Động lực nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam “cất cánh”?
Để thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đi vào tăng trưởng ổn định cần nỗ lực cải thiện ở nhiều khía cạnh.
>>>Cổ phiếu chứng khoán sẽ dẫn đầu đà tăng trưởng trong quý 3/2023
Ổn định vĩ mô
Biến động tỷ giá có ảnh hưởng đến TTCK. Với sự mạnh lên của nhiều đồng tiền quốc gia khác, đặc biệt là đồng Đô la Mỹ trong thời gian gần đây, sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tình hình hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp có sử dụng ngoại tệ này trong giao dịch thanh toán và tín dụng, ở cả 2 chiều tích cực và tiêu cực. Tỷ giá bán USD/VND của ngân hàng Vietcombank niêm yết cuối ngày 03/10/2023 là 24.550 đồng.
Cùng với tỷ giá, áp lực kiểm soát lạm phát được đặt ra cho Chính phủ Việt Nam. Những dự báo về lạm phát đầu năm của Việt Nam trong năm 2023 đang có nhiều thay đổi trước những biến số kinh tế thị trường và chính sách điều hành của Ngân hàng nhà nước. Công bố của Tổng cục thống kê, trong 09 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản ở nước ta tăng 4,49%.
Đồng thời, những bất ổn từ thị trường bất động sản trong và ngoài nước đang tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Báo cáo mới nhất của Bộ xây dựng cho thấy nguồn cung bất động sản trong nước có sự sụt giảm khá mạnh, tiến độ nhiều dự án bị trì trệ, tình trạng chậm thanh toán gia tăng và thanh khoản giao dịch nhà ở trên thị trường cũng rơi vào trạng thái trầm lắng. Ngoài ra, khủng hoảng trong ngành bất động sản tại Trung Quốc có thể tạo ra hiệu ứng dây chuyền lan sang các nền kinh tế khác, tác động đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng.
Vấn đề về an ninh lương thực không chỉ là thách thức nền kinh tế toàn cầu, mà còn là nguy cơ đe dọa sự ổn định của TTCK. Hiện nay, nhiều quốc gia ở châu Phi chịu ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine đang đối mặt với nạn đói. Tuy việc thiếu lương thực không xảy ra tại Việt Nam, và nước ta cũng đang chung tay, giải quyết những khó khăn của cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu nhưng về dài hạn, các doanh nghiệp trong lĩnh vực lương thực thực phẩm phải dự phòng những rủi ro, đảm bảo nguồn cung trong nước, có chiến lược trong việc giới thiệu nông sản Việt ra sân chơi quốc tế hướng tới phát triển tài chính bền vững và đóng góp tích cực cho TTCK Việt Nam sớm cất cánh.
>>>Nâng hạng thị trường chứng khoán: IR và ESG
Nâng hạng thị trường
Mục tiêu nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi được đưa ra trong Nghị quyết số 86/NQ-CP. Nâng hạng thị trường sẽ góp phần nâng cao độ tin cậy của TTCK và tạo đà phát triển lành mạnh, bền vững trong trung và dài hạn.
Ghi nhận trong báo cáo Đánh giá khả năng tiếp cận thị trường trên phạm vi toàn cầu của MSCI vào ngày 10/06/2023, TTCK Việt Nam tồn tại các hạn chế khiến cho việc nâng hạng thị trường gặp khó khăn, bao gồm: (1) mức độ mở cửa cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài (giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, vấn đề liên quan đến room ngoại và quyền bình đẳng của NĐT nước ngoài trong tiếp cận thông tin doanh nghiệp) (2) mức độ dễ dàng luân chuyển vốn trên thị trường (thị trường giao dịch chứng khoán bằng ngoại tệ chưa thông thoáng), (3) mức độ hiệu quả của khuôn khổ hoạt động (thông tin thị trường không đầy đủ và khó tiếp cận với NĐT nước ngoài, thiếu công cụ thanh toán và bù trừ trong giao dịch chứng khoán như vay thấu chi, ứng tiền trước, chưa có quy định về giao dịch ngoài sàn và chuyển nhượng chứng khoán bằng hiện vật, công cụ cho vay chứng khoán và bán khống). Đây là những hạn chế mà Việt Nam cần khắc phục để thúc đẩy quá trình nâng hạng TTCK trong thời gian tới.
Hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin
Theo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, hệ thống công nghệ thông tin ký kết giữa Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc KRX dự kiến đưa vào vận hành từ cuối tháng 12/2023.
Hệ thống KRX được kỳ vọng sẽ mang đến phương thức thanh toán, giải pháp giao dịch và các loại chứng khoán mới cho TTCK Việt Nam, bao gồm: Giảm thời gian thanh toán, giao dịch được thực hiện trong ngày, phát triển các sản phẩm chứng khoán mới như bán khống, chứng quyền bán, hợp đồng quyền chọn,…
Củng cố niềm tin nhà đầu tư
Động lực quan trọng hơn hết là niềm tin của NĐT trong và ngoài nước phải vững chắc trước những biến động của thị trường. Bên cạnh ngân hàng và bảo hiểm, TTCK có vai trò quan trọng trong việc điều tiết nền kinh tế và thu hút nguồn vốn nước ngoài.
Về quy mô thị trường, tính đến tháng 08/2023, vốn hóa TTCK đạt 8.235.982 tỷ đồng, tương đương 92,58% GDP năm 2022, tăng nhẹ 0.5% so với tháng trước và tăng 18.18% so với cùng kỳ năm trước. Về thanh khoản, giá trị giao dịch và số lượng tài khoản NĐT toàn thị trường có sự gia tăng. Tuy nhiên, NĐT nước ngoài liên tục bán ròng từ tháng 02 đến nay, với tổng giá trị giao dịch bán ròng là hơn 10.770 tỷ đồng.
Nhằm đáp ứng nhu cầu cũng như củng cố niềm tin của NĐT trên thị trường, Chính phủ và các cơ quan ban ngành liên quan có thể xem xét: (1) thiết lập cơ chế chính sách trong việc phòng tránh thao túng thị trường dựa trên cơ sở báo cáo thông tin đầy đủ, minh bạch và công khai, (2) thành lập Tòa xét xử chuyên trách trong lĩnh vực chứng khoán và (3) xây dựng Quỹ bảo vệ NĐT để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NĐT khi công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ xảy ra sai sót về mặt kỹ thuật.
Có thể bạn quan tâm
Bối cảnh vĩ mô và những tác động đến thị trường chứng khoán
04:50, 27/09/2023
Áp lực của thị trường chứng khoán trước tình hình biến động quốc tế
05:15, 26/09/2023
Tăng trưởng tín dụng sẽ hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán
05:30, 25/09/2023
Tiền rẻ nhưng chưa chảy mạnh vào thị trường chứng khoán
05:30, 15/09/2023