Cơ hội thay đổi lớn từ sử dụng năng lượng sạch
Việt Nam có cơ hội “cưỡi” làn sóng bền vững và trở thành “tuyển thủ chính” của khu vực trong cuộc chơi giải pháp năng lượng và biến đổi khí hậu.
>>Tăng dư nợ tín dụng cho năng lượng tái tạo
Đó là nhận định của các chuyên gia tham dự Diễn đàn Thành phố thông minh và bền vững 2021 do Đại học RMIT tổ chức. Một vấn đề quan trọng khiến nhiều người quan ngại chính là lượng phát thải CO2 toàn cầu từ các thành phố. Với dự báo 70% dân số toàn cầu sẽ sống ở các thành phố vào năm 2050, và 70% lượng khí thải toàn cầu là từ các thành phố, các nước cần phải đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ và phương thức tiếp cận nhằm đảm bảo bền vững hơn nữa.
Báo cáo năm 2021 của Cơ quan năng lượng quốc tế IEA về Trao quyền để các thành phố hướng tới tương lai phát thải bằng không đã chỉ ra rằng bằng cách tập trung vào các thành phố, đến năm 2050 sẽ giảm được gần 90% khí thải.
Tiến sĩ Seng Kiat Kok, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị nguồn nhân lực và Khởi nghiệp tại Đại học RMIT và là người điều phối phiên thảo luận, đề xuất rằng “thay đổi như vậy sẽ tạo ra phân cấp rõ rệt hơn cho dân số của các thành phố, sức khoẻ thể chất và tinh thần sẽ được cải thiện nhờ môi trường trong sạch hơn”.
>>Chính phủ cần có chính sách phát triển năng lượng tái tạo có lộ trình xuyên suốt và liên tục
“Tương tự, thay đổi cũng sẽ tác động lên điều kiện kinh tế xã hội qua việc có thêm các nguồn năng lượng tái tạo và hiệu quả hơn, cũng như số lượng công việc và chuyên môn được tạo ra từ các ngành năng lượng đang nổi này”, ông nói.
Tiến sĩ Kok chia sẻ rằng để hướng tới phát thải bằng không đến năm 2050, cần đặt trọng tâm hơn nữa vào phát triển hạ tầng, nhìn nhận lại văn hoá trong các tổ chức và chuyển đổi số trong quản lý năng lượng trong nước.
“Việt Nam đã và đang là một trong những thị trường năng lượng hiệu quả nhất trong khu vực, việc phát triển với chi phí thấp giúp Việt Nam đi trước các nước láng giềng và vẫn còn cơ hội để thúc đẩy thế mạnh này hơn nữa”, ông nhấn mạnh.
Khách tham dự phiên thảo luận và là Giám đốc điều hành của Vũ Phong Energy Group ông Phạm Nam Phong nhấn mạnh vào giá trị và việc tập trung vào số hoá, những lĩnh vực có thể giúp đẩy mạnh hiệu quả năng lượng, tăng tính khả dụng và giảm thời gian ngắt quãng.
Ông Phong lấy việc chuyển đổi số và công nghệ của doanh nghiệp ông làm ví dụ. “Vũ Phong đã có thể đạt được 99,9% năng lượng khả dụng từ các nhà máy năng lượng mặt trời của công ty trong năm 2020, không chỉ giúp tối đa hoá việc sử dụng năng lượng mà còn giảm lãng phí”, ông nói. “Quả thực, những thay đổi và lợi thế này đem đến lợi ích về môi trường cũng như cơ hội kinh doanh tốt hơn. Các nhà cung cấp mới và ngành công nghiệp ủng hộ tiến bộ công nghệ và thay đổi hướng tới các nguồn năng lượng xanh hơn đang kỳ vọng vào lợi ích từ những thị trường mới và đang phát triển”.
Ông Phong đề xuất rằng các cơ hội tái chế từ rác thải của sản phẩm công nghệ hiện đại sẽ đem đến kênh tạo lợi nhuận mới cho kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh hiệu quả cho vòng tuần hoàn bền vững.
Tiến sĩ Kok ghi nhận rằng trong bối cảnh doanh nghiệp và người tiêu dùng trong khu vực ngày càng có ý thức về bền vững, Việt Nam có thể bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp hiện tại của quốc gia và đặt các quy chuẩn xanh nghiêm ngặt hơn làm trọng tâm hành động.
“Nghiên cứu nền tảng bền vững châu Á của Kantar năm 2021 chỉ ra rằng 53% người tiêu dùng bắt đầu ngừng mua sản phẩm/dịch vụ có tác động xấu lên môi trường và xã hội”, Tiến sĩ cho biết.
“Vì vậy, không chỉ các doanh nghiệp và ngành nghề lớn đang xem xét các lựa chọn thay thế thân thiện với môi trường khi tìm kiếm nguồn năng lượng, mà nhu cầu của khách hàng với với các sản phẩm/dịch vụ sạch và bền vững hơn cũng mở rộng. Đánh giá của Kantar Worldpanel năm 2020 nhấn mạnh rằng bền vững nằm trong nhóm năm mối quan tâm hàng đầu với người Việt Nam”.
Khách tham dự phiên thảo luận cũng đưa ra dẫn chứng mạnh mẽ về vai trò của cá nhân trong việc định hướng nghị sự về biến đổi khí hậu.
Tiến sĩ Kok lấy các sáng kiến từ Youth4Climate và GreenID của Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc làm ví dụ về các tổ chức đang tìm cách ủng hộ và tạo diễn đàn cho thế hệ trẻ lên tiếng.
Ông chia sẻ rằng, “Youth4Climate đã ra mắt Cổng thông tin về biến đổi khí hậu cho thanh niên nhằm nâng cao nhận thức cho giới trẻ, đồng thời trao quyền và hỗ trợ mạng lưới thanh niên hành động vì khí hậu nhằm thúc đẩy phong trào sử dụng năng lượng bền vững ở Việt Nam. Hợp tác cùng Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh GreenID, cả hai còn nỗ lực thúc đẩy sử dụng các công cụ kỹ thuật số và truy cập số, từng bước xây dựng năng lực cho giới trẻ, hướng tới tương lai tập trung vào năng lượng bền vững và tái tạo”.
Bà Morgane Rivoal, viên chức về Biến đổi khí hậu và Kinh tế tuần hoàn thuộc Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, nhận định rằng khía cạnh chính của sáng kiến Youth4Climate ở Việt Nam là làm việc với các tổ chức trọng yếu trong nước và “mở rộng hiểu biết của giới trẻ về những thách thức liên quan mật thiết với biến đổi khí hậu, đồng thời bồi đắp năng lực để giới trẻ có thể đảm nhận và dẫn dắt các hành động vì khí hậu”.
Giám đốc điều hành GreenID bà Nguỵ Thị Khanh nhấn mạnh rằng dẫu cần có thời gian để thay đổi những chính sách giải quyết các vấn đề quanh nguồn năng lượng bền vững, buộc doanh nghiệp phải đưa phát thải CO2 bằng không vào trọng tâm hoạt động, “chúng ta, những người sử dụng năng lượng cũng có quyền năng trong việc kiến tạo thay đổi”.
“Chúng ta phải tìm ra cách để cả người dùng năng lượng và doanh nghiệp thiết tha với việc sử dụng năng lượng xanh cũng như lợi ích của hoạt động này”, bà Khanh nói và đề xuất rằng thay đổi phải đến từ cả nhà cung cấp năng lượng và người tiêu dùng cuối cùng để đạt được những mục tiêu như vậy.
Tiến sĩ Kok nhấn mạnh vào những cơ hội vô cùng to lớn nhằm bồi đắp nhận thức người dân và xây dựng lực lượng bảo vệ môi trường trong tương lai, đồng thời hỗ trợ và định vị Việt Nam như một quốc gia cực kỳ ủng hộ việc kinh doanh tuân thủ đạo đức và có trách nhiệm.
“Bên cạnh các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, cần đẩy mạnh đồng bộ việc xây dựng và bổ túc phát triển năng lực hiện tại và khối lượng tới hạn, mà vẫn chú trọng đến bền vững”, ông nói. “Dần dà, những sáng kiến và thành công này sẽ định vị Việt Nam như điểm đến tuân thủ đạo đức và có trách nhiệm cho doanh nghiệp trong tương lai”.
Có thể bạn quan tâm
THU HÚT ĐẦU TƯ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Cần đánh giá tổng thể tác động môi trường các dự án
18:29, 26/11/2021
Phát triển năng lượng tái tạo: Chính sách "vênh" thực tiễn
04:00, 28/11/2021
Chính phủ cần có chính sách phát triển năng lượng tái tạo có lộ trình xuyên suốt và liên tục
12:30, 28/11/2021
THU HÚT ĐẦU TƯ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Huy động mọi nguồn lực phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo
17:33, 26/11/2021
Công bố kết quả bình chọn các dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu 2021
16:54, 26/11/2021