Thị trường thép sẽ thiết lập mặt bằng giá mới
Mặc dù, giá thép đang có xu hướng “giảm nhiệt”, song theo đánh giá của các nhà thầu xây dựng đây vẫn là mức cao. Đặc biệt, có dự báo cho thấy, một mặt bằng giá thép mới có thể sẽ được thiết lập...
Theo đó, tính từ đầu tháng 6/2021 đến nay, thép xây dựng trong nước đã có 2 đợt giảm giá sau một thời gian dài tăng phi mã. Tuy nhiên, theo các nhà thầu xây dựng, dù giảm nhưng giá thép trong nước vẫn ở mức cao. Đặc biệt, có dự báo cho thấy, một mặt bằng giá thép mới có thể được thiết lập không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực và toàn cầu trong thời gian tới.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), so với thời điểm cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2021, giá thép xây dựng đến ngày 22/6/2021 đã giảm khoảng 750.000 đồng/tấn đến 1,5 triệu đồng/tấn, tùy theo thương hiệu và sản phẩm.
Cụ thể, giá thép cuộn CB240 của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát hiện ở mức 16.600 đồng - 16.700 đồng/kg; thép cây D10 ở mức 16.800 - 17.100 đồng/kg. Tương tự, thương hiệu thép Việt Đức tại miền Bắc và miền Trung cũng thông báo giảm mạnh giá bán, thép cuộn CB240 ở mức trên 16.600 - 17.000 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.900 - 17.300 đồng/kg. Thương hiệu thép Pomina tại miền Trung và miền Nam với dòng thép cuộn CB240 ở mức trên 16.100 - gần 16.300 đồng/kg; thép thanh D10 CB300 có mức giá 17.000 - trên 17.100 đồng/kg…
Thông tin với cơ quan báo chí, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, diễn biến giá thép trên thị trường đang có lợi hơn cho nhà thầu là một tin mừng. Tuy vậy, theo ông Hải, dù giảm nhưng mức giá này vẫn còn cao.
Theo VSA, giá thép xây dựng trong nước giảm là do yếu tố chính từ cung cầu thị trường, trong đó giá nguyên liệu, giá thép của thế giới, khu vực và đặc biệt thị trường Trung Quốc được kiểm soát. Ở trong nước, nhu cầu thép cũng giảm do yếu tố mùa vụ: miền Nam đang mùa mưa, các công trình giãn tiến độ do giải ngân vốn chậm…
“Ngoài ra, những động thái khuyến cáo của cơ quan nhà nước và VSA cũng có những ảnh hưởng nhất định trong việc lành mạnh hóa thị trường”, đại diện VSA nhìn nhận.
Trước đó, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ cho biết, diễn biến tăng đột biến giá thép xây dựng nói riêng và các loại vật liệu xây dựng nói chung đã gây thiệt hại quá lớn cho các nhà thầu xây dựng. VACC nhấn mạnh, nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các bộ ngành thì nhiều nhà thầu sẽ thua lỗ nặng, phải ngừng thi công, thậm chí phá sản.
Trả lời nghi vấn thời gian qua, giá thép tăng phi mã có là điều bất thường hay không, các bộ ngành cũng đưa ra những quan điểm trái chiều. Trong một văn bản, Bộ Xây dựng nhận định, giá nguyên vật liệu có xu hướng tăng cao, đặc biệt là thép có giá cao đột biến, tăng không theo quy luật tăng giá thông thường.
Do đó, Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Xây dựng thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.Trong khi đó, Bộ Công Thương lại nhìn nhận rằng, giá thép tăng thời điểm này là bình thường, do phụ thuộc nguyên liệu từ nguồn nhập khẩu có mức giá đang tăng cao.
Lý giải việc thép không thiếu nguồn cung nhưng vẫn lên cơn "sốt giá", Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung thừa nhưng cung ứng là chuyện khác vì dịch COVID-19 khiến các nhà máy đóng cửa, trong khi đó vấn đề logistics làm nguồn nguyên liệu bị gián đoạn nên không thể tăng sản xuất. Với tình hình này, thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới, nhưng sau này sẽ được điều chỉnh theo quan hệ cung cầu.
Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, giá nguyên liệu sản xuất thép tăng cao đã làm cho giá thép thành phẩm tăng theo, gây ảnh hưởng rất lớn đến các ngành sản xuất liên quan sử dụng sản phẩm thép. Việc tăng giá thép cũng sẽ làm tăng tổng mức đầu tư, tăng giá gói thầu và hợp đồng xây dựng, phá vỡ kế hoạch vốn đầu tư trung hạn của Chính phủ, làm tăng chi ngân sách, ảnh hưởng đến tài khóa năm 2021.
Theo đó, để hạ nhiệt giá thép, tránh hiện tượng đầu cơ ép giá để trục lợi, Bộ Công Thương đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá. Tổng cục Thống kê cung cấp tình hình sản xuất và tiêu thụ thép hàng tháng. Bộ Xây dựng dự báo và cung cấp nhu cầu sắt, thép xây dựng để cân đối nhu cầu, giúp doanh nghiệp chủ động trong việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm.
Ngoài ra, loạt giải pháp nhằm ổn định thị trường thép cũng được Bộ Công Thương đưa ra như xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng...Tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, thao túng giá thép trên thị trường, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, phải theo dõi và xem xét xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép. Đồng thời, phải rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm thép trong nước đang có nhu cầu....
Tiếp đó, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm thép trong nước đang có nhu cầu.
Dự báo về tình hình giá thép thời gian tới, VSA cũng nhận định, có thể giá thép sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới, bởi việc quay trở lại với mốc giá bình ổn trước đại dịch là rất khó. VSA khuyến nghị doanh nghiệp sản xuất thép luôn phải tham khảo dự báo tin cậy từ các tổ chức uy tín thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Hiệp hội Thép thế giới (WSA)… để điều chỉnh, cân đối giá bán với sự biến động của giá nguyên vật liệu, giá thành sản xuất. Về phía các nhà thầu xây dựng, nên đưa ra phương án kinh doanh, tính toán phù hợp nhằm giảm thiểu rủi ro do giá thép cao.
Có thể bạn quan tâm
Bộ Công Thương điều tra chống bán phá giá thép mạ nhập khẩu
14:38, 28/06/2021
Bộ Công Thương nói gì về đề xuất "thành lập Quỹ bình ổn giá thép"?
21:51, 03/06/2021
Giải bài toán tăng giá thép ra sao?
04:30, 02/06/2021
Khi nào giá thép có thể hạ nhiệt?
03:00, 26/05/2021
Hàng loạt giải pháp chặn đà tăng của giá thép
04:40, 15/05/2021
Dự báo giá thép tăng chưa có điểm dừng
06:04, 11/05/2021
Vì đâu giá thép thế giới cao kỷ lục?
23:37, 08/05/2021
Bộ Xây dựng đang kiểm tra hiện tượng giá thép tăng 30-40%
06:00, 08/05/2021