8 và giảm 24,4% so với cuối năm 2021.
Kết thúc tháng 9/2022, vốn hóa trên sàn HoSE đạt 4,5 triệu tỷ đồng, giảm 5% so với thời điểm cuối quý II. Vốn hóa toàn thị trường cũng sụt giảm gần 1 triệu tỷ đồng so với quý II, đạt 7,6 triệu tỷ đồng trong quý III. Thanh khoản thị trường cũng sụt giảm đáng kể với giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên sàn HoSE ghi nhận trong quý III chỉ đạt 13.703 tỷ đồng, giảm gần 21% so với quý trước.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường chứng khoán đang phản ứng quá đà
05:00, 12/10/2022
Thị trường chứng khoán ra sao trong tuần đầu giao dịch lô lẻ?
15:00, 17/09/2022
Tập trung tái cấu trúc thị trường chứng khoán
04:50, 16/09/2022
Thị trường chứng khoán có thể nối tiếp đà giảm
05:00, 13/09/2022
Những yếu tố tác động đến thị trường chứng khoán tháng 9
05:00, 12/09/2022