Cổ phiếu nhóm thép, chứng khoán hút dòng tiền của khối ngoại
Cổ phiếu nhóm thép, chứng khoán trong phiên giao dịch đầu năm mới đã tăng hết biên độ. Và đặc biệt cổ phiếu nhóm này tiếp tục hút mạnh dòng tiền của khối ngoại...
Cổ phiếu thép vẫn còn dư địa tăng trưởng
Thị trường chứng khoán phiên giao dịch đầu năm mới đầy khởi sắc cùng sự đồng thuận của hầu hết tất cả nhóm ngành. Sắc xanh lan tỏa bao trùm bảng điện với đầu tàu từ nhóm cổ phiếu trụ VN30.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/1, chỉ số VN-Index tăng 36,81 điểm (+3,66 %) lên 1. 043,9 điểm. HNX-Index tăng 7,26 điểm lên 215,56 điểm và UPCoM-Index tăng 0,76 điểm lên 72,4 điểm. Thanh khoản trên HoSE được cải thiện với giá trị khớp lệnh đạt 8.364 tỷ đồng tăng 13% so với phiên giao dịch cuối năm 2022.
Có thể nói, đà bứt phá mạnh mẽ của thị trường chung, giao dịch khối ngoại trở thành điểm sáng khi khối này mua ròng với tổng giá trị 256 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực mua của nhà đầu tư nước ngoài tập trung giải ngân vào HPG, VNM trong khi bán ròng DPM, VHC.
Trên HoSE, khối ngoại mua ròng với khối lượng gần 15 triệu cổ phiếu, giá trị ghi nhận xấp xỉ 240 tỷ đồng. Đứng đầu cổ phiếu HPG được mua ròng mạnh nhất với giá trị 66 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VNM tiếp theo với 45 tỷ đồng. Đồng thời, khối ngoại còn mua ròng MSN với giá trị 36 tỷ đồng. Cổ phiếu họ VIC, VHM cũng được khối ngoại gom với giá trị 28 và 25 tỷ đồng.
Ngược lại, DPM chịu áp lực bán ròng mạnh nhất của khối ngoại với giá trị 41 tỷ đồng; theo sau VHC và STB bị bán ròng lần lượt 32 và 29 tỷ đồng. Xếp tiếp theo danh sách bán ròng các cổ phiếu như DGC (-27 tỷ đồng), PTB (-20 tỷ đồng). Theo các chuyên gia, động thái mua ròng liên tục của họ bất chấp việc thị trường điều chỉnh mạnh là một chỉ báo quan trọng để giữ niềm tin cho nhà đầu tư.
Trước đó, trong tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 16.000 tỉ đồng trên toàn thị trường, mức giải ngân mạnh hơn cả đợt đáy khi dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 6-2020, với khoảng 14.000 tỉ đồng.
Đặc biệt, trong 2 tuần cuối tháng 11, dòng tiền mới từ khối ngoại gần như chiếm ưu thế trên thị trường, qua đó tạo động lực để các nhà đầu tư cá nhân quay lại tìm cơ hội giúp thị trường hồi phục. Ngoài ra, xu hướng mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại còn được hỗ trợ từ các quỹ ETF Fubon, ETF DC, ETF VanEck khi các quỹ này bắt đầu hút ròng trong tháng 10 và 11.
Dự báo về triển vọng của thị trường chứng khoán năm 2023, báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cho rằng nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng dự kiến vẫn phải đối diện với những con sóng ngược, ít nhất trong nửa đầu năm 2023 do lộ trình tăng lãi suất của FED, kinh tế thế giới suy thoái, và khả năng chống chịu của thanh khoản hệ thống khi lượng trái phiếu đáo hạn lớn trong quý 2/2023.
Sau năm 2022 tăng trưởng cao từ mức nền thấp của năm 2021, VDSC dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 5,6% trong kịch bản cơ sở, thấp hơn mức mục tiêu của Chính phủ. VDSC cho rằng TTCK đã phản ánh phần nhiều với những triển vọng tiêu cực nhất trong năm 2022: Trung Quốc đóng cửa, căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, tốc độ tăng gấp lãi suất của FED, khủng hoảng thanh khoản hệ thống gây ra bởi các sự kiện trong nước.
Trong kịch bản cơ sở VDSC kỳ vọng các khó khăn sẽ từng bước được tháo gỡ sau khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế, lộ trình tăng lãi suất của FED chấm dứt giúp chính sách tiền tệ có thêm không gian hoạt động. Đầu tư công mặc dù còn nhiều nút thắt cần được tháo gỡ để có thể đạt kế hoạch đặt ra, tốc độ giải ngân nhanh hơn cũng sẽ tạo tính lan tỏa sang các thành phần kinh tế khác.
VDSCkỳ vọng chính sách tài khoá sẽ tiếp tục hỗ trợ cho chính sách tiền tệ, với gói hỗ trợ lãi suất 2% với khoảng 40 nghìn tỷ đồng được kỳ vọng sẽ giải ngân tích cực trong năm 2023 khi lãi suất đang tăng cao; Tiếp tục chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu, và giữ chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% trong năm 2023 trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Theo đó, chỉ số VN-Index dự báo sẽ dao động trong khoảng 930 – 1270 điểm. Giá trị khớp lệnh bình quân có thể duy trì ở mức 13 – 16 ngàn tỷ đồng/phiên.
VDSC cho rằng, việc mua và nắm giữ cổ phiếu khi P/E thị trường ở mức 9.x – 11.x sẽ mang lại hiệu suất đầu tư cao vượt trội so với lãi suất tiết kiệm nếu nắm giữ khoản đầu tư trong hai năm. Do vậy, bên cạnh việc phân bổ vốn vào kênh tiết kiệm, nhà đầu tư dài hạn có thể cân nhắc giải ngân ở những cổ phiếu tốt thuộc các nhóm ngành hưởng lợi lớn trong xu hướng tích cực trong dài hạn của vĩ mô Việt Nam.
VDSC cũng lưu ý nhà đầu tư sự kiện mới đây khi, Trung Quốc vừa là đối tác thương mại lớn vừa của Việt Nam trong xuất khẩu nhiều nhóm hàng hóa sang thị trường Mỹ và châu Âu. Do vậy, sự kiện tái mở cửa nền kinh tế Trung Quốc sẽ có tác động trái chiều lên các nhóm cổ phiếu ngành xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh các nhóm hàng hóa nông sản, VDSC kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ cá tra tại thị trường Trung Quốc sẽ tăng lên sau khi mở cửa nền kinh tế, bù đắp phần nào cho sự sụt giảm tại thị trường Mỹ và châu Âu.
Trung Quốc đóng góp hơn 15% trong kim ngạch xuất khẩu và 12% trong kim ngạch nhập khẩu toàn thế giới. Vì vậy, giai đoạn Zero-Covid (ZCP) của Trung Quốc đã gây nên những sức ép nhất định với chi phí kho – vận, cũng như một số loại chi phí nguyên vật liệu đầu vào của thế giới. Như vậy, với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, tác động tích cực rõ thấy nhất là sự phục hồi mạnh mẽ của tiêu dùng dịch vụ. Mặc dù đã mở cửa trở lại, lượt khách du lịch đến Việt Nam vẫn ở mức thấp do thiếu vắng một lượng lớn khách Trung Quốc, VCSD kỳ vọng việc mở cửa trở lại sẽ mang đến nhiều du khách và nguồn thu cho du lịch năm 2023.
Kết thúc năm 2022, hầu hết các cổ phiếu nhóm chứng khoán, thép vẫn giảm trên 50%. Vốn hóa thị trường cũng theo đó “bốc hơi” hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Sự hụt hơi của nhóm ngành, trong đó có thép và chứng khoán diễn ra trong bối cảnh thanh khoản thị trường bất ngờ tụt áp. Giá trị khớp lệnh trên HoSE liên tục phá đáy và rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 25 tháng kể từ tháng 11/2020. Con số bình quân trong tuần cuối cùng chỉ đạt 6.800 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với giai đoạn một tháng trước. Dù vẫn có một vài giai đoạn giao dịch khá sôi động nhưng nhìn chung thanh khoản thị trường đã thấp hơn đáng kể so với năm 2021. Giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE trong năm 2022 chỉ đạt 15.500 tỷ đồng, giảm 22,5% so với con số trung bình năm 2021.
Do vậy, những động thái giải ngân của khối ngoại những ngày đầu năm cho thấy, nhóm cổ phiếu thép, chứng khoán, đầu tư công sẽ dẫn dắt đà tăng của thị trường trong năm 2023…
Có thể bạn quan tâm
Chứng khoán Mỹ giảm điểm, vàng suy yếu
12:44, 20/12/2022
KINH TẾ 2023: Chuyên gia đề xuất giải pháp lành mạnh hóa thị trường chứng khoán
12:13, 17/12/2022
Chứng khoán Bản Việt (VCI) mua lại 300 tỷ đồng trái phiếu trước hạn
11:07, 14/12/2022
Công ty chứng khoán: Rủi ro nào từ nghiệp vụ cho doanh nghiệp vay vốn?
05:30, 03/12/2022
Quản trị rủi ro đầu tư chứng khoán
03:42, 02/12/2022