Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt - Mỹ: Cơ hội lớn cho ngành xuất khẩu
Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam mở ra nhiều cơ hội cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và đối tác thương mại lớn thứ hai.
>>>Đón chờ một chương mới trong quan hệ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ
Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy trong tháng 8/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10%; nhập khẩu giảm 16,2%.
Về thị trường xuất nhập khẩu, hàng hóa 8 tháng năm 2023, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 62,3 tỷ USD, ngược lại Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 68,1 tỷ USD.
Về mặt hàng xuất khẩu, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58,4%). Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm đều giảm so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên một vài sản phẩm có câu chuyện riêng vẫn cho mức tăng trưởng dương đặc biệt như Rau quả, gạo.
Triển vọng phục hồi tốt trong nửa cuối năm 2023
Trong nửa đầu năm 2023, xuất khẩu Việt Nam kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc khi quốc gia này mở cửa trở lại sau đại dịch, nhưng triển vọng này không đạt kỳ vọng. Nửa sau 2023, kỳ vọng được đặt nhiều hơn vào thị trường Mỹ.
Tình hình kinh tế thế giới đang có những triển vọng nhất định, đặc biệt là thị trường Mỹ khi: 1) nhu cầu tăng cao cho các dịp lễ cuối năm 2) hàng tồn kho các thị trường lớn đang giảm dần 3) lạm phát trên toàn cầu đang ngày càng được kiểm soát.
Đặc biệt, sự kiện Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm Việt Nam mở ra nhiều cơ hội cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo chủ chốt khác của Việt Nam để "thảo luận những biện pháp làm sâu sắc hơn hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam" mang đến rất nhiều cơ hội mới trong tương lai.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ trên thế giới, lớn nhất trong ASEAN. Kim ngạch xuất nhập khẩu một số mặt hàng riêng lẻ kỳ vọng sẽ tạo đáy và dần phục hồi: Thủy hải sản, gỗ, xơ sợi, thép; Một số mặt hàng duy trì được đà tăng trưởng: gạo, nông sản (cà phê, hoa quả, hạt điều).
Chúng tôi nhận định, xuất nhập khẩu tháng 8 chưa có nhiều chuyển biến tích cực, mức độ suy giảm so với cùng kỳ dần được thu hẹp là điểm đáng chú ý. Về vấn đề nhập khẩu, thường giai đoạn tháng 8 - 10 sẽ là thời điểm Việt Nam nhập khẩu mạnh để phục vụ cho xuất khẩu cuối năm, vấn đề bất ổn về tỷ giá gần đây cũng ảnh hưởng 1 phần đến hành động của các nhà nhập khẩu.
>>>Động lực và thách thức của nhóm ngành xây dựng, đầu tư công
Tăng trưởng xuất khẩu về cuối năm 2023 sẽ phụ thuộc chủ yếu vào sức mua tại thị trường lớn như Hoa Kỳ, trước thị trường lao động và tiêu dùng khá bền vững trong số liệu tháng 7, kỳ vọng xuất khẩu sẽ phục hồi nhẹ vào quý 4/2023 chủ yếu đáp ứng dịp mua sắm cuối năm.
Các ngành triển vọng nửa cuối năm
Triển vọng cá tra (VHC, ANV): Cá tra sau thời gian nửa đầu năm chìm trong khó khăn do lạm phát và suy thoái làm giảm mạnh nhu cầu tiêu thụ, nửa cuối năm đã dần xuất hiện nhiều triển vọng tích cực cho ngành hơn.
Về triển vọng kết quả kinh doanh, chúng tôi đánh giá cung cầu toàn thị trường đang ủng hộ cho ngành thủy sản với: 1) Cung thị trường toàn cầu đang có dấu hiệu thắt chặt. Nhật Bản tiến hành xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý ra biển từ ngày 24/8, hành động này bị lên án và thủy sản Nhật Bản bị nhập khẩu vào các nước láng giềng Trung Quốc & HongKong, Hàn Quốc làm ảnh hưởng tương đối tới tổng cung thủy sản thế giới. Trong khi cầu đang dần được cải thiện, kỳ vọng ghi nhận phục hồi vào nửa cuối năm trong bối cảnh nhu cầu trữ kho tại các thị trường xuất khẩu tăng khi thị trường toàn cầu bước vào mùa lễ hội. Lạm phát hạ nhiệt tại Mỹ cũng có thể kích thích tiêu dùng tại thị trường này. Hiện hàng tồn kho tại Mỹ cũng đã cạn dần và nhu cầu nhập hàng sẽ quay trở lại phục vụ mùa cao điểm lễ hội trong quý 3 có thể là yếu tố hỗ trợ nhu cầu tại khu vực Bắc Mỹ.
2) Bối cảnh cung cầu giúp giá cá tra đang được cải thiện tương đối tốt khi giá xuất tới các thị trường tăng lên trong thời gian gần đây và khả năng duy trì tiếp trong nửa sau 2023.
3) Chi phí cũng được hỗ trợ khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đang có xu hướng giảm và đặc biệt, giá vận chuyển logistics giảm mạnh trong bối cảnh cung cầu logistics đang chênh lệch nghiêng về cung.
Chúng tôi dự báo nhu cầu có thể dần phục hồi trong các tháng cuối năm. Giá các sản phẩm thủy sản như cá tra đã dần ổn định và kỳ vọng tăng trở lại khi nhu cầu có tín hiệu phục hồi. Biến động về sản lượng xuất và giá bán tích cực sẽ hỗ trợ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cải thiện trong nửa sau năm 2023.
Về triển vọng tăng trưởng cổ phiếu, giá cổ phiếu thủy sản phần lớn chưa tăng mạnh (ngoại trừ VHC) phản ánh đúng kết quả ảm đạm của ngành trong chu kỳ giảm vừa qua. Chính vì vậy, chúng tôi đánh giá khá cao dư địa tăng trưởng của cổ phiếu ngành này khi kết quả kinh doanh cải thiện trở lại trong nửa sau năm 2023.
Triển vọng ngành gạo (TAR, LTG): Hiện tượng El Nino năm nay dự kiến sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát lương thực toàn cầu vốn đã cao vì lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.
Về triển vọng kết quả kinh doanh, chúng tôi đánh giá sự ảnh hưởng của cung cầu gạo trên toàn cầu sẽ tác động tới Việt Nam một cách rõ rệt:
1) Cung thế giới bị bó hẹp khi các quốc gia sản xuất chính (Nga, Ấn Độ, Thái Lan) đang thắt chặt xuất khẩu lương thực vì các lý do khác nhau, trong khi lúa gạo Việt Nam vẫn duy trì tốt mùa vụ sẽ giúp Việt Nam duy trì lượng xuất khẩu ổn định và dành lấy thêm nhiều thị phần của các quốc gia xuất khẩu khác.
2) Cung cầu thắt chặt cũng sẽ giúp đẩy giá gạo tăng nhanh, giá gạo đã tăng khá mạnh trong thời gian qua và đà năng dự kiến vẫn tiếp tục duy trì trong nửa sau năm 2023.
Ấn Độ và các nước lương thực lớn hạn chế xuất khẩu gạo giúp Việt Nam hưởng lợi từ gia tăng đơn hàng và chiếm lĩnh thị phần. Cung cầu thế giới thúc đẩy sản lượng và giá bán lúa gạo duy trì cao trong nửa cuối năm nay, mang về nguồn doanh thu tốt cho các doanh nghiệp lương thực Việt Nam như LTG, TAR.
Về triển vọng tăng trưởng cổ phiếu, giá cổ phiếu gạo như LTG, TAR đã tăng tương đối tốt từ đáy kể từ khi có thông tin về giá gạo tăng và các quốc gia hạn chế xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá triển vọng tăng trưởng của các mã cổ phiếu vẫn còn khá tốt trong nửa sau năm 2023 với kỳ vọng tích cực về tăng trưởng kết quả kinh doanh và cơ hội gia tăng tỷ trọng cho nhà đầu tư vẫn còn lớn.
Triển vọng gỗ và đá (PTB, VCS): Về triển vọng kết quả kinh doanh, nhu cầu có thể tăng trở lại trong bối cảnh thị trường bất động sản tại Mỹ có dấu hiệu phục hồi: Doanh số bán nhà mới tại thị trường Mỹ đang có dấu hiệu tăng trở lại cho thấy những tín hiệu khởi sắc đầu tiền của thị trường nhà ở qua đó giúp kỳ vọng vào sự phục hồi của các đơn hàng đá thạch anh. Ngoài ra Mỹ cũng mới áp thuế CBPG, CTC lên các sản phẩm đá nhân tạo từ thị trường Ấn Độ (quốc gia xuất khẩu đá lớn nhất sang Mỹ). Đây là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp đá nhân tạo, gỗ và sản phẩm gỗ ở Việt Nam nói chung và PTB, VCS nói riêng có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Về triển vọng tăng trưởng cổ phiếu, PTB cùng với VCS chưa tăng trưởng nhiều trong 8T đầu năm 2023 phản ánh kết quả kinh doanh không tốt trong giai đoạn này. Chúng tôi kỳ vọng giá cổ phiếu PTB và VCS sẽ phục hồi tốt hơn theo những tín hiệu tích cực từ thị trường nhà ở của Mỹ trong nửa sau năm 2023, đầu năm 2024.
Có thể bạn quan tâm