Giải pháp nào thúc đẩy doanh nghiệp lớn IPO, niêm yết mới?
Đặt trong tương quan với số doanh nghiệp đang hoạt động, có thể thấy số lượng doanh nghiệp lên sàn vẫn còn khá nhỏ, nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, chất lượng tốt vẫn chưa mặn mà IPO.
>>Ngành dược "lên đời", vì sao cổ phiếu DNM sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc?
Theo bà Trần Thị Lan Anh - Trưởng phòng tư vấn - Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, năm vừa qua (2022), trên thị trường có một vài doanh nghiệp đã làm ảnh hưởng tới uy tín các doanh nghiệp niêm yết nói chung.
Doanh nghiệp không "mặn mà" IPO
Chia sẻ tại tọa đàm do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức mới đây, bà Lan Anh cho rằng dù là thị trường có hiệu quả huy động vốn cao, nhưng nhiều doanh nghiệp quy mô lớn vẫn không thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán, vì không muốn bị đánh đồng với các doanh nghiệp có hoạt động thiếu minh bạch.
Trong khi đó, theo bà Hoàng Thúy Nga - Trưởng phòng kiểm toán 5, Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC, một nguyên nhân khác là theo quy định, doanh nghiệp tiến hành niêm yết phải có báo cáo tài chính đã qua kiểm toán 2 năm liên tiếp. Đánh giá một cách khách quan, yêu cầu này thực sự cần thiết bởi tính minh bạch của báo cáo kiểm toán.
Nhưng thực tế trong quá trình kiểm toán, mặc dù có nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, lại không đáp ứng được các yêu cầu trên. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp ghi nhận quy trình về kế toán cũng như minh bạch về báo cáo tài chính, chính vì vậy kiểm toán không thể chứng minh được sự minh bạch cho các doanh nghiệp.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết thúc quý I/2023, cả nước hiện có khoảng hơn 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong khi đó, ước tính hiện chỉ có xấp xỉ 2.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đã đại chúng hóa (công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ).
Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp đang niêm yết chỉ hơn 1.600 đơn vị đăng ký giao dịch trên 3 sàn: HOSE hiện có 403 doanh nghiệp, HNX có 332 doanh nghiệp và UPCoM là 865 doanh nghiệp.
Từ đầu năm tới nay, sàn HOSE chỉ ghi nhận duy nhất 1 mã cổ phiếu mới niêm yết là PVP của Công ty CP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương, chuyển từ UPCoM sang. Sắp tới 27/7, HOSE sẽ đón nhận thêm cổ phiếu của Sơn Á Đông. Sàn HNX cũng chỉ đón thêm 3 mã cổ phiếu chuyển sàn niêm yết là KSV của Tổng công ty CP Khoáng sản TKV và PPT của Công ty CP Petro Times, DTG của Dược phẩm Tipharco.
Ở chiều ngược lại, đầu năm nay HOSE cũng ghi nhận nhiều doanh nghiệp dừng kế hoạch niêm yết. Đơn cử như Công ty Chứng khoán Phú Hưng rút hồ sơ niêm yết 150 triệu cổ phiếu đã nộp ngày 8/11/2022 với lý do, tình hình thị trường chứng khoán chưa thuận lợi cho việc niêm yết cổ phiếu và lợi ích của cổ đông. Công ty cổ phần Tôn Đông Á rút hồ sơ niêm yết gần 115 triệu cổ phiếu đã nộp ngày 22/4/2022. Hay Công ty cổ phần Địa ốc Sacom (SamLand) cũng hủy kế hoạch niêm yết do không còn phù hợp với định hướng của Công ty trong thời gian tới...
>>Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lên sàn: Có kỳ vọng "phá băng" thanh khoản?
Sớm giải bài toán minh bạch
Theo bà Hoàng Hải Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VASB, hơn 1.600 doanh nghiệp trên thị trường, đa số là những doanh nghiệp hết sức tiêu biểu cho nền kinh tế. So sánh tương quan với các thị trường Thái Lan, Singapore đang có quy mô dưới 1.000 doanh nghiệp, bà Hải Anh khẳng định đây không phải thị trường nhỏ.
Tuy nhiên, vấn đề được bà Hoàng Hải Anh đặt ra đó là cần có thêm giải pháp nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết mới. Đồng thời nâng cao tiêu chuẩn niêm yết. Với vai trò là "phong vũ biểu" cho nền kinh tế, doanh nghiệp phải có tính minh bạch cao nhất, cũng như hiệu quả kinh doanh tốt nhất, để xứng đáng lọt vào "mắt xanh" của các nhà đầu tư, của công chúng quan tâm.
Bà Hồ Thị Phương Tú - Giám đốc phòng quản lý niêm yết, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) - chia sẻ, trong tiêu chí để được niêm yết, điều kiện bắt buộc là các doanh nghiệp phải đi qua thị trường UPCoM, điều này tạo sự sàng lọc khắt khe hơn trước và tạo ra sự thay đổi đặc biệt cho thị trường chứng khoán.
Bởi vậy, các doanh nghiệp niêm yết trong thời gian gần đây đều có tối thiểu 2 năm đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Thêm vào đó, điều kiện vốn điều lệ cũng được quan tâm đúng mức với quy định ít nhất 30 tỷ đồng vốn tự có.
Theo đại diện của HNX, dù giá trị tương đối nhỏ, song cũng góp phần tạo dựng nên lượng hàng hóa có chất lượng tốt hơn, đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ hơn. Cuối cùng là tiêu chí về năng lực của các Chủ tịch, lãnh đạo của doanh nghiệp khi niêm yết, họ không được vi phạm Luật Chứng khoán trong quá trình điều hành doanh nghiệp.
Các chuyên gia cũng cho rằng để gạt bỏ tâm lý ngại minh bạch, trước hết bản thân doanh nghiệp cần trang bị cho mình đội ngũ kế toán, nhân sự tài chính giỏi nghề, giàu kinh nghiệm, chuẩn hóa nghiệp vụ để không còn lo lắng mỗi khi đối diện với các kiểm toán viên.
Về dài hạn, ông Nguyễn Thanh Kỳ - Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam- khẳng định, Việt Nam được các nhà đầu tư nhận định có nhiều tiềm năng tăng trưởng. Để tăng quy mô hàng hóa cho thị trường, tăng sức hấp dẫn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu nâng hạng, việc khuyến khích thu hút doanh nghiệp lên sàn chứng khoán tập trung trong thời gian tới là rất cần thiết.
Số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ghi nhận hiện TTCK có 42 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD (trên 23.000 tỷ đồng). Trong 3 năm vừa qua, TTCK Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc về thanh khoản, vốn hóa, số nhà đầu tư tham gia thị trường. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM đến ngày 30/6/2023 đạt 5.783 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2022, tương đương 60,8% GDP ước tính năm 2022.
Có thể bạn quan tâm