VCSC lên kế hoạch lãi lớn, dự kiến đổi tên

L. MỸ 09/03/2023 15:00

CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC, HSX: VCI) đã công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 với nhiều nội dung quan trọng.

>>VCSC được "bơm" vốn 100 triệu USD, đánh giá thị trường Việt Nam hấp dẫn hơn khu vực

Chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu, tăng vốn điều lệ

Theo tài liệu ĐHĐCĐ của VCSC, Công ty dự kiến trình cổ đông thông qua các tờ trình về kế hoạch kinh doanh 2022, kế hoạch kinh doanh 2023. Đáng chú ý là kế hoạch phân phối lợi nhuận, dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền đợt 2/2022 với tỷ lệ 5% qua đó nâng tổng tỷ lệ cổ tức bằng tiền cho năm 2022 lên 12%.

Chứng khoán Bản Việt dự kiến ĐHCĐ ngày 30/3 với nhiều nội dung quan trọng. Ảnh minh họa: VCSC

Chứng khoán Bản Việt dự kiến ĐHĐCĐ ngày 30/3 với nhiều nội dung quan trọng. Ảnh minh họa: VCSC

Trước đó trong năm 2022, ngoài việc tạm ứng cổ tức đợt 1 bằng tiền, VCSC còn phát hành thêm hơn 100 triệu cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu (tỷ lệ 30%) qua đó nâng vốn điều lệ lên hơn 4.350 tỷ đồng.

Ngoài ra, VCSC còn có kế hoạch phát hành 2 triệu cổ phiếu ESOP với giá 12.000 đồng/cp, chỉ bằng chưa đến một nửa thị giá hiện tại. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ khi phát hành.

Việc chia cổ tức và kế hoạch phát hành ESOP căn cứ trên kết quả kinh doanh và kế hoạch phân phối lợi nhuận của năm qua. Năm 2022, VCSC ghi nhận doanh thu hoạt động đạt hơn 3.156 tỷ đồng, giảm gần 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.060 tỷ đồng, giảm 43% so với năm trước. 

Kế hoạch lãi nghìn tỷ năm 2023

Năm 2023, nhận diện thị trường tài chính và chứng khoán năm nay nay nhiều khó khăn, VCSC cho rằng sau khi đạt đỉnh vào năm 2021, thị trường M&A Việt Nam chững lại trong năm 2022 do các bên tham gia giao dịch M&A có xu hướng chi tiêu thận trọng hơn, một phần là do những lo ngại về địa chính trị trên toàn cầu cùng nguy cơ về lạm phát cao gây ảnh hưởng đến các giao dịch xuyên quốc gia. Tư vấn M&A và bảo lãnh phát hành là một trong những mảng nghiệp vụ thường mang đến doanh thu và lợi nhuận tốt cho VCSC trong những năm qua.

Theo VCSC, với sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng chậm hơn trong năm 2023 (dự kiến 6,5%) sau khi đạt mức tăng trưởng GDP năm 2022 là 8,02%. Ngay cả khi tốc độ tăng trưởng chậm lại vào năm 2023, đây vẫn là mức tăng trưởng cao do hầu hết các nền kinh tế khác đều được dự đoán mức tăng trưởng thấp hơn nhiều, thậm chí là tăng trưởng âm. Trong bối cảnh đó, giá trị của các thương vụ M&A tại thị trường Việt Nam trong năm 2023 được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng.

"Với vị thế số 1 trong nghiệp vụ ngân hàng đầu tư, chúng tôi tiếp tục tự tin khẳng định sang năm 2023, chúng tôi sẽ giữ vững, đồng thời ngày càng củng cố vị thế số 1 trong nghiệp vụ này. Công ty luôn có mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp trong nước, các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, và là đơn vị tư vấn cho nhiều doanh nghiệp hàng đầu đang niêm yết tại Việt Nam", tài liệu VCSC gửi cổ đông khẳng định.

Bên cạnh đó, công ty đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh phát triển môi giới bán lẻ. Theo VCSC lĩnh vực môi giới chứng khoán vẫn sẽ khó khăn trong năm 2023 với sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty chứng khoán với chiến lược cho vay ký quỹ cao, áp dụng chính sách miễn/giảm phí giao dịch cùng với việc đầu tư rất nhiều cho đội ngũ môi giới, trả hoa  hồng cao để đội ngũ này chào mời nhà đầu tư mới và nhà đầu tư có thâm niên đang giao dịch tại những công ty khác qua nhiều kênh.

Số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán tiếp tục bùng nổ trong năm 2022 (với gần 2,5 triệu tài khoản chứng khoán, bằng tổng số tài khoản mở mới trong 5 năm 2017, 2018, 2019, 2020 và 2021 cộng lại). "Chúng tôi sẽ tập trung phát triển lĩnh vực môi giới bán lẻ cho các nhà đầu tư cá nhân để nắm bắt cơ hội từ sự bùng nổ này. Đây là một trong những chiến lược trọng tâm của năm 2023. Để thực hiện chiến lược này, phòng “Đổi mới Sáng tạo” đã được thành lập trong quý 3/2022. Chúng tôi đã đầu tư mạnh mẽ về nhân sự, công nghệ và các hệ thống giao dịch hiện đại. Công ty đã cải tổ toàn diện hệ thống công nghệ và đa dạng hoá sản phẩm phục vụ khách hàng. Tiêu biểu là các dự án phần mềm lõi (core) giao dịch chứng khoán niêm yết, phần mềm lõi giao dịch chứng khoán phái sinh; nâng cấp kênh giao dịch chứng khoán qua web và app mobile; xây dựng sản phẩm mở tài khoản trực tuyến eKYC, giúp khách hàng nhanh chóng sở hữu tài khoản giao dịch chứng khoán", tài liệu ghi nhận.

VCSC cho rằng năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu GDP đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% trong năm 2023. Đây là mức tăng trưởng này là khả thi nhờ một loạt các yếu tố hỗ trợ: (1) Ngành du lịch được dự đoán sẽ tiếp tục phục hồi ấn tượng trong năm 2023, cầu tiêu dùng tiếp tục phục hồi sau đại dịch và được hỗ trợ tối đa từ nhu cầu du lịch trong nước và sự gia tăng số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (đặc biệt là từ Trung Quốc khi nước này đã thực hiện chính sách mở cửa lại sau Covid-19), (2) Giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh, (3) Việc Trung Quốc mở cửa sau Covid-19 sẽ giúp giá trị xuất khẩu của Việt Nam gia tăng mạnh mẽ và (4) Sự ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội thông qua đẩy mạnh và điều chỉnh có hiệu quả Chương trình phục hồi kinh tế trong năm 2023. Bộ phận phân tích của Công ty dự báo tăng trưởng EPS của VN-Index sẽ đạt khoảng 10% cho năm 2023 tương ứng với P/E dự phóng cho năm 2023 là 9,5 lần.

Tuy nhiên, VCSC cũng không loại trừ những rủi ro nhất định có thể ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Việt Nam, ví dụ như (1) Tăng trưởng toàn cầu giảm tốc cao hơn dự kiến dẫn đến gián đoạn lớn hơn đối với hoạt động sản xuất, thương mại và FDI; 2) Lạm phát cao hơn dự kiến khiến lãi suất duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn; 3) Các vấn đề tài chính của các công ty phát triển bất động sản ảnh hưởng đến các ngân hàng và nền kinh tế; 4) Chính sách tài khóa thắt chặt hơn dự kiến; và 5) Các rủi ro khác như cuộc xung đột Nga – Ukraine tiếp tục leo thang.

Các chỉ tiêu tài chính cụ thể trong năm 2023; với kế hoạch được xây dựng trên cơ sở VN-Index sẽ dao động quanh 1.100 điểm vào cuối năm 2023 của VCSC theo đó sẽ là: 

Dự kiến đổi tên thành Vietcap

ĐHĐCĐ VCSC dự kiến trình cổ đông thông qua đổi tên và thay đổi bộ nhận diện thương hiệu. Theo Công ty, hiện nay, Công ty Cổ phần Chứng Khoán Bản Việt được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau: VCSC, Viet Capital Securities, VCI, Chứng khoán Bản Việt. Điều này đã làm pha loãng sức mạnh thương hiệu của Công ty và do đó cần phải nhanh chóng đồng nhất bộ nhận diện thương hiệu của Công ty.

Mặt khác, tên gọi “Chứng khoán Bản Việt” có thể làm cho khách hàng nhầm lẫn với một số tổ chức trong nước khác có tên tương tự. Trong khi đó, tên gọi “Vietcap” rất ngắn gọn, độc đáo và đã được các nhà đầu tư (đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức) trên thị trường tài chính trong và ngoài nước biết đến.

Xét về mặt ngôn ngữ: Từ “Vietcap” ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ và có phát âm giống nhau trong cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Việc thay đổi tên Công ty thành “Vietcap” sẽ gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu cũng như nâng cao sức mạnh thương hiệu của Công ty. Bộ nhận diện thương hiệu của Công ty cũng cần được đổi mới theo hướng hiện đại và đơn giản hơn. Do đó, cổ đông của VCSC sẽ xem xét tờ trình thông qua kế hoạch đổi tên mới tới đây. 

ĐHĐCĐ VCSC dự kiến tổ chức vào 30/3 tại Khách sạn và tòa tháp Shareton, Đồng Khởi, Quận I. 

Có thể bạn quan tâm

  • VCI sẽ tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022

    VCI sẽ tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022

    10:00, 15/12/2022

  • Chứng khoán Bản Việt (VCI) mua lại 300 tỷ đồng trái phiếu trước hạn

    Chứng khoán Bản Việt (VCI) mua lại 300 tỷ đồng trái phiếu trước hạn

    11:07, 14/12/2022

  • FiinRatings công bố xếp hạng tín nhiệm lần đầu của VCI

    FiinRatings công bố xếp hạng tín nhiệm lần đầu của VCI

    14:42, 19/09/2022

L. MỸ