Giải bài toán tăng giá thép ra sao?

DIỄM NGỌC 02/06/2021 04:30

Quản lý giá trong cơ chế thị trường ra sao để giá thép có thể được "bình ổn" cung cầu mà không phải lập Quỹ bình ổn, doanh nghiệp vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu bình thường?

Theo Tổng hội xây dựng Việt Nam, trong quý 1/2021 giá thép xây dựng trên thị trường đã biến động tăng lớn so với quý 4/ 2020, phổ biến ở mức từ 30 - 40%. Mức tăng giá này đã tiến sát mức tăng giá thép bất thường năm 2007.

Cá chuyên gia đề nghị Bộ Công Thương tích cực trong việc điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh, lượng xuất nhập khẩu để đảm bảo cung cầu trong nước ổn định, thay vì lập Quỹ bình ổn giá thép

Cá chuyên gia đề nghị Bộ Công Thương tích cực trong việc điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh, lượng xuất nhập khẩu để đảm bảo cung cầu trong nước ổn định, thay vì lập Quỹ bình ổn giá thép

Một số chuyên gia dự báo, giá thép đã có dấu hiệu chững lại nhưng không có biểu hiện giảm. Bên cạnh việc giá thép tăng thì giá nhiều loại vật liệu xây dựng chủ yếu như cát, đá, đất đắp,.. cũng tăng cao.

Lý giải cho điều này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế cho rằng, tổng công suất có thể sản xuất của ngành thép Việt Nam hiện nay vào khoảng 17 triệu tấn. Nhưng do năm 2019 giá thép xuống thấp, kết hợp cùng tác động của dịch bệnh trong năm 2020, đã khiến các doanh nghiệp thận trọng hơn, sản xuất cầm chừng, dẫn đến tổng sản xuất được khoảng 10 triệu tấn, đồng thời nhập khẩu thêm khoảng 10 triệu tấn.

Thực trạng tăng giá thép không còn là vấn đề của riêng Việt Nam mà là vấn đề toàn cầu, khi giá thép thế giới cũng “phi mã”. Điều đó phản ánh nhu cầu thị trường tăng vọt, do Chính phủ các nước mạnh tay tung ra các gói kích thích và tăng cường thúc đẩy hoạt động đầu tư công.

Trước tình hình này, có thể thấy nhu cầu về thép của Việt Nam rất lớn, năng lực sản xuất thép cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước, nhưng vì lý do khách quan mà không sử dụng hết năng lực. Đây là một câu chuyện dài hơi, thậm chí không thể giải quyết được ngay trong một sớm một chiều”, vị chuyên gia băn khoăn.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện Tổng hội xây dựng Việt Nam bày tỏ, mức tăng giá thép nêu trên cùng với tăng giá của một số vật liệu xây dựng chủ yếu đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện hợp đồng xây dựng của các nhà thầu, đặc biệt là các hợp đồng thực hiện các gói thầu có tỷ trọng chi phí thép lớn như gói thầu xây dựng cầu, nhà kết cấu thép, công trình cấp thoát nước,…

Trong các đề xuất của mình, bao gồm trước mắt và dài hạn, Tổng hội có đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước sớm có biện pháp để hạn chế xuất khẩu và dự báo tốt nguồn cung và nhu cầu nhằm đảm bảo bình ổn thị trường thép trong nước.

Nhà nước cần đưa vào quy định pháp luật trường hợp biến động giá bất thường nằm ngoài tầm kiểm soát, làm cho giá hợp đồng tăng trên 10%, bao gồm cả dự phòng thì được xử lý là trường hợp bất khả kháng.Các bên xử lý trên nguyên tắc chia sẻ, hài hòa lợi ích, nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu của dự án. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn về cơ chế hình thành, sử dụng và quản lý “Quỹ Bình ổn giá thép” như xăng dầu”, Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề xuất.

Chưa có lời giải

Có ý kiến cho rằng, năng lực sản xuất thép của Việt Nam đảm bảo, nhưng nguồn nguyên liệu đầu vào đang là nút thắt vì không đủ nguyên liệu sản xuất thì nhà máy cũng phải “ngồi chơi”.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh tiếp tục chỉ ra rằng: Thứ nhất, việc khai thác quặng sắt ở Việt Nam không hề dễ dàng, mặc dù đã có kế hoạch thăm dò khai thác một số mỏ nhưng không đạt được hiệu quả cao. Các mỏ ở vùng miền núi phía Bắc thì nhỏ, lẻ, sản lượng thấp, cùng với giao thông không thuận tiện, nếu đưa về các nhà máy sản xuất thép, dễ dẫn đến tình trạng “một tiền gà, ba tiền thóc”. Chính vì vậy, xuất khẩu quặng ngược sang Trung Quốc là giải pháp thuận lợi hơn cả.

Thứ hai, Việt Nam phải nhập khẩu phôi nguyên liệu để luyện thép từ thị trường Trung Quốc là chủ yếu, dẫn đến giá thép phụ thuộc vào giá nhập khẩu nguyên liệu. Chưa kể, trong quá trình sản xuất phải sử dụng cả than cốc, điện cực graphite, mà giá những nguyên liệu này tăng thì khó mà kìm hãm được giá thép ổn định.

Trước đề xuất “Quỹ bình ổn giá thép” mà Tổng hội Xây dựng nêu ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị cân nhắc việc này. Song, nhiều chuyên gia đã đồng thời khẳng định, như vậy là trái với thể chế về quản lý giá trong cơ chế thị trường.

TS Nguyễn Trí Hiếu

TS Nguyễn Trí Hiếu

Theo đó, TS Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính cho biết, không nên lập quỹ bình ổn giá cho thép, với mặt hàng thép nên để cho thị trường dao động theo quy luật cung cầu. "Cứ hễ mặt hàng nào tăng giá, leo thang lại đề xuất thành lập quỹ bình ổn thì "không ổn" chút nào. Chỉ những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống như xăng dầu thì mới nên có quỹ bình ổn. Còn thép liên quan đến vật liệu xây dựng, không thuộc đại đa số người dân cần sử dụng. Tôi không đồng tình lập Quỹ này".

Các chuyên gia muốn nhấn mạnh về tác động của các cơ quan quản lý, tiêu biểu là Bộ Công Thương trong việc điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh, lượng xuất nhập khẩu để đảm bảo cung cầu trong nước ổn định. Từ đó, giá thép sẽ bình ổn hơn so với hiện nay.

Cụ thể, kiềm chế việc xuất khẩu không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, sẽ khiến doanh nghiệp không mất chi phí logistics, vận chuyển và cả tiền thuế,... Mà còn tạo cho cung cầu trong nước thay đổi, lượng cung ứng trong nước tăng, giá cả sẽ hạ nhiệt.

Có thể bạn quan tâm

  • Đề xuất thành lập Quỹ bình ổn thép là phi thị trường

    Đề xuất thành lập Quỹ bình ổn thép là phi thị trường

    15:38, 01/06/2021

  • Khi nào giá thép có thể hạ nhiệt?

    Khi nào giá thép có thể hạ nhiệt?

    03:00, 26/05/2021

  • Điều tiết nguồn phôi - “kìm” giá thép

    Điều tiết nguồn phôi - “kìm” giá thép

    01:00, 20/05/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải bài toán tăng giá thép ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO