Sản xuất, xuất khẩu và xây dựng hạ tầng vào "rổ" khả quan năm 2024
Trong khi ngân hàng và bất động sản bị hạ dự báo tích cực thì theo FinnGroup, các ngành sản xuất, xuất khẩu và xây dựng hạ tầng dự kiến là "outperformers" trong năm tới.
>>> Tác động từ triển vọng vĩ mô và rủi ro chính với TTCK năm 2024
Cụ thể, dự báo triển vọng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2024 của các chuyên gia từ FiinGroup đưa ra "danh mục" 6 lĩnh vực, nhóm ngành có triển vọng lợi nhuận tích cực.
Thứ nhất là ngành công nghệ thông tin. Trong đó, nhận định về cơ hội dựa trên cơ sở về tiến trình chuyển đổi số và xu hướng AI đang kích thích chi tiêu cho phần mềm và dịch vụ CNTT, đặc biệt ở lĩnh vực liên quan đến Cloud. Theo đó, doanh nghiệp IT trong nước có lợi thế chi phí thấp và đa dạng sản phẩm.
Yếu tố rủi ro của ngành này có thể là: Vĩ mô kém tích cực dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu và doanh nghiệp hạn chế đầu tư mới, chi tiêu cho CNTT giảm.
Năm 2023, phải nói thêm là thế giới tiếp tục chứng kiến cuộc chiến kiên trì chống lạm phát của các NHTW, và các nền kinh tế hàng đầu đứng trước nỗi lo ngại suy thoái, đã kéo theo việc thắt chặt đầu tư chi tiêu chung và CNTT nói riêng, đi cùng là các đợt sa thải nhân công, nhân sự trong ngành IT với khối lượng khổng lồ. Tuy nhiên, kịch bản suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn đang được đánh giá có khả năng xảy ra thấp. IMF dự báo kinh tế thế giới vẫn đang trên đà giảm cho đến năm 2024, dù nguy cơ suy thoái đã bớt phần nào và sau đó mới thực sự hồi phục trở lại.
FiinGroup nêu mã cổ phiếu quan tâm của ngành CNTT trong năm tới là ông lớn đầu ngành FPT với chiến lược “săn cá voi” (tập trung khai thác các khách hàng có quy mô doanh số lớn >5 triệu USD) mang lại kết quả khả quan.
>>> Hỗ trợ hệ sinh thái, các CTCK tăng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp
Thứ hai, bất động sản (BĐS) khu công nghiệp. Mặc dù ngành BĐS bị hạ dự báo khả quan, song BĐS Khu công nghiệp vẫn được đánh giá triển vọng lợi nhuận tích cực vào 2024, do: Kỳ vọng FDI vào Việt Nam cải thiện nhờ dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc và sự hồi phục ở dòng vốn từ các quốc gia truyền thống như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản; Giá cho thuê tăng do nguồn cung mới hạn chế..., tạo cơ hội cho ngành.
Trong khi đó, rủi ro của ngành này là: Dòng vốn từ các quốc gia chủ đạo hồi phục chậm do môi trường lãi suất cao kéo dài và triển vọng kinh tế kém hơn dự báo; Trở ngại về pháp lý trong xây mới KCN, Thiếu nhân lực chất lượng cao, nguồn cung điện
Cổ phiếu quan tâm theo FiinGroup: VGC (nhà phát triển BĐS KCN lớn thứ 2 ở miền Bắc), SIP và GVR ở miền Nam.
Thứ ba, ngành dầu khí tích cực với: Giá dầu dự báo neo ở mức cao trong năm 2024 nhờ (1) sản xuất công nghiệp trên đà hồi phục (với động lực chính từ Trung Quốc nhờ nỗ lực nới lỏng chính sách để thúc đẩy tăng trưởng) và (2) nguồn cung thắt chặt khi căng thẳng địa chính trị tiếp diễn.
Rủi ro: Hoạt động sản xuất ở Trung Quốc hồi phục chậm và tăng trưởng toàn cầu chững lại.
Cổ phiếu quan tâm: PVD và PVS (giá cổ phiếu nhạy với giá dầu và triển vọng LN tích cực nhờ gia dầu neo cao).
Thứ tư là xuất khẩu với các ngành thủy sản, dệt may. Cơ hội sẽ đến với các doanh nghiệp trong 2 ngành xuất khẩu quan trọng này là nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu chính (Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc) dần hồi phục và các nhà bán lẻ tăng nhập khẩu.
Tuy nhiên, rủi ro trong dự báo cần lưu ý có thể xảy đến là cầu hồi phục chậm hơn dự báo, bên cạnh đó là việc phải cạnh tranh với các nguồn cung giá thấp từ Ecuador, Ấn Độ, Bangladesh. Ngoài ra là rủi ro địa chính trị và đi cùng là nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.
Theo FiinGroup, trong ngành thủy sản, IDI, ANV; còn trong ngành dệt may có TNG, MSH là những cổ phiếu quan tâm.
Thứ năm, thép là ngành được dự báo triển vọng lợi nhuận tích cực trong 2024 với cơ hội từ xuất khẩu hồi phục; Tăng trưởng lợi nhuận nhờ biên cải thiện khi (i) giá bán ra nhích lên nhưng giá nguyên vật liệu đầu vào (quặng sắt, than cốc) biến động nhẹ hoặc đi ngang và (ii) tối ưu hàng tồn kho.
Rủi ro của doanh nghiệp ngành thép là thị trường BĐS trầm lắng kéo dài và giá điện tăng. 2 cổ phiếu ngành được đề xuất quan tâm là HSG và HPG.
Thứ sáu, hóa chất cũng được gọi tên trong nhóm ngành dự báo tích cực và cũng là ngành "chốt" danh sách này.
Theo FiinGroup, cơ hội của hóa chất đến từ nhu cầu tiêu thụ thiết bị bán dẫn toàn cầu sẽ tăng mạnh +20,2% trong năm 2024 (+10% dự báo trước đó) nhờ xu hướng gia tăng sử dụng các sản phẩm AI và tồn kho máy tính/điện thoại sẽ trở về mức bình thường nửa cuối 2024. Ngược lại, rủi ro là ngành bán dẫn hồi phục chậm hơn dự kiến; Chi phí nguyên liệu đầu vào (quặng apatit, than, điện…) tăng. Cổ phiếu quan tâm của ngành là DGC của Hóa chất Đức Giang.
Ở chiều ngược lại, 4 nhóm ngành có triển vọng lợi nhuận tiêu cực trong dự báo gồm: ngân hàng, BĐS dân cư, bán lẻ (ICT) và phân bón.
Tuy nhiên, trong các ngành này, vẫn có những cổ phiếu được quan tâm như: ACB, VIB của ngành ngân hàng với (1) duy trì tăng trưởng tín dụng, (2) dư nợ BĐS chiếm tỷ trọng thấp và (3) NIM ổn định; NLG, KDH của BĐS Dân cư với việc sở hữu có các dự án nhà ở giá hợp lý sẵn sàng mở bán, áp lực nợ vay thấp và có quỹ đất sạch để triển khai dự án mới; FRT của bán lẻ với việc triển khai mảng kinh doanh mới và cổ phiếu hấp dẫn dòng tiền của khối ngoại (ngành bán lẻ); và DCM trong ngành phân bón với nhà máy urea hết khấu hao hỗ trợ lợi nhuận cải thiện mạnh từ 2024.
Có thể bạn quan tâm
Đà phục hồi của thị trường chứng khoán còn kém bền vững
03:40, 18/11/2023
Lợi suất trái phiếu Mỹ giảm sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam
05:23, 17/11/2023
4 yếu tố rủi ro trên thị trường chứng khoán tháng 11/2023
05:00, 12/11/2023
Đóng loạt tài khoản chứng khoán ảnh hưởng đến thị trường?
13:00, 08/11/2023
Nhà đầu tư hãy tin vào thị trường chứng khoán Việt Nam
05:30, 07/11/2023